Khốc liệt cuộc đua cửa hàng bán lẻ


Cuộc đua bán lẻ quy mô cửa hàng ngày càng khốc liệt khi có nhiều tên tuổi mới tham gia và sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau đại dịch Covid-19.

Ghi nhận của phóng viên, tại khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) quy tụ nhiều cửa hàng thực phẩm của các chuỗi bán lẻ như: San Hà, Hiền Hà, Bách Hóa Xanh, WinMart… Theo các doanh nghiệp (DN), mặt bằng gần chợ truyền thống vẫn là tối ưu đối với những thương hiệu bán lẻ thực phẩm, hàng tươi sống vì tiện lợi cho khách hàng, dễ thu hút người mua.

Cửa hàng nhỏ “chiếm sóng”

Chị Trần Thị Dung (ngụ quận Bình Thạnh) thường xuyên mua hàng ở các cửa hàng, cho biết so với thực phẩm trong chợ thì thực phẩm ở cửa hàng sạch sẽ hơn mà giá không mắc hơn bao nhiêu. “Mua ở đây nhanh hơn siêu thị vì không phải xếp hàng chờ thanh toán, không tốn tiền gửi xe. Thỉnh thoảng họ có chương trình khuyến mãi cho khách hàng thanh toán không tiền mặt, tiết kiệm thêm 20.000 – 30.000 đồng/lần mua sắm” – chị Dung nêu.

Ông Bùi Văn My, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), cho biết ngày 27-6, Sagrifood – thành viên của Sagri – mở cửa hàng thực phẩm tiện lợi thứ 6 tại địa chỉ 189 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Theo ông My, trong 2 năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chợ truyền thống đóng cửa nên khách hàng chuyển sang mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm tiện lợi nên tình hình kinh doanh tốt, có lời. Bước sang năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, nhiều cửa hàng tiện lợi mở mới, chợ truyền thống mở lại nên các cửa hàng Sagrifood chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn. Do đó, việc mở cửa hàng mới nhằm phục vụ đa mục tiêu: điểm giới thiệu sản phẩm, nơi giao dịch, “kho” để giao hàng online…

Người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng tiện lợi Ảnh: AN NA

Kingfoodmart, chuỗi siêu thị mini thuộc hệ sinh thái của Quỹ Đầu tư Seedcom, từ đầu năm 2022 đến nay đã liên tục mở 4 điểm bán mới, nâng số lượng lên 10 siêu thị trải khắp 6 quận, huyện tại TP HCM. Chia sẻ với giới truyền thông trước đây, lãnh đạo siêu thị cho biết tham vọng phát triển đến 500 cửa hàng vào năm 2025. Một chuỗi cửa hàng tiện lợi mới toanh khác tại TP HCM là Nova Market (thuộc Nova Commerce – thành viên của NovaGroup). Vừa chính thức ra mắt 3 cửa hàng từ tháng 3-2022 và liên tiếp khai trương nhiều điểm bán mới trong tháng 4 và 5-2022, đến nay Nova Market đã có hơn 10 cửa hàng tại TP HCM và các vị trí đắc địa như NovaWorld Hồ Tràm, NovaWorld Phan Thiết, NovaHills Mũi Né… Theo kế hoạch, Nova Commerce sẽ mở 300 Nova Market trong năm nay, trong đó ngoài những điểm bán quy mô cửa hàng còn có các siêu thị với ngành hàng kinh doanh chủ lực là nông sản hữu cơ xanh – sạch, thực phẩm và đồ dùng tiện lợi.

Ở phạm vi rộng hơn, một số DN bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Masan… cũng dồn sức thúc đẩy, tái cơ cấu và gia tăng sự hiện diện ở phân khúc cửa hàng. Nhà bán lẻ từ Nhật là AEON đang đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng MaxValue ở TP Hà Nội. Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, ông Furusawa Yasuyuki, cho biết trước mắt, trong năm 2022, AEON Việt Nam cố gắng mở 20 cửa hàng MaxValue tại Hà Nội; cùng với đó, nâng cấp, đổi mới 19 cửa hàng AEON Citimart hiện có, xem xét mở mới nếu tìm được mặt bằng phù hợp.

Phân khúc nhiều rủi ro

Trên đường Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh), thời điểm đầu năm 2022 có 2 cửa hàng thực phẩm sạch mọc lên thì đến nay cả 2 cửa hàng đã chuyển ngành nghề kinh doanh, cho thấy mở cửa hàng thực phẩm sạch không hề dễ dàng. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà – sở hữu chuỗi San Hà Foodstore, cho rằng hiện nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi đang bị thua lỗ do vắng khách. “Một số tên tuổi mới bước vào ngành, mạnh về vốn nhưng chưa có kinh nghiệm bán lẻ nên có thể chưa lường hết khó khăn. Ngay cả San Hà, với 50 cửa hàng tại TP HCM và tỉnh Long An cũng đang trong tình trạng lỗ. Do đó, trước mắt, công ty không có kế hoạch tăng điểm bán mà tập trung xây dựng lại hệ thống chỉn chu hơn, đa tiện ích cho khách hàng. Lợi thế của San Hà là chủ động được 100% khâu giết mổ và 30% sản phẩm chăn nuôi nên sẽ cố gắng hồi phục và thoát lỗ trong thời gian tới” – bà Ngọc Hà bày tỏ.

Ông Nguyễn Như Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình (sở hữu 9 điểm bán lẻ tại TP HCM), cho biết các điểm bán chủ yếu phân phối sản phẩm do công ty sản xuất theo chuỗi khép kín. Việc sở hữu chuỗi bán lẻ giúp DN ổn định đầu ra, duy trì lượng khách trung thành và có ưu thế nhất định so với một số DN chỉ thực hiện một số khâu trong chuỗi sản xuất trước biến động của thị trường. Tuy nhiên, 4 năm qua, Long Bình không mở điểm bán mới dù tất cả cửa hàng đều đã có lời. “Chúng tôi không muốn mở rộng ồ ạt mà tập trung vào hiệu quả nên khá thận trọng. Suốt 2 năm qua, dù dịch bệnh, mặt bằng trống nhiều nhưng các mặt bằng tốt, gần các chợ truyền thống mà DN chọn vẫn giữ giá. Nếu chấp nhận chi phí thuê từ 30-40 triệu đồng/điểm bán thì DN sẽ phải bù lỗ khá dài, trường hợp lượng khách không đông như dự kiến thì sẽ thất bại” – ông Sinh giải thích.

Đại diện AEON Việt Nam cũng thừa nhận lợi nhuận từ mô hình cửa hàng nhỏ và vừa không cao. Do đó, để đạt được mức lợi nhuận như kỳ vọng, ít nhất hệ thống phải đạt chuỗi 100 cửa hàng và trước khi chạm mốc 100 đó, DN phải chấp nhận lỗ.

Thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng

Theo các chuyên gia bán lẻ, dịch Covid-19 đã làm cho thói quen cũng như hành vi tiêu dùng của khách hàng có sự thay đổi mạnh về xu hướng. Người tiêu dùng có sự thay đổi trong cách thức mua hàng và gia tăng nhu cầu mua sắm ở những nơi gần nhà nên trong thời gian ảnh hưởng dịch, các siêu thị quy mô nhỏ hoặc cửa hàng tiện lợi ở gần nhà thì doanh thu tăng trưởng. Nhiều nhà bán lẻ đang thử nghiệm mở những cửa hàng, siêu thị quy mô nhỏ, phát triển thương mại điện tử, tăng dần phương thức thanh toán không tiền mặt để phục vụ khách hàng. “Sự thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng là thách thức cho tất cả nhà bán lẻ. DN nào không có biện pháp đáp ứng những thay đổi này chắc chắn sẽ chậm trễ” – tổng giám đốc một DN bán lẻ lớn nói.

Theo Người Lao Động


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: