Phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia


Vùng Đông Nam bộ có hệ sinh thái sản xuất hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.


Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là trung tâm cảng biển quốc gia

ẢNH: NGUYỄN LONG

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định đây là lợi thế, nguồn tài nguyên quý báu và lợi thế địa lý của mình để phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trọng tâm là việc hình thành “Khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ” và phát triển “Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế” theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Theo thống kê của Tổ chức Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), đến năm 2019 trên thế giới có 5.383 khu kinh tế/thương mại tự do tại 147 nước. Hiện nay, khu thương mại tự do vẫn là một trong những gợi ý chính sách hàng đầu, là xu thế lớn để các nước nghiên cứu đổi mới, áp dụng, triển khai, nhằm đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, rút ngắn thời gian và chi phí xâm nhập vào thị trường thế giới.

Bà Rịa-Vũng Tàu có hệ thống cảng biển nước sâu dài gần 20km (theo quy hoạch) được xếp loại đặc biệt quốc gia. Cảng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cửa ngõ hướng ra biển Đông của vùng và cả khu vực phía Nam. Cái Mép-Thị Vải là cảng duy nhất của Việt Nam và là một trong 20 cảng lớn trên thế giới nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, hiệu quả.

Việc hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với hành lang công nghiệp – đô thị Đông Tây (dài gần 300km) phía Nam đất nước sẽ tạo ra lợi thế so sánh vượt trội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung trong giai đoạn phát triển mới; đồng thời phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.


Bờ biển dài là lợi thế cho du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu

ẢNH: NGUYỄN LONG

Phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế

Cùng với việc thúc đẩy hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát triển tỉnh thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều dài bờ biển khoảng 300km, có Vườn Quốc gia Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar biển đầu tiên ở Việt Nam, cùng với đó là các di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân miền biển,… Các yếu tố trên hội tụ đủ những tiềm năng, thế mạnh để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao đẳng cấp quốc tế (theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị).

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thời gian qua tỉnh đã xác định phát triển du lịch là một trong các trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh, với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Hiện nay, vùng biển và ven biển từ Vũng Tàu – Long Hải – Phước Hải – Bình Châu của tỉnh và H.Côn Đảo tập trung hoạt động du lịch của tỉnh.


Khách quốc tế đến Bà Rịa-Vũng Tàu bằng tàu du lịch

ẢNH: NGUYỄN LONG

Trục động lực kinh tế du lịch của tỉnh được định hình tại khu vực ven biển phía Đông Nam dọc tuyến đường ven biển Vùng Tàu – Bình Thuận, với chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu; phát triển các khu du lịch quốc gia Long Hải – Phước Hải, Hồ Tràm – Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo.

Phát triển các đô thị định hướng phát triển theo mô hình đô thị xanh, hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội, đáng sống; từng bước định vị Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức tiếp tục được đầu tư, đồng bộ, hiện đại như: Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP.HCM, cầu Phước An, sân bay Côn Đảo… Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giai đoạn 2021-2025 để hoàn tất tuyến đường ven biển kết nối TP.HCM, Đồng Nai, sân bay Long Thành, Bình Thuận chạy dọc theo bờ biển với tổng chiều dài 76km (qua 6/8 huyện, thị, thành phố của tỉnh), giải quyết điểm “nghẽn” trong kết nối, hình thành hành lang kinh tế du lịch liên hoàn, toàn diện giữa Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh, thành khác trong vùng, cả nước và quốc tế.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: