Bà Rịa – Vũng Tàu “có tiếng” mạnh về phát triển hạ tầng, đặc biệt trong những năm gần đây đã chú trọng hơn cho đầu tư cho hạ tầng giao thông, điều đó đồng nghĩa với việc kinh tế – xã hội, du lịch, thuỷ sản phát triển mạnh. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ, Bà Rịa – Vũng Tàu kết nối thuận lợi với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác bằng đường bộ, đường không, đường thủy, qua đó có điều kiện phát triển kinh tế. Tuyến đường liên cảng là tuyến huyết mạch nhằm phát triển hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải. Hạ tầng phát triển Luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh thành có mức thu, nộp ngân sách lớn nhất nước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 3 tuyến quốc lộ kết nối giao thông đối ngoại là Quốc lộ 51, Quốc lộ 56, Quốc lộ 55 và tuyến Tỉnh lộ 765 (996). Bên cạnh các trục dọc, ngành Giao thông còn phát triển các tuyến trục ngang kết nối thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, Xuyên Mộc; đưa vào khai thác tuyến đường 765 kết nối theo trục dọc từ Phước Hải qua Châu Đức kết nối với tỉnh Đồng Nai; hoàn thành đường Hội Bài – Đá Bạc – Phước Tân, đường Mỹ Xuân – Ngãi Giao – Hòa Bình kết nối các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch, đô thị mới và vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng của tỉnh; đầu tư nâng cấp tuyến trục ven biển để phục vụ du lịch; đầu tư các đoạn tránh trên quốc lộ để đảm bảo an toàn giao thông và chỉnh trang các khu vực đô thị dọc theo các tuyến quốc lộ. Đặc biệt, tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường trục ngang kết nối khu cảng Cái Mép – Thị Vải với Quốc lộ 51. Thực hiện đầu tư mới và nâng cấp các tuyến trục tỉnh lộ theo quy hoạch được duyệt để phát triển các khu vực nông nghiệp thuộc địa bàn 2 huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã đầu tư mới, cải tạo nâng cấp 413km đường bộ. Để kết nối đồng bộ các khu vực kinh tế ven biển, ngành Giao thông đã triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng 17,271km đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, kết nối toàn bộ hệ thống cảng khu vực này. Hoàn thành 4,5km truyến đường vào khu công nghiệp dầu khí Long Sơn – là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, không những kết nối đồng bộ hành lang tuyến kinh tế quan trọng Vũng Tàu – Long Sơn – Cái Mép – Thị Vải mà còn hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế quan trọng của tỉnh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển ngành, sản phẩm cơ bản cho các lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh. Năm 2018 – 2019, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Ban Quản lý dự án rà soát đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến giao thông kết nối theo quy hoạch nhằm kết nối thành phố Vũng Tàu với thành phố Bà Rịa; kết nối hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải với cao tốc Bến Lức – Long Thành. Chủ động tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Hiện Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư). Đề xuất với UBND tỉnh về tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu để kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải có giải pháp về nguồn vốn để sớm triển khai đầu tư và bổ sung tuyến đường sắt kết nối từ Tây Ninh, Bình Phước qua Bình Dương, Đồng Nai vào tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu. Là một người khá đặc biệt, từng xuất thân từ ngành Giao thông, trước đó là Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 – Sở Giao thông vận tải, ông Lê Văn Hoà hiện là Bí thư huyện Đất Đỏ chia sẻ về việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong suốt thời kỳ qua của ngành Giao thông rất đồng bộ, có quy mô nhằm kết nối các địa phương phát triển kinh tế – xã hội, du lịch. Địa phương nơi ông đứng đầu đã được thừa hưởng hệ thống giao thông từ các đường tỉnh lộ, đường ven biển… do đó, thời gian qua nó chính là nền tảng thúc đẩy được sự phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, nâng cao đời sống nhân dân. Hệ thống cảng biển quy mô Trong giai đoạn 2016 – 2020, có 04 dự án cảng biển đi vào hoạt động với tổng vốn triển khai là 6.540 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh cũng có 18 dự án kho bãi, logistics chuyên dùng đi vào hoạt động với diện tích trên 200ha. Hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển trên địa bàn đi vào chiều sâu, ổn định. Đạt được kết quả đó là do Sở Giao thông vận tải đã nỗ lực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển. Hàng năm, còn tổ chức các hội thảo để nghiên cứu đề xuất các giải pháp và không ngừng triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm hỗ trợ phát triển cảng biển. Sản lượng hàng hóa bằng tàu biển thông qua hệ thống cảng giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến đạt bình quân 67,5 triệu tấn/năm. Tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm. Trong đó, hàng container bằng tàu biển đạt bình quân 2,93 triệu TEU/năm. Tăng trưởng bình quân 23%/năm. Hiệu suất khai thác cảng tăng từ 40% năm 2015 lên 51% năm 2020. Là một địa phương được thừa hưởng từ chính việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thắm – Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, trong những năm qua UBND tỉnh và UBND thị xã Phú Mỹ đã tập trung nguồn lực từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách thị xã để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm phát triển đô thị mới Phú Mỹ. Đến nay, nhiều công trình, dự án trọng điểm được tập trung xây dựng và hoàn thiện như tuyến đường liên cảng, đường 991B, tuyến tránh Quốc lộ 56, tuyến đường Phước Hòa – Cái Mép… Hầu hết các dự án, hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Quyết tâm thêm nhiều công trình huyết mạch Để tiếp tục triển khai theo kế hoạch đã đề ra, theo ông Trần Thượng Chí – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của ngành Giao thông đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân cũng như phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, du lịch trên địa bàn. “Trong nhiệm kỳ vừa qua, cả hệ thống chính trị đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn của tỉnh mà cụ thể là hoàn thành tuyến đường 30/4, để phát triển kinh tế – xã hội cũng đã đầu tư hoàn thiện tuyến đường vào khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn để phát triển khu công nghiệp này hay tỉnh cũng cho chủ trương nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường nằm trong quy hoạch”, ông Trần Thượng Chí chia sẻ. Ông Trần Thượng Chí – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết về định hướng phát triển giao thông trong thời gian tới. Về mặt quy hoạch, trong nhiệm kỳ vừa qua, Sở đã hoàn thiện quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và được phê duyệt và hiện nay nó là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh đang rất quyết tâm hoàn thiện cái cầu Phước An để nâng cao hiệu quả khai thác cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, bởi nó sẽ kết nối đường liên cảng với cao tốc Bến Lức – Long Thành. “Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh có quyết tâm chính trị rất cao rằng sẽ khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, vì nó sẽ kết nối sân bay Long Thành với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng như kết nối hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải với các khu vực xung quanh góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội cũng như du lịch phát triển trong tương lai”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết thêm. Và để hoàn thành được các mục tiêu đề ra, theo ông Trần Thượng Chí rất cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy và sự phối hợp giữa các địa phương nhất là công tác giải phóng mặt bằng và vấn đề cực kỳ quan trọng là nguồn vốn để thực hiện. Mong rằng, với tất cả những gì mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và ngành Giao thông nói riêng đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua sẽ là “bàn đạp” để nhiệm kỳ tới tiếp tục thực hiện hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, du lịch trong toàn tỉnh cũng như hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội tỉnh Đảng bộ đã đề ra. Báo Xây Dựng