Trung tâm thương mại vắng vẻ: Thấy vậy mà không phải vậy?


Hình ảnh hàng loạt trung tâm thương mại tại TP.HCM vắng vẻ thời gian gần đây khiến nhiều người bất ngờ, phải chăng các biểu tượng bán lẻ hiện đại đã không còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng?

Trung tâm thương mại Crescent Mall (quận 7, TP.HCM) vắng khách – Ảnh: NHẬT XUÂN

Trung tâm thương mại có vắng khách?

Ghi nhận của Tuổi Trẻ những ngày gần đây tại Diamond Plaza (quận 1), khách khá thưa thớt tại các gian hàng dù vào giờ cao điểm 20h-21h.

Điều tương tự cũng diễn ra ở các trung tâm “vùng ven” như Crescent Mall nằm trên đường Tôn Dật Tiên (quận 7) hay Vincom Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)…, khi khách tới đây chủ yếu để xem phim, ăn uống, vui chơi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vincom Retail cho biết số lượt khách đến mua sắm tại hệ thống Vincom vẫn tăng, gần như đạt mức tương đương so với thời kỳ trước dịch năm 2019.

Năm 2022, Vincom tiếp tục khai trương thêm ba trung tâm thương mại mới ở Hà Nội, Bạc Liêu và Tiền Giang.

Tương tự, đại diện Diamond Plaza cho hay các tháng đầu năm lượng khách tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hai đợt lễ 14-2 và 8-3. Bên cạnh đó, vì sở hữu phân khúc khách hàng cao cấp nên khách ghé trung tâm đều có nhu cầu thật, mua thật.

Lý giải nguyên nhân trung tâm vắng vẻ vào giờ cao điểm, vị này cho biết những tháng sau Tết là thời kỳ thấp điểm mua sắm và việc trung tâm vắng vẻ nằm trong dự đoán.

Tuy nhiên sức mua sẽ bật tăng trở lại vào cuối tháng 4 và thường đạt cao điểm ba tháng cuối năm.

Không chỉ các “biểu tượng mua sắm” khu vực trung tâm, ở “vòng ngoài” cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2022, trái ngược sự vắng vẻ thường thấy.

Theo bà Lê Thụy Trúc Ngữ – giám đốc marketing Vạn Hạnh Mall, mỗi ngày trung tâm đón khoảng 20.000 – 25.000 khách, vào những ngày lễ hoặc cuối tuần, lượng khách có thể lên tới 35.000 khách/ngày.

Còn với trung tâm thương mại Crescent Mall nằm trên đường Tôn Dật Tiên – một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất quận 7 cũng đón trung bình 20.000 – 30.000 khách ngày thường và 40.000 khách vào những ngày cao điểm.

“Năm nào tầm giờ nhìn vào trông cũng ảm đạm, lẻ tẻ nhưng theo số liệu thì lượng khách vẫn tăng” – bà Nguyễn Thùy Ngọc Tín, phó phòng marketing, nói.

Lý giải nguyên nhân nhiều quầy hàng đóng cửa, các đại diện trung tâm thương mại cho biết vì tận dụng mùa thấp điểm, các nhãn hàng đang sửa sang lại quầy hàng. Đây cũng là mùa “thay áo” của các trung tâm khi lựa chọn khách thuê mới.

Đặc biệt, xu hướng này thể hiện mạnh mẽ ở những trung tâm thương mại mô hình cũ với không gian nhỏ hẹp, tập trung vào trải nghiệm mua sắm là chính.

Tái thiết kế theo xu hướng tiêu dùng

Trước Bitexco, Diamond Plaza cũng từng đóng cửa gần hai tháng cuối năm 2022 để “đại trùng tu” từ trong ra ngoài.

Khi mở cửa trở lại, Diamond Plaza đón thêm 65 nhãn hàng mới, trong đó nhiều nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng lần đầu đặt chân tại Việt Nam như hãng nước hoa cao cấp từ Anh Jo Malone, hay nhà hàng lẩu Beauty in The Pot của Singapore tại tầng 5.

Hiện tại, lầu 1 của trung tâm này cũng đang được làm mới với sự mở rộng gian hàng của thương hiệu thời trang Run Way. Đây cũng là điểm đặt chân tiếp theo của Chanel, Lilliput, và sắp tới là chuỗi cà phê nổi tiếng %Arabica.

Còn phía trên sân thượng, trước là khu chơi bowling nay cũng được cải tạo, nâng cấp thành công viên công cộng, hướng tới phân khúc khách hàng bình dân, nơi đây cũng hứa hẹn là điểm đến mới của loạt thương hiệu F&B sắp tới.

Không đóng cửa hàng loạt “gây sốc” như tòa Bitexco hay Diamond Plaza, Vạn Hạnh Mall – một điển hình cho dạng trung tâm thương mại đa chức năng kiểu mới, phục vụ đa dạng nhu cầu ăn uống, vui chơi – cũng phải tìm đường thay đổi để phù hợp với xu hướng mua sắm cùng túi tiền của khách hàng.

Theo đó, năm 2019, Vạn Hạnh Mall quyết định thay đổi diện mạo và mô hình kinh doanh. Thay vì tập trung bán hàng cao cấp như trước, trung tâm này chuyển dần sang mô hình thân thiện, gần gũi hơn.

Ngay sau khi quyết định chuyển mình, Vạn Hạnh Mall đã kết hợp với “ông lớn” thời trang Nhật Bản Uniqlo, tiếp sau đó là Decathlon từ Pháp khiến trung tâm này trở nên tràn đầy sức sống.

Về mảng F&B, trung tâm cũng nhanh chóng bắt tay với thương hiệu lẩu Haidilao đang “làm mưa làm gió” thời điểm bấy giờ và ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

“Việc bắt tay với những ông lớn cùng gian hàng “khủng” đem về doanh thu thấp hơn so với hợp tác cùng nhiều nhãn hàng, mở nhiều gian hàng nhỏ nhưng thay vào đó, những thương hiệu này mang lại sức hút, uy tín, vị thế cho trung tâm”, bà Lê Thụy Trúc Ngữ cho biết.

Còn với Crescent Mall (quận 7), trung tâm này cũng đang thực hiện một cuộc “đại trùng tu” lầu 5 – khu vực ăn uống theo hướng gần gũi hơn, rộng và hợp thị hiếu hơn. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào giữa tháng 3 năm nay với sự góp mặt nhiều tên tuổi trong ngành F&B mới.

Mua sắm ở trung tâm thương mại có cái thú riêng

Theo đại diện các trung tâm thương mại, xu hướng mua sắm online cũng ảnh hưởng ít nhiều tới tình hình kinh doanh, tốc độ hồi phục sau dịch. Tuy nhiên, mỗi một mô hình sẽ có những ưu và khuyết điểm riêng, điều quan trọng là cần phát huy những lợi thế của mua sắm truyền thống như thử nghiệm trực tiếp sản phẩm, mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí, ăn uống…

Thực tế cho thấy, mua sắm online-to-offline cũng dần trở nên thịnh hành sau dịch. Nhiều người chia sẻ họ cần đến tận nơi, trải nghiệm, xem thử sản phẩm trước khi xuống tiền và chỉ coi kênh online như một nơi cập nhật tin tức, tham khảo sản phẩm mới, đặc biệt với những sản phẩm giá trị cao.

“Thay vì coi mua sắm online là đối thủ cạnh tranh, chúng tôi tìm các hợp tác cùng phát triển. Nếu trước kia nhân viên tại Diamond Plaza không được sử dụng điện thoại trong giờ làm thì hiện tại chúng tôi cho phép các bạn “tư vấn online” tại quầy.

Nếu nhãn hàng ăn nên làm ra, họ nhất định sẽ không rời bỏ trung tâm bởi đây là nơi giúp họ thể hiện đẳng cấp”, đại diện Diamond Plaza nói.

Theo Tuổi Trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: