Phục hồi, phát triển mạng lưới đường bay và du lịch Việt Nam


Với việc Chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 dự kiến lượng khách sẽ đạt từ 70-80 triệu lượt thông qua các cảng hàng không của Việt Nam.

Phuc hoi, phat trien mang luoi duong bay va du lich Viet Nam hinh anh 1(Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 tại thành phố Đà Nẵng, ngày 7/6 diễn ra tọa đàm chương trình “Vietnam Case Study.”

Dự tọa đàm có các chuyên gia về phân tích mạng lưới đường bay; đại diện Cục Hàng không Việt Nam và các đại biểu đại diện các hãng hàng không, sân bay, đơn vị cung ứng dịch vụ hàng không của diễn đàn.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi tìm giải pháp và chia sẻ các kinh nghiệm để nhanh chóng phục hồi, phát triển mạng lưới đường bay và thị trường du lịch trong nước, quốc tế xoay quanh các chủ đề về: tiềm năng phát triển của ngành hàng không Việt Nam; cơ sở hạ tầng và dự án mở rộng của sân bay Đà Nẵng; chính sách hỗ trợ đối với các hãng hàng không khai thác đường bay đến Đà Nẵng, Việt Nam hậu COVID-19; định hướng phát triển thị trường và mạng lưới đường bay quốc tế đến Đà Nẵng trong giai đoạn 2022-2025; chiến lược phục hồi và mở rộng mạng lưới đường bay quốc tế của hàng không Việt Nam.

Phó Cục trưởng, Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn chia sẻ ngành hàng không dân dụng có vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và thế giới.

Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu lượt hành khách; trong đó, có 41,7 khách quốc tế và 74,8 triệu khách nội địa. Do dịch COVID-19 xảy ra, năm 2020 giảm còn 65,3 triệu lượt hành khách; vào năm 2021 khi chỉ đạt 30,3 triệu hành khách.

Khai mạc Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 ở Đà Nẵng

Hiện nay, với việc Chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 dự kiến lượng khách sẽ đạt từ 70-80 triệu lượt thông qua các cảng hàng không của Việt Nam; trong đó, khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt hành khách và khách nội địa đạt 60-70 triệu lượt hành khách.

Với nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc ban hành các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, linh hoạt, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành hàng không nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là thị trường nội địa.

Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển, Tổng công ty Hàng không Việt Nam Nguyễn Quang Trung cho hay, trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19, sự an toàn cho hành khách là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Năm 2021, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tự hào đạt chứng chỉ 5 sao cao nhất của Skytrax về an toàn và phòng chống dịch COVID-19.

Theo kết quả đánh giá trên thang điểm từ 1-5 sao, Vietnam Airlines có gần 99% tiêu chí đạt chuẩn 5 sao và trên 4 sao. Ngoài ra, Vietnam Airlines không ngừng tìm kiếm, tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu, trong đó các giải pháp nổi bật là đẩy mạnh vận tải hàng hóa, bay hồi hương và chở khách chuyên gia, mở thêm các đường bay mới như đã mở 22 đường bay nội địa mới trong năm 2020.

Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo hài hòa chất lượng dịch vụ 4 sao với an toàn phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, tiếp tục triển khai chiến dịch “nâng tầm dịch vụ” với việc triển khai các dịch vụ mới và nâng cao trải nghiệm khách hàng, tiến tới mục tiêu đạt tiêu chuẩn 5 sao về chất lượng nguồn nhân lực…

Chia sẻ tại tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho biết, trong giai đoạn 2022-2025 thành phố sẽ phát triển thị trường du lịch và mạng lưới đường bay quốc tế theo định hướng khôi phục thị trường truyền thống là thị trường các nước Đông Bắc Á gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Đây là những thị trường nguồn với số lượng khách lớn khó có thể thay thế. Thêm vào đó, sự tương đồng về văn hóa cùng hệ sinh thái dịch vụ đã phát triển gắn với các thị trường truyền thống.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, trước thời điểm dịch COVID-19, thành phố đã đặt mục tiêu đa dạng hóa thị trường nguồn khách để tránh lệ thuộc các thị trường truyền thống và dự phòng những rủi ro có thể gây gián đoạn các thị trường này.

Thành phố cũng đã kết nối với các cảng hàng không quốc tế, tăng cường trao đổi thương mại-du lịch với các nước trong khối Đông Nam Á. Đồng thời, hướng đến thị trường tiềm năng Ấn Độ và đã chuẩn bị về sản phẩm, dịch vụ cũng như chờ đợi đường bay trực tiếp đến thị trường này.

Đối với thị trường nội địa thành phố đang tiếp tục làm mới sản phẩm du lịch và thực hiện các chiến dịch truyền thông quảng bá nhắm đến giới trẻ; lấy họ làm trọng tâm để tiếp cận đến các phân khúc du lịch nhóm bạn, gia đình, cặp đôi./.

Trần Lê Lâm (TTXVN/Vietnam+)

Theo: vietnamplus.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: