Phố thời trang TP.HCM ế ẩm, chủ shop tìm khách trên livestream


Nổi tiếng là khu mua sắm sầm uất bậc nhất TP.HCM, giờ đây loạt shop thời trang ở Nguyễn Trãi và Trần Quang Diệu kinh doanh ảm đạm, chủ cửa hàng tập trung kiếm khách qua livestream.

“Rất nhiều mã giảm, giá tốt bất ngờ”.

“10 phút nữa thôi, cả nhà nhanh tay chốt đơn”.

Võ Thị Bích Hoa (sinh năm 1992), chủ shop quần áo Rêver trên đường Trần Quang Diệu (quận Phú Nhuận), thúc giục hàng trăm người đang xem livestream bán hàng. Người mẫu đứng cạnh tranh thủ giới thiệu màu sắc, chất liệu chiếc áo hai dây cô đang mặc thử.

Buổi livestream kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, diễn ra ngay giữa những sào treo quần áo. Hoa cho biết khoảng 3 tháng trở lại đây, ngày nào cửa hàng cũng phát trực tiếp trong khung giờ 12h30-14h30. Riêng cuối tuần, shop này livestream bán hàng 2 lần/ngày.

Nhiều chủ cửa hàng quần áo trên các con đường thời trang lớn tại TP.HCM chia sẻ tình hình kinh doanh ế ẩm. Xu hướng mua sắm thay đổi buộc những nơi này phải đóng cửa nhiều mặt bằng, chuyển sang tập trung buôn bán online.

Phố thời trang ảm đạm

Bích Hoa bắt đầu mở shop kinh doanh quần áo từ năm 2017. Ngay từ đầu, cô đã kết hợp kinh doanh trên mặt bằng lẫn các mạng xã hội, trang thương mại điện tử.

Ban đầu, doanh số bán hàng cả hai phía tương đối đồng đều.

Tuy nhiên, khoảng nửa năm trở lại đây, mua hàng trực tiếp ở cửa hàng giảm mạnh, khoảng 60-70%, trong khi tình hình mua bán trên các kênh online sôi động hơn.

Theo Hoa, có hai lý do để giải thích cho xu hướng này. Thứ nhất, sức mua của khách nhìn chung đang giảm do khó khăn kinh tế. Thứ hai, các kênh thương mại điện tử đang cố thu hút khách hàng bằng nhiều chương trình giảm giá, mua bán online cũng tiện lợi hơn, khách chỉ cần ngồi nhà.

pho mua sam anh 1
Bích Hoa tập trung vào livestream bán hàng, mở rộng đội ngũ kinh doanh online.

“Ví dụ, một chiếc quần có giá 320.000 đồng, mua ở cửa hàng giảm nhiều lắm là 10%, nhưng một số bạn sử dụng tài khoản mới có thể mua trên livestream với giá 230.000 đồng. Vì vậy, ngay cả nhân viên cửa hàng cũng đặt hàng trên livestream, chứ không mua trực tiếp”, Hoa nói.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều shop quần áo trên các con đường mua sắm như Trần Quang Diệu, Trần Huy Liệu, Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), Nguyễn Trãi (quận 1) cũng ghi nhận lượng khách mua sắm trực tiếp tại cửa hàng giảm mạnh trong nhiều tháng qua.

Hà Như, nhân viên một cửa hàng quần áo chuẩn bị đóng cửa, trả mặt bằng trên đường Nguyễn Trãi, cho biết trước đây, mỗi tối, khoảng 19-20h, con đường khá đông đúc, nhưng giờ vắng vẻ mọi lúc, kể cả cuối tuần.

Như nói thêm rằng tệp khách hàng đến mua trực tiếp cũng có nhiều thay đổi. “Trước đây chủ yếu là các bạn trẻ, nhân viên văn phòng, còn giờ đa phần là khách du lịch, người nước ngoài”.

Mới mở cửa được khoảng một năm nhưng hai tuần nay, cửa hàng Steezy (đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận) đã xả hàng để chuẩn bị trả mặt bằng. Giá thuê mặt bằng ở đây là 20 triệu đồng/tháng – một trong những mặt bằng rẻ nhất trên con phố quần áo nổi tiếng này.

Tú Anh (22 tuổi), nhân viên đã làm việc ở cửa hàng này khoảng 7 tháng, cho biết dịp cuối năm 2022, việc buôn bán rất sôi động. Từ sau Tết đến nay, mọi thứ thay đổi, cả con phố trở nên ảm đạm.

“Sức mua tại cửa hàng giảm, khách mua trên livestream và các sàn thương mại nhiều hơn. Nên nhiệm vụ của nhân viên giờ đây ngoài bán trực tiếp còn là hỗ trợ livestream, đôi khi xuất hiện luôn trên live”.

Học cách chuyển hướng bán hàng

Trước xu hướng mua sắm thay đổi, các cửa hàng phải tìm cách thích ứng. Không còn phụ thuộc vào buôn bán trực tiếp tại cửa hàng, nhiều shop đầu tư xây dựng các kênh kinh doanh online.

Theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, TMĐT đã đạt mức tăng trưởng trên 20% trong năm 2021 với quy mô trên 16 tỷ USD, và tiếp tục tăng cao trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch. Bên cạnh đó, 2021-2025 được dự báo là giai đoạn bùng nổ của livestream bán hàng tại Việt Nam.

Một khảo sát của Q&Me với 307 người thường xuyên mua sắm trực tuyến trong độ tuổi 18-39 cho thấy 40% số này có hành vi mua sắm vài lần/tuần và 25% mua một lần/tuần. Có 24% người được hỏi cho biết mua hàng online một lần trong vòng 2-3 tuần và chỉ có 12% mua một lần mỗi tháng.

Trong 3 tháng qua, Bích Hoa phải tuyển dụng thêm hàng loạt vị trí mới như người mẫu livestream, content creator, editor… để xây dựng đội ngũ bán hàng online.

7 nhân viên này đang phụ trách 6 kênh bán hàng online của cửa hàng, bao gồm sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các buổi livestream.

Bích Hoa cho biết cửa hàng của cô cố gắng mở đa kênh vì không muốn phụ thuộc vào bất kỳ nền tảng nào. “Mỗi nền tảng có chính sách riêng và sẽ liên tục thay đổi. Nếu có nhiều kênh bán hàng, shop vẫn có thể tồn tại khi một trong số này gặp sự cố”.

Sau nửa năm hoạt động đa kênh, cửa hàng quần áo của Bích Hoa có lượng khách hàng và doanh số tương đối ổn định. “Chắc chắn không thể bằng giai đoạn trước dịch, nhưng vẫn có thể duy trì được”.

Tuy nhiên, không phải cửa hàng thời trang nào cũng thành công khi chuyển sang kinh doanh online.

Kinh doanh từ năm 2016 đến nay, đây là giai đoạn Hoàng Yến (sinh năm 1998), chủ của thương hiệu Urban Outfit, chứng kiến sự suy giảm mạnh của thị trường.

Từng có một chuỗi 6 cửa hàng trải khắp TP.HCM, đến nay công ty chỉ còn giữ lại cửa hàng duy nhất trên đường Trần Quang Diệu.

“Từ sau dịch đến nay, kinh tế khó khăn nên người ta không còn chi nhiều cho quần áo. Tôi nhận thấy thay vì mua mới, xu hướng bây giờ là tái sử dụng quần áo cũ, mua hàng second-hand”, Yến nói.

Yến cho biết trước đây con đường này nổi tiếng là phố quần áo sôi động. Nhưng những tháng gần đây, cả con phố rất vắng khách mua. Trong tháng 5, doanh thu của cửa hàng giảm hơn 30%.

Khác với nhiều thương hiệu khác chuyển hướng sang bán hàng online, công ty của Yến tập trung vào bán sỉ cho hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại – cũng là mảng mang lại nhiều doanh thu nhất.

Thương hiệu này từng có thời gian xây dựng một đội marketing để quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội. Nhận thấy các kênh này không mang lại hiệu quả, trong khi chi phí bỏ ra quá lớn (phải chi cho đội marketing và chia hoa hồng cho nền tảng), Yến quyết định dừng lại.

Yến giải thích phong cách thời trang của thương hiệu mình không quá trending nên chỉ có thể hướng đến một tệp khách hàng nhất định, không phù hợp để chạy theo thị hiếu thay đổi liên tục của khách online.

Từ cuối năm 2022, Bích Hoa bắt đầu tìm mua sách, tài liệu về kinh doanh thời trang online và đăng ký các khóa học liên quan. Ngoài ra, chủ shop quần áo này còn phải tham gia hàng loạt hội nhóm chỉ cách livestream bán hàng.

Quá trình vừa học vừa áp dụng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Cô cho biết một số nền tảng cứ vài ngày lại thay đổi chính sách một lần. Nhiều lúc bận rộn, không kịp cập nhật, cô và nhân viên gặp không ít rắc rối.

“Đó là thử thách thực sự. Tôi nhận ra nếu không xoay xở nhanh để thay đổi đồng nghĩa với thất bại, đóng cửa hàng”.

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: