Lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam


Dù dự báo lạc quan song nhiều chuyên gia lưu ý cần nhìn nhận rõ các thách thức đối với việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, bức tranh kinh tế – chính trị quốc tế đang có những biến động lớn.

Ngày 12-5, tại diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo – cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết từ đầu năm đến nay, các tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022.

Hai kịch bản tăng trưởng

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8-1-2022, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt khoảng 6% – 6,5%. Còn tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022, Chính phủ đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5% – 7%/năm.

Tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, đã cập nhật dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022-2023. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng 5,5% – 6% trong giai đoạn này. Ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022 – 2023 chỉ tăng trưởng 4,5% – 5%.

Ông Lực cho rằng các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện chương trình phòng chống dịch Covid-19; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 – 2023 và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Nhận định dù có cú sốc lớn nhưng Việt Nam đã duy trì sự ổn định về tài khóa, tài chính, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đưa ra là 4%.

“Vẫn có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế. Rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát, giá hàng hóa cao hơn, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài. Tăng trưởng chậm lại đáng kể ở Trung Quốc có thể làm điều này nghiêm trọng hơn” – ông Francois Painchaud phân tích.

Nhấn mạnh các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn được duy trì vững chắc, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nhận xét các yếu tố này tạo ra một thị trường tiêu thụ nội địa lớn và hấp dẫn. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng liên tục trên 12% trong 10 năm trở lại đây, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào, đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn trong khu vực.

“GDP dự kiến tăng trưởng ở mức 6% – 7% trong 2 năm 2022 – 2023 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, các hoạt động đầu tư của cả khối tư nhân lẫn nhà nước. Cùng với đó là triển khai thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế với gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng của Chính phủ” – ông Thuân nhận định.


Nhiều dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ảnh: MINH PHONG

Chú trọng phát triển kinh tế số

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã tạo cơ hội khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Qua đó, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% – 7%/năm giai đoạn 2021 – 2025.

Ông Hiếu nhấn mạnh trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, chương trình này là một trong những “phao cứu sinh”. Tuy nhiên, để triển khai và tận dụng hiệu quả chương trình, cần khẩn trương hiện thực hóa việc hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp.

“Cần sự nỗ lực của tất cả các bên, từ nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới bằng sự năng động, sáng tạo hơn và quản trị tốt hơn. Việc thực hiện chương trình này phải gắn chặt với các chương trình, nhiệm vụ khác” – ông Hiếu nhìn nhận.

Nhấn mạnh đến kinh tế số, GS-TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng đây sẽ là yếu tố quan trọng đóng góp vào năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới. Theo ông, để trở thành một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, Việt Nam phải nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực. Kinh tế số là nguồn lực giúp tăng trưởng năng suất lao động, là động lực tăng trưởng quan trọng nhất. Vì vậy, cần xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế số gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Lạm phát năm 2022 có thể ở mức 4% – 4,5%

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định với độ trễ của gói phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, đặt trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, dự báo lạm phát của nước ta năm 2022 sẽ ở mức 4% – 4,5% và tăng lên khoảng 5% – 5,5% vào năm 2023.

Theo NLD Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: