Không chỉ vào các kỳ nghỉ lễ, thời gian gần đây giá vé máy bay chặng nội địa luôn neo ở mức cao, gấp 2 – 3 lần so với trước, thậm chí có thời điểm giá vé máy bay nội địa ngang với giá tour đi Thái Lan. Vì sao? Hành khách đi lại máy bay dịp lễ tăng cao, hàng không vẫn khó giảm giá vé – Ảnh: CÔNG TRUNG Theo các hãng bay, nguyên nhân là do chi phí đầu vào được tính bằng USD như xăng, thuê máy bay, thuê phi công… tăng theo giá USD, chưa kể số lượng máy bay bị giảm mạnh. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc giá vé máy bay nội địa quá cao là do thiếu sự liên kết giữa hàng không và du lịch, chưa nhận được sự hỗ trợ trong chính sách thuế, phí… Du lịch gặp khó với giá vé máy bay Theo khảo sát giá vé ngày 23-4 trên website của các hãng, nhiều chặng bay nội địa đến điểm du lịch Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang dịp 30-4 và 1-5 gần kín chỗ. Ở những chặng bay còn vé, giá vé không có dấu hiệu giảm vào cận ngày như các năm trước. Chẳng hạn, chặng TP.HCM – Nha Trang, Đà Nẵng có giá 4,5 – 6 triệu đồng/chặng khứ hồi. Trong khi ngày thường bay chặng nay chỉ tốn khoảng 2,3 triệu đồng. Khách bay từ Hà Nội – Phú Quốc dịp lễ đang được hãng bay neo giá 7 – 12 triệu đồng/vé khứ hồi, trong khi ngày thường dao động 2,9 – 4 triệu đồng. Điều này khiến cho lượng du khách đi lại bằng đường hàng không tại một số điểm đến được dự báo sẽ giảm mạnh so với mọi năm. Trong khi đó, khảo sát trên website của nhiều hãng lữ hành cho thấy giá tour được bán rẻ hơn giá vé máy bay khứ hồi. Chẳng hạn, Công ty Vietravel vẫn còn nhận chỗ khách đặt tour trọn gói (đã gồm vé máy bay, ăn uống, khách sạn…) đi từ TP.HCM sang Thái Lan 5 ngày 4 đêm ở mức 8,9 triệu đồng/khách. Anh Nguyễn Bảo Châu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng giá vé máy bay dịp lễ 30-4 năm nay không chỉ tăng cao mà còn khan hiếm. Với một chuyến đi du lịch mà giá vé máy bay 5 – 6 triệu đồng là quá cao, trong khi nhiều tour du lịch trọn gói, đặc biệt là Thái Lan 4 – 5 ngày có giá ngang ngửa với giá vé máy bay. Anh Minh Tuấn (Phú Nhuận), phụ trách kinh doanh thiết bị công nghiệp tại TP.HCM của công ty nước ngoài, cho rằng lẽ ra giá vé máy bay dịp cao điểm sẽ mềm hơn do tỉ lệ lấp đầy cao cho cả hai chiều đi và về đều rất tốt. “Một chuyến bay đầy khách chi phí sẽ thấp hơn chuyến bay vắng khách, lẽ ra giá vé phải giảm”, anh Tuấn nói. Hãng bay nói khó giảm giá vé Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một hãng bay cho rằng giá vé bay cao do đặc thù của hàng không là nhiều giao dịch với các hãng nước ngoài, từ bảo trì dịch vụ, mua sắm tàu bay, thuê tài sản, thuê phi công… đều chi trả bằng USD. “Ngay cả một ốc vít máy bay bị hư, giá trị mua tới vài trăm đến cả ngàn USD. Khi tỉ giá USD tăng, chi phí đầu vào cũng tăng theo, giá vé máy bay cũng bị đẩy lên”, vị này nói. Theo ông Đặng Ngọc Hòa – chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cứ 1% biến động tỉ giá, hãng này mất đi 300 tỉ đồng. Trong năm 2023, chỉ riêng biến động tỉ giá, hãng này đã lỗ tới 903 tỉ đồng. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cũng ảnh hưởng chi phí đầu vào của các hãng bay. Chăng hạn, vào thời điểm trước dịch, giá dầu 98 – 115 USD/thùng nhưng nay dao động 120 – 130 USD/thùng. Chi phí đầu vào tăng mạnh buộc hãng bay điều chỉnh giá vé nhưng vẫn nằm trong khung giá trần Nhà nước quy định. “Tuy nhiên, giá vé của ngày lễ 30-4 và cao điểm hè giá sẽ khác so với giá mùa thấp điểm”, vị này nói. Số lượng máy bay giảm cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đến nay đã có 22 máy bay được tháo động cơ theo diện triệu hồi của nhà sản xuất để sửa chữa. Ngoại trừ Vietnam Airlines và Vietjet, số lượng máy bay của ba hãng là Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Pacific Airlines giảm từ 30 chiếc xuống còn sáu chiếc, trong đó Pacific Airlines không còn máy bay. Ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết việc thiếu máy bay diễn ra trên toàn cầu nên việc thuê tàu bay vừa khó, vừa cao giá. Cụ thể, trước Tết 2024, giá thuê máy bay Airbus A321 là 2.300 USD/giờ, đến nay mức giá đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ. Dù vậy, các hãng cho biết rất khó thuê máy bay. Thiếu liên kết, khó giảm giá vé máy bay Giải thích lý do giá vé máy bay nội địa thậm chí cao hơn giá tour trọn gói đi một số quốc gia, giám đốc một doanh nghiệp du lịch cho rằng do những điểm đến này có sự liên kết chặt chẽ giữa hàng không – du lịch, chưa kể một số quốc gia cũng có chính sách trợ giá vé máy bay nhằm thu hút du khách. Chẳng hạn, đầu tháng 4, Thái Lan quyết định hỗ trợ hãng bay giảm 3,8 – 14% giá vé với một số tuyến nội địa trong dịp lễ hội té nước Songkran. Các chặng bay giữa Bangkok và Chiang Mai, Krabi và Phuket được giới hạn ở mức 3.000 baht (hơn 2 triệu đồng) cho mỗi chuyến bay. Các hãng bay này tung nhiều khuyến mãi, thậm chí giảm 15 – 20% giá vé nhằm thu hút đông khách du lịch từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam… sang Thái Lan du lịch trong mùa lễ hội này. “Thái Lan xác định nguồn thu không chỉ giá vé máy bay, mà toàn bộ chi tiêu của khách du lịch. Vé máy bay rẻ, lượng khách sang Thái Lan du lịch tăng 3 – 4 lần là điều mà ngành du lịch quốc gia này nhắm đến”, một chuyên gia du lịch khẳng định. Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cũng cho rằng khi liên kết hàng không – du lịch, giá vé máy bay có thể rẻ mà hãng hàng không cũng không bị lỗ, do chi phí được bù đắp từ các dịch vụ liên kết như đặt tour, nghỉ dưỡng, mua sắm, ăn uống… Theo ông Hạnh Nguyễn, các cửa hàng mua sắm hàng miễn thuế nội đô (dowtown duty free) hay trung tâm bán hàng giảm giá (premium outlet) sắp hình thành ở một số thành phố, Việt Nam sẽ thu hút lượng khách du lịch mua sắm chi tiêu nếu giá vé máy bay hợp lý. “Chẳng hạn, với 20 triệu khách đi/đến Việt Nam, không chỉ hàng không thu hút được khách, riêng tiền phí phục vụ nhà ga, soi chiếu an ninh 20 USD/khách, sân bay đã thu 400 triệu USD rồi”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói. Xu hướng giá vé máy bay tiếp tục tăng Đây là nhận định của ông Subhas Menon, Hiệp hội các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương (AAPA), đưa ra tại buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam mới đây. Theo ông Subhas Menon, giá vé máy bay trên thế giới tới đây sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước, chủ yếu do thiếu hụt máy bay, nhiên liệu và tỉ giá tăng cao, thiếu hụt nhân sự… Theo thống kê của FCM Consulting – công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia, cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17 – 25% so với năm 2019. Trong năm 2024, FCM Consulting dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3 – 7% và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Theo Tuổi Trẻ Online