Giá xăng giảm, vì sao một số mặt hàng ở TP HCM chưa giảm giá?


Theo Sở Tài chính TP HCM, hiện các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng trứng gà, mì gói… còn lỗ rất nhiều nên không thể giảm giá mà cố gắng giữ giá.

Sở Tài chính TP HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP HCM về kết quả rà soát giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường để điều chỉnh theo diễn biến giá xăng dầu giảm từ đầu tháng 7.

Trên cơ sở phân tích cụ thể cơ cấu hình thành giá các mặt hàng của các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thị trường TP HCM, Sở Tài chính cho biết tại thời điểm hiện tại, mặc dù giá xăng dầu có giảm nhưng các khoản chi phí khác như chi phí sản xuất, chi phí bán hàng vẫn đang tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm nên DN chưa thể giảm giá theo giá xăng.

Việc giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong thời gian qua chưa tác động lớn đến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, do giá xăng dầu chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ từ 2%-4% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá trong thời gian vừa qua chủ yếu bị tác động bởi chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Đây là vấn đề mà các DN và người chăn nuôi đặc biệt quan tâm, cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý e ngại trong việc tái đàn thời gian qua.

Cụ thể, đối với các DN sản xuất trứng gia cầm, chi phí nguyên liệu, vật liệu chính chiếm 77% cơ cấu giá thành như thức ăn cho gà, vịt tăng liên tục từ đầu năm. Chi phí xăng dầu chỉ chiếm 2,2%. Giá trứng nguyên liệu tăng liên tục (từ tháng 4 đến nay giá trứng gà tăng 28,57% và trứng vịt tăng 54,5%) khiến người chăn nuôi khó cầm cự nổi phải tạm nghỉ khiến nguồn cung sụt giảm.


Các doanh nghiệp tham gia bình ổn mặt hàng trứng gà, vịt vẫn đang gồng lỗ để chia sẻ áp lực tăng giá với người tiêu dùng

Theo Sở Tài chính, với giá bán hiện nay trong chương trình bình ổn, trứng gà loại 1 là 31.500 đồng/chục; trứng vịt loại 1 là 37.000 đồng/chục trong khi giá bán lẻ ngoài thị trường lần lượt là 35.000-37.000 đồng/chục và 40.000-45.000 đồng/chục thì các DN đang chịu lỗ rất nhiều. Hiện DN không thể giảm giá mà đang cố gắng giữ nguyên giá bán bình ổn.

Tương tự, với nhóm hàng thịt gia cầm, chi phí xăng dầu chỉ chiếm 0,5%-4% cơ cấu giá thành trong khi chi phí của gà lông, vịt lông chiếm 80% cơ cấu giá thành. Từ tháng 5 đến nay, giá nguyên vật liệu nông nghiệp, chăn nuôi liên tục tăng như thức ăn chăn nuôi tăng 35%-37% và không có xu hướng giảm trong thời gian tới. Giá gà lông, vịt lông tăng từ 18%-30% nhưng các DN vẫn cố gắng giữ giá bình ổn như đăng ký với thành phố từ tháng 4. Do đó, các DN không thể giảm giá và cam kết khi các nguyên liệu chính điều chỉnh giảm thì sẽ tính toán lại và điều chỉnh theo.

Đối với mặt hàng thịt heo, chi phí xăng dầu chiếm 2,38%-2,8% cơ cấu giá thành. Dưới tác động của thức ăn chăn nuôi, nguồn cung giảm do dịch tả heo châu Phi, giá heo hơi vẫn đang ở mức cao 66.000 đồng/kg, tăng 10% so với giữa tháng 7 nên DN cũng chưa thể điều chỉnh giảm giá. Tuy nhiên, các DN vẫn kết hợp với các hệ thống phân phối thực hiện linh hoạt cho chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Riêng đối với nhóm mì gói, các DN báo cáo giá nguyên liệu chính như dầu cọ, gạo, trấu, than cám… (chiếm 80% cơ cấu giá thành) đã tăng 15%-28%. Thời gian qua, các DN đã đề xuất tăng giá nhưng Sở Tài chính đề nghị cố gắng giữ giá trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Với vai trò quản lý giá trên địa bàn Thành phố, Sở Tài chính cho rằng để bảo đảm ổn định đời sống xã hội, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ: Vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các sở ngành liên quan.

Theo Người Lao Động Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: