Ngôi trường thời Pháp mang tên học giả Trương Vĩnh Ký


Được thành lập 90 năm trước, Pétrus Ký – nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong – là một trong những trường trung học lâu đời nhất Sài Gòn.

Trường nữ sinh áo tím 105 tuổi giữa lòng Sài Gòn

Trường đại học có kiến trúc Á- Âu giữa Sài Gòn

Năm 1925, số học sinh người Việt theo học chương trình trung học Pháp ngày càng nhiều, khu bản xứ của trường trung học đầu tiên ở Sài Gòn Chasseloup Laubat không còn đủ sức chứa.

Chính quyền Pháp phải cho thành lập cơ sở mới theo thiết kế của kiến trúc sư Hebrard de Villeneuve để làm một phân hiệu mới tại Chợ Quán (thuộc Chợ Lớn).

Từ phân hiệu của Chasseloup Laubat thành trung học Pétrus Ký

Pétrus Ký có kiến trúc độc đáo với ba phần riêng biệt gồm khu học, khu nội trú và khu thể thao. Khu học hình tứ giác với hai chái nhô ra làm văn phòng ban hành chính, các lớp học tập trung tại hai dãy nhà một tầng bao bọc sân chính.

Trong cùng khu học có các phòng chuyên môn vẽ và sử địa, giảng đường có bậc và các phòng thí nghiệm. Khu nội trú có một phần là nhà ăn 600 chỗ và phần còn lại là bốn tòa nhà xếp đặt theo hình nanh sấu.

Cổng chính của trường (nay trên đường Nguyễn Văn Cừ) có tháp chuôn đồng hồ. Vật liệu xây dựng trường sắt, gạch, ximăng được mang từ Pháp sang.

Trường Pétrus Ký lúc mới hoàn thành. Ảnh tư liệu

Trường Pétrus Ký lúc mới hoàn thành. Ảnh tư liệu

Cuối tháng 11.1927, Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne quyết định đặt tên phân hiệu mới xây của trường Chasseloup Laubat, mang tên Collège de Cochinchine, dưới sự điều hành của ban giám đốc trường chính và một giáo sư phụ trách tổng giám thị của phân hiệu.

Năm học 1928-1929, chính quyền Pháp đổi tên phân hiệu thành Cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ, khai giảng với 200 học sinh đầu tiên. Trường có sáp nhập thêm một hệ trung học đệ nhị cấp bản xứ (Lycée) nên có hai cấp học, cao đẳng tiểu học và trung học (tú tài Pháp).

Nhân dịp khánh thành tượng đồng nhà bác học Trương Vĩnh Ký tại sảnh đường, Thống đốc Nam Kỳ đặt tên trường là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, thường được gọi tắt là Pétrus Ký.

Học sinh của trường tăng dần theo các năm sau đó, năm 1930 có 680 học sinh, trong đó 48 người thi tú tài. Do tuyển chọn và thi cử gắt gao nên học sinh của trường phần lớn khá giỏi, học hành chăm chỉ.

Nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn hóa, nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký (1937), tượng bán thân của ông được đặt giữa sân trường.

Do chiến tranh nên học sinh trường Pétrus Ký di chuyển về trường sở Sư phạm Sài Gòn năm 1942. Ba năm sau đó, trường sở Sư phạm bị trưng dụng làm doanh trại cho quân đội Nhật nên học sinh Pétrus Ký lại trôi dạt về trường Tiểu học Tân Định rồi ngưng hoạt động.

Mãi đến đầu năm 1946, khi quân Pháp quay lại chiếm đóng Sài Gòn, trường được mở lại nhưng phải dạy nhờ ở chủng viện Công giáo Saint Joseph ở đường Lucien Mossard (Nguyễn Du ngày nay). Một năm dau đó trường được về chỗ cũ ở Chợ Quán và hoạt động cho đến nay.

Từ ngày thành lập đến trước năm 1947, hiệu trưởng Pétrus Ký đều là người Pháp, sau khi học sinh trở về trường cũ cũng là lúc ông Lê Văn Khiêm (giáo sư cử nhân Toán chính ngạch hạng nhì) làm hiệu trưởng thay thế. Từ đó, hiệu trưởng của Pétrus Ký đều là người Việt.

Ngôi trường của những phong trào đấu tranh chống Pháp

Trường Pétrus Ký nổi tiếng với phong trào đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp, cổ vũ tinh thần yêu nước của người dân bằng nhiều hình thức sinh động.

Sau cuộc đảo chính của quân Nhật 9.3.1945, nhiều học sinh của trường đã tham gia phong trào Thanh niên tiền phong cùng một số giáo sư như Phạm Thiều, Lê Văn Chí, Trần Văn Thanh – những người bí mật hoạt động trong tổ chức Việt Minh để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền.

Học sinh trường Pétrus Ký thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Học sinh trường Pétrus Ký thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1948, học sinh Pétrus Ký đã mở đầu phong trào đấu tranh Dạy và học bằng tiếng Việt với yêu cầu bãi bỏ chế độ thi cử hà khắc, chống khủng bố, kìm kẹp học sinh. Trong ngày tựu trường một năm sau đó, họ cùng các học sinh trung học trường khác đưa yêu sách bãi khóa một tháng đòi Bộ Giáo dục của chính quyền giải quyết ngay.

Chính quyền Pháp bắt bớ, ra lệnh đóng cửa hai trường Pétrus Ký và Gia Long, sau đó yêu cầu học sinh làm đơn xin đi học lại. Học sinh lên tiếng đòi chính quyền lập tức trả ngay học sinh bị bắt, đảm bảo an ninh cho học sinh, không được khủng bố và bắt bớ vô cớ và mở lại các trường vô điều kiện.

Đầu năm 1950, hơn 2.000 học sinh trường Pétrus Ký và các trường khác đã kéo đến trụ sở Nha học chính biểu tình, đòi thả tự do cho học sinh bị bắt. Sau đó, đoàn biểu tình kéo đến Dinh Thủ hiến Nam Việt, mỗi lúc một đông, lên đến hàng chục nghìn người.

Trước sức ép này, Pháp ra lệnh cho cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình, học sinh Trần Văn Ơn của trường Pétrus Ký bị trúng đạn, tử vong sau đó. Cái chết của Trần Văn Ơn đã tác động tới phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn.

Ngày 12.1.1950, lễ tang của Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước Sài Gòn – Chợ Lớn chống lại chính quyền thực dân Pháp. Hàng nghìn học sinh các tỉnh thành Mỹ Tho, Cần Thơ, Huế, Hà Nội kéo về Sài Gòn tham dự, tạo thành một lễ tang lớn nhất ở thành phố này kể từ sau đám tang Phan Bội Châu.

“Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9.1, ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt”,  trích bài điếu văn của học sinh ngày đó.

Khoảng năm 1960, chương trình dạy bằng tiếng Pháp chấm dứt, Pétrus Ký trở thành trường trung học đệ nhị cấp và chương trình tiếng Việt được bắt đầu. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo thế hệ học sinh đã đấu tranh trước đó.

Dù Pháp muốn ban hành chương trình giáo dục với mục đích đào tạo đội ngũ tận tụy phục vụ cho chế độ, song đa phần học sinh Pétrus Ký đã không bị “đầu độc”. Họ vẫn giữ vững tinh thần yêu nước, đấu tranh cho nền độc lập và thống nhất nước nhà.

Nhiều học sinh ở trường đã trở thành trí thức, văn nghệ sĩ và chính khách nổi tiếng như Huỳnh Tấn Phát, Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Văn Nghệ, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Trần Văn Khê, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Minh Triết… Nhiều giảng viên, lãnh đạo các đại học lớn ở TP HCM từng là học sinh của ngôi trường Pétrus Ký.

Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong một lễ trưởng thành. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong một lễ trưởng thành. Ảnh: Mạnh Tùng

Sau năm 1975, trường mang tên cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, đến năm học 1981-1982 tổ chuyên toán đầu tiên của trường ra đời. Từ năm học 1990-1991, trường chính thức được giao nhịêm vụ chuyên đào tạo học sinh giỏi cho TP.HCM, là trung tâm chất lượng cao các tỉnh, thành phía Nam.

Tỷ lệ tốt nghiệp của trường qua các năm luôn xấp xỉ 100%, trên 90% trúng tuyển đại học. Đây là một trong những trường giàu thành tích nhất TP.HCM trong các kỳ thi Olympic, học sinh giỏi quốc gia.

Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tên hồi nhỏ là Trương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm thành Trương Vĩnh Ký, là nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ 19.

Thông thạo 26 thứ tiếng, năm 1874 Trương Vĩnh Ký được thế giới bình chọn là “nhà bác học về ngôn ngữ”, nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ 19, được ghi tên trong Tự điển Larousse.

Theo nguoidothi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: