OPEC thất vọng đối với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu


Những số liệu yếu kém về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới buộc OPEC phải hạ dự báo về nhu cầu trong năm nay.

Đưa thành phố Vũng Tàu phát triển xứng tầm

Bà Rịa – Vũng Tàu: Đầu tư hạ tầng góp phần phát triển kinh tế – xã hội

Trong báo cáo tháng 9, tổ chức này nhận định, suy giảm nhu cầu của thị trường vào cuối năm 2020 sẽ lên tới 9,5 triệu thùng/ngày. Sự phục hồi kinh tế kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trong năm 2021. Do đó, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng tiêu thụ 400.000 thùng/ngày.

Tâm lý bi quan của OPEC là do những số liệu xấu về đại dịch ở châu Á, đặc biệt là tại thị trường Ấn Độ, nơi có tỷ lệ lây nhiễm đang phá kỷ lục từ ngày này qua ngày khác. Ví dụ như trong ngày thứ bảy (12/9), nước này đã ghi nhận hơn 97.500 trường hợp nhiễm Covid-19 mới trong 1 ngày, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch. Nước này cũng đang đứng thứ hai thế giới về số lượng bệnh nhân Covid-19 sau Mỹ. OPEC lưu ý rằng, các vấn đề với Covid-19 ở nhiều quốc gia khác cho thấy, đại dịch bùng phát ảnh hưởng lớn đến nhu cầu dầu và những đợt bùng phát mới có thể làm trầm trọng hơn tình hình thị trường. Một trong những hệ quả của việc này là tốc độ tăng trưởng tiêu thụ nhiên liệu xăng dầu tại các nước phát triển đang ở mức rất thấp. Đồng thời các thành viên OPEC đang bị chèn ép bởi các nhà sản xuất không tham gia thỏa thuận OPEC+ về cắt giảm sản lượng.

Dự báo về sản lượng dầu mỏ tại các quốc gia ngoài OPEC+ đã được điều chỉnh tăng thêm 360.000 thùng/ngày do sản lượng của Mỹ trong tháng 6 phục hồi nhanh hơn dự kiến với mức tăng 1 triệu thùng/ngày trong tháng. Sản xuất dầu thô tại Mỹ, Canada và khu vực Mỹ Latinh cũng ghi nhận sự phục hồi trong quý III/2020. Bản thân OPEC cũng đang tăng sản lượng khai thác nhưng điều này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận OPEC+. Gia tăng sản lượng chính trong OPEC đến từ các nhà sản xuất dầu lớn nhất của tổ chức: KSA tăng thêm 475.000 thùng/ngày, UAE tăng thêm 180.000 thùng/ngày, Kuwait tăng 127.000 thùng/ngày. Đối với Nga, theo các nhà phân tích của OPEC, nước này sẽ giảm tổng sản lượng khai thác 9,8%, xuống còn 10,32 triệu thùng/ngày trong năm 2020, thấp hơn so với mức 11,44 triệu thùng/ngày trong năm 2019.

Giá dầu sẽ rơi vào quỹ đạo giảm?

Đầu tháng 9, nhiều chuyên gia thị trường bày tỏ sự thất vọng về giá dầu khi trước đó họ kỳ vọng kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn và giá dầu tăng. Trong tuần đầu tiên của tháng 9, giá dầu Brent đã có lúc được giao dịch dưới 40 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng ba tháng trở lại đây. Ngay cả khi thực tế sau đó giá dầu điều chỉnh tăng nhẹ, giá dầu Brent vẫn chưa thể bứt phá qua mốc 40 USD/thùng. Lưu ý rằng ngay cả khi những báo cáo về sự hình thành cơn bão nhiệt đới Sally ngoài khơi Vịnh Mexico, Chevron bắt đầu sơ tán nhân viên khỏi các cơ sở sản xuất và Royal Dutch Shell, BUP, BP và Hess đang sẵn sàng làm điều tương tự thì điều này chưa hỗ trợ giá dầu tăng đáng kể.

Một trong những yếu tố nghiêm trọng gây áp lực lên giá dầu là nguy cơ nổ ra cuộc chiến giá dầu mới, khi đầu tháng 9 vừa qua KSA thông báo giảm giá bán chính thức dầu thô tháng 10 cho thị trường châu Á. Nối tiếp KSA, Iraq (14/09) cũng đã thông báo giảm giá. Đầu tháng 9 vừa qua, Giám đốc công ty “Quỹ An ninh năng lượng quốc gia” (Nga) Konstantin Simonov cho biết, đây là vấn đề chính của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Các nhà sản xuất đang “đẩy nhau ra xa” và chờ đợi những vấn đề không thể cứu vãn xảy ra đối với các đối thủ cạnh tranh.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Gazeta.ru, các nhà phân tích thị trường dầu mỏ toàn cầu đã đưa ra các dự báo về giá dầu cho tháng 9 về đến cuối năm 2020. Chuyên gia quỹ đầu tư “BCS Broker” Igor Galaktionov dự báo, giá dầu sẽ được giao dịch trong khoảng 38-41 USD/thùng và đến cuối năm 2020 sẽ tăng lên trong khoảng 41-43 USD/thùng. Trong khi đó chuyên gia Evgenyi Mironyuk của “Freedom Finance” cho biết, giá dầu chỉ có thể giao động trong khoảng 39,5-44 USD/thùng trong trường hợp nền kinh tế thế giới tiếp tục cho thấy những tín hiệu phục hồi.

Theo PetroTimes


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: