Với việc giá xăng dầu và một số đầu vào như nguyên liệu, chi phí vận chuyển giảm xuống, giá nhiều mặt hàng bán lẻ trên thị trường đã giảm nhẹ. Riêng dịch vụ ăn uống vẫn giữ giá cao. Dầu ăn là nhóm hàng đồng loạt giảm giá trong thời gian qua sau khi tăng rất mạnh theo giá xăng dầu – Ảnh: QUANG ĐỊNH Người tiêu dùng vẫn chờ người bán giảm giá tương xứng với mức giảm xăng dầu thay vì “chỉ biết tăng không biết giảm”. Có yếu tố “rằm tháng 7”? Sau khi đi chợ Tân Định (TP.HCM) ngày 13-8, bà Trịnh Hồng Ngọc (quận 1) nhận thấy giá bán lẻ thịt heo đã giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, chân giò còn 120.000 đồng/kg, cốt lết 123.000 đồng/kg, ba rọi 150.000 đồng/kg… Theo bà Ngọc, dù giá thịt heo bán lẻ vẫn còn cao hơn nhiều so với 3 – 4 tháng trước nhưng gần đây đã giảm và ít nhiều cũng giảm áp lực cho các bà nội trợ. Theo bà Đỗ Thị Bích – chủ sạp thịt heo Bích Đạt tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), mức giá bán ra còn cao là do giá nhập vào không giảm nhiều chứ không phải tiểu thương neo giá. “Sức mua đang giảm 20 – 30%, thêm tháng 7 âm lịch nhiều người ăn chay nên nhu cầu càng giảm. Do đó, tăng giá cao thì coi như mất nhiều hơn là được”, bà Bích khẳng định. Ngoài thịt heo, giá một số loại rau củ bán ra tại chợ lẻ ở TP.HCM cũng đã giảm nhiệt. Trừ cà chua, khổ qua… giá neo cao từ 20.000 – 30.000 đồng/kg; giá cải thảo, xà lách, đậu cove, dưa leo, đậu bắp… đã giảm 5.000 – 7.000 đồng/kg so với tháng trước. Người dân mua rau tại chợ Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH Tuy vậy, hầu hết người bán xác nhận mức giá trên vẫn còn cao hơn 10 – 20% so với thời điểm giá tốt của tháng 4 và tháng 5, và hầu như không giảm tương ứng theo mức giảm giá xăng dầu. “Thực tế mức giảm giá thịt heo, rau củ như trên chủ yếu do giá đầu vào giảm, còn việc ảnh hưởng từ xăng dầu tới giá bán là không nhiều”, bà Bích nói. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện các siêu thị Lotte Mart, Emart, MM Mega Market… xác nhận sau thời gian làm việc với nhà cung cấp, hiện có một số mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt… giá đã hạ nhiệt 5 – 10%. Tuy nhiên, hàng khô, hàng chế biến thì hầu như chưa được nhà cung cấp cho giảm giá, dù trước đó nhiều mặt hàng đã đề xuất tăng vì “giá đầu vào, xăng dầu tăng”. Vẫn chờ giảm giá sâu hơn Một trong các loại hàng hóa có mức tăng cao và cùng chiều với giá xăng dầu thời gian qua là dầu ăn đã đồng loạt giảm với mức giảm 2 – 13%. Bà Trang, nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh ở TP.HCM, cho biết nhóm hàng trước đó giá tăng mạnh nay giảm nhiều, riêng nhóm dầu ăn trung cao cấp tăng ít hơn vì thế mức giảm cũng ít. Hiện dầu Neptune loại 1 lít được áp dụng từ tháng 8 có giá khoảng 56.900 đồng/lít, giảm 2% so với tháng 6, dầu Meizan giảm khoảng 9% còn gần 42.000 đồng/lít… Giảm sâu nhất là dầu ăn Orchid giảm 13% còn khoảng 36.200 đồng/lít. Ông Bùi Thanh Tùng, tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An, cho biết cùng với giá xăng dầu, giá nguyên liệu dầu thế giới có xu hướng giảm nhẹ. Nhờ vậy doanh nghiệp cũng giảm giá bán dầu ăn cho người tiêu dùng. Theo dự báo, nếu giá hàng hóa trên thị trường thế giới duy trì xu hướng giảm như thời gian qua, tới đây giá một số mặt hàng trong nước có thể giảm thêm vì hàng nhập khẩu luôn có độ trễ”, ông Tùng nói. Máy bay Vietravel Airlines tiếp nhiên liệu tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) – Ảnh: QUANG ĐỊNH Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng bay cho biết giá xăng máy bay (JetA1) đang có xu hướng giảm theo giá thế giới, cùng thời điểm hàng không vào mùa thấp điểm đi lại, nên chắc chắn vé máy bay sẽ giảm giá mạnh. “Kết thúc dịp nghỉ hè, lượng khách giảm mạnh đến cuối tháng 10, chắc chắn vé máy bay sẽ có nhiều vé 300.000 – 600.000 đồng, rẻ hơn 30 – 45% so với dịp cao điểm hè. Trên website các hãng, khách mua vé giữa tháng 9 là có nhiều vé rẻ rồi”, vị này nói. Vẫn còn tiếng kêu khó giảm giá Tuy giá xăng dầu giảm liên tiếp nhưng giá cơm, phở, hủ tiếu… tại TP.HCM thời gian qua vẫn “im ru”, dù trước đó đã tăng giá vì “xăng dầu”. Cụ thể, nhiều hàng quán bán cơm bình dân giá 25.000 – 30.000 đồng/phần, hủ tiếu giá 30.000 – 40.000 đồng/phần, phở 40.000 – 50.000 đồng/phần. Mức giá trên đã tăng 5.000 – 8.000 đồng so với 2 – 3 tháng trước đó. Ông Trần Quốc Thịnh, chủ hệ thống lẩu gà 109 (TP.HCM), cho biết không gồng nổi nên mới tăng giá. “Xăng dầu không phải là yếu tố chính trong giá thành nên việc đánh giá “vì sao giá xăng giảm liên tục mà chúng tôi tăng giá” là chưa thỏa đáng”, ông Thịnh bày tỏ. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho biết giá bán chưa giảm được vì xăng chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu giá thành, trong khi giá nguyên liệu tăng. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều chưa chịu giảm giá cước theo mức giảm giá xăng dầu. “Chúng tôi cũng muốn giảm giá bán để bán được nhiều hàng hóa hơn, nhưng sản phẩm của tôi bán ra cấu thành từ nhiều yếu tố, nhưng các yếu tố này đều không giảm giá thì làm sao giá bán giảm”. Theo Tuổi Trẻ Online