2saigon – Với tác phẩm kịch “Lòng sông dậy sóng”, cảm tác từ truyện ngắnMùa hoa cải bên sông của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn nhỏ tuổi nhất của Kịch cùng Bolero 2018Trần Minh Tuấn đã vươn lên dẫn đầu chủ đề“Nhà là nơi…”. Ca sĩ Nguyên Vũ, Nam Phong cùng á hậu Băng Châu sang Đài Loan trao giải Hoa Hậu Việt Nam Châu Á 2018 Top 36 thí sinh The Face Vietnam 2018 khoe hình thể chuẩn trong phòng gym Đạo diễn Minh Tuấn bứt phá với vở kịch “Lòng sông dậy sóng” – cảm tác từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều Truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ra đời cách đây gần 30 năm. Tác phẩm từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thành phim Lời nguyền của dòng sông và giành được Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993. Được sự đồng ý của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, trong đêm thi thứ 8 của Kịch cùng Bolero phát sóng tối nay trên kênh THVL1, đạo diễn Trần Minh Tuấn đã dựng lại câu chuyện đầy bi kịch của gã thương hồ Sáu Lư (Kiến An), người đàn ông quanh năm sống lênh đênh trên sông. 18 năm trước, trong một mùa hè đói kém và bệnh tật, vợ của ông Lư qua đời, bỏ lại cho ông 3 người con, gồm hai người con trai là Cát (Nam Trung), Sỏi (Hoài Sơn) và cô con gái út tên Chinh (Hồ Bích Trâm). Ông Lư tấp ghe vào bờ để xin được chôn cất vợ nhưng không một nơi nào chấp thuận. Họ xua đuổi gia đình ông như xua đuổi một thứ ma quỷ chuyên đi gieo rắc cái chết, thậm chí còn đốt xác vợ ông vì sợ lây bệnh. Cuối cùng chỉ còn lại dòng sông mở rộng lòng đón nhận mọi số phận. Ông chôn vợ xuống đáy sông ở khúc sông rộng và êm nhất. Và từ đó, ông Lư nguyền rằng tất cả thành viên trong gia đình ông, không một ai được lên bờ, nếugót chân chạm vào mặt đất đôi bờ thì trái tim sẽ biến thành trái tim quỷ và trở thành những con thú độc ác. Vì lời nguyền và sự thù hận của ông Lư mà cuộc đời của 3 người con bị cầm tù trong chiếc ghe chật hẹp cùng sự hà khắc đến nghiệt ngã của cha mình. Người con trai thứ hai của ông là Sỏi đem lòng yêu một cô thôn nữ trên bờ nhưng bị anh trai của cô gái cùng đám trai làng rượt đánh vì khi dễ anh nghèo khó, không có mảnh đất cắm dùi. Sự khinh miệt đó càng làm cho Sỏi phẫn uất và chống đối với cha và anh trai. Nhân ngày giỗ của vợ,ông Sáu sai Sỏi và Cát lặn xuống dòng sông để kiểm tra mộ phần của vợ thì phát hiện phần hài cốt của bà đã không còn. Nghi ngờ Sỏi là người muốn phá hủy lời nguyền, ông Sáu Lư định giết con trai. Là người được cha thương nhất, Chinh đứng ra van xin cho Sỏi. Cát méc với ông Sáu rằng Chinh cũng có liên quan trong việc di dời hài cốt của mẹ. Trong lúc 3 anh em xô xát, hàng cúc áo của Chinh bị đứt, để lộ ra chiếc bụng bầu 5 tháng. Đến lúc này, Chinh thừa nhận chính cô và người yêu đã di dời hài cốt của mẹ lên chôn ở đất liền vì cô không muốn bà phải chịu lạnh lẽo dưới đáy sông tăm tối suốt 18 năm qua và cô muốn xóa bỏ lời nguyền để 3 anh em cô có được cuộc sống bình thường, hạnh phúc như bao người khác, đồng thời giải thoát cho ông Sáu khỏi hận thù. Dù Chinh van xin thế nào, ông Sáu Lư vẫn cương quyết chỉ có cái chết mới có thể hóa giải được lời nguyền mà ông đưa ra. Ông định dùng chiếc lưỡi hái kết thúc cuộc đời mình thì hai người con trai kịp ngăn lại. Trước tình cảnh đó, Chinh đã chọn lấy cái chết. Cô gieo mình xuống dòng sông cùng với đứa con trong bụng. Sỏi và Cát cũng nhảy xuống để cứu em nhưng vì nước chảy quá xiết nên cả hai cũng đã chôn vùi cuộc đời dưới dòng sông lạnh lẽo. Vì sự cố chấp, ông Sáu Lư phút chốc đã mất luôn những người thân cuối cùng. Ông gào thét trong đau đớn và ân hận. Đây là cái kết khá bi kịch và khác so với nguyên tác. Thông điệp mà đạo diễn Minh Tuấn muốn thể hiện trong tác phẩm đó là hãy xóa bỏ hận thù và yêu thương nhau nhiều hơn. Giám khảo Trịnh Kim Chi cho biết cách đây 23 năm, chị cũng đã từng đóng vai Chinh trong vở kịch này. Chỉ khác là điều kiện sân khấu ngày xưa không được hoành tráng như ngày nay. Chị cảm thấy may mắn khi được xem lại vở diễn này qua cách dàn dựng của đạo diễn trẻ Minh Tuấn. Chị cũng cho biết điều khiến chị xúc động nhất là cảnh nhân vật 6 Lư nhớ về ngày xưa bị dân làng xua đuổi và cảnh đốt xác vợđược đạo diễn Minh Tuấn thực hiện thật ngay trên sân khấu bằng một loại giấy chuyên dụng. Nữ giám khảo cũng khá tiếc rẻ vì ngày xưa dù cũng muốn xử lý thật để tăng cảm xúc như Minh Tuấn nhưng điều kiện sân khấu lúc đó chưa cho phép. Giám khảo Công Ninh cho biết ông khá vui khi thấy sự tiến bộ của đạo diễn trẻ Minh Tuấn. Ông tin anh sẽ là một đạo diễn trẻ tài năng trong tương lai và chắc tay trong công tác bố trí và tạo hình cho nhân vật và toàn bộ vở diễn. Đạo cụ và cảnh trí trong vở diễn không có chi tiết nào thừa. Xử lý âm nhạc và xử lý ca khúc khá tốt. Khi ca khúc của nhân vật Hồ Bích Trâm cất lên, ông không nói được thành lời và như nuốt từng chữ vì quá hợp lý. Đạo diễn Minh Tuấn cho biết việc tìm ca khúc bolero cho vở này rất khó nhưng may mắn là anh đã gặp được nhạc sĩ Nguyễn Hậu và nhạc sĩ Hoài Phong. Chỉ trong 1 ngày, cả hai đã sáng tác cho Minh Tuấn 2 bài hát mà anh vô cùng ưng ý, đó là ca khúc Xin cha (sáng tác: Hoài Phong), Lời nguyền của dòng sông (sáng tác: Nguyễn Hậu). Giám khảo Công Ninh chỉ tiếc là ở phân cảnh nhân vật Cát thể hiện bài hátXin cha trên nền nhạc thu sẵn trước đó vì quá cảm xúc mà nam diễn viên đã bị trễ nhịp nên không hát theo và cảnh cuối, khi Chinh tự vẫn, người cha không nhảy xuống cứu con mình mà để 2 người con trai nhảy. Giám khảo Đông Đào cũng như giám khảo Công Ninh và Trịnh Kim Chi đều mong muốn cái kết của tác phẩm có hậu hơn. Từ sự gợi ý của giám khảo Công Ninh, đạo diễn Minh Tuấn đã phục dựng lại phần kết của vở diễn với tình tiết hoàn toàn khác. Sau khi Chinh nhảy xuống sông tự vẫn, 2 người anh lao theo để cứu em mình và cuối cùng cả hai cũng đã cứu được Chinh. Hối hận vì suýt chút nữa giết con và cháu ngoại, ông Sáu Lư đã dùng chiếc lưỡi hái chặt đứt cột buồm, từ bỏ cuộc đời sông nước, xóa bỏ lời nguyền và hận thù năm xưa. Nhận được nhiều lời khen của giám khảo, đạo diễn Minh Tuấn rất xúc động. Anh chia sẻ thêm, ngoài diễn viên kì cựu Kiến An và nữ diễn viên Hồ Bích Trâm được nhiều khán giả biết đến và yêu thích thì điều làm anh hạnh phúc trong vở diễn này đó là anh đã mời lại được những người bạn học chung trường Sân khấu điện ảnh với mình ngày xưa mà hiện nay vì nhiều lý do, tất cả đều đã phải bỏ nghề. Đó là diễn viên Nam Trung (vai Cát), Hoài Sơn (vai Sỏi) và diễn viên Bá Hưng…. Đạo diễn Minh Tuấn đã rơi nước mắt khi nói về những người bạn đã nỗ lực rất nhiều để anh có được một tác phẩm ăn ý. Với tác phẩm này, đạo diễn Minh Tuấn nhận được số điểm 28,5. Đây là số điểm cao nhất trong chủ đề “Nhà là nơi…”. Kịch trinh thám của nữ đạo diễn Bảo Châu khiến Giám khảo Công Ninh “xé luật” Đạo diễn nữ duy nhất còn lại làBảo Châu dự thi với tác phẩm kịch trinh thám mang tên Ngày én trở về do cô viết kịch bản và đạo diễn. Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của diễn viên Hồng Trang, Ngân Quỳnh, Thanh Thức và Lê Vinh. Nội dung vở kịch nói về 3 chị em gái là Hạ Vân, Hạ Vy và Hạ Thảo. Trong đó, Hạ Vy và Hạ Thảo là chị em sinh đôi nên có gương mặt giống nhau như đúc. Lúc nhỏ, cô em út Hạ Thảo bị thất lạc nên phải sống trong trại trẻ mồ côi. Hạ Vân, Hạ Vy thì lớn lên trong gia đình giàu có. Bố mẹ qua đời sớm nên Hạ Vân thừa hưởng cơ nghiệp và công ty của bố mẹ để lại. Cô sống cùng với người dì tên Lan (Ngân Quỳnh). Còn cô em Hạ Vy thì đi du học nước ngoài. Hạ Vân đem lòng yêu Kiệt (Thanh Thức) – một doanh nhân thành đạt, song Kiệt lại không yêu cô. Tường (Lê Vinh) – một nhân viên trong công ty của Hạ Vân đem lòng yêu cô chủ giàu có. Lợi dụng cơ hội Hạ Vân bị say rượu khi bị Kiệt từ chối, Tường đưa Vân đến một nơi hoang vắng để cưỡng hiếp và dùng ảnh nóng để tống tiền. Khi biết Hạ Vân có thai, Tường những tưởng có thể trở thành ông chủ thừa hưởng gia tài nhà Hạ Vân nhưng bị cô từ chối quyết liệt. Tức giận, Tường ra tay giết chết Hạ Vân và đứa con chưa chào đời của mình rồi giấu xác. Cùng lúc đó, Hạ Vy đi du học trở về. Không từ bỏ ý định chiếm đoạt gia tài nhà của Hạ Vân, Tường tiếp tục bày mưu kế hiểm độc. Tình cờ bắt gặp một cô gái mồ côi (Hồng Trang) có gương mặt giống Hạ Vy, hắn đã giết chết luôn Hạ Vy và đưa cô gái này vào giả làm Hạ Vy. Hắn hứa sẽ cho cô một số tiền, bù lại cô sẽ phải ký những giấy tờ quan trọng để trục lợi của công ty. Trong vai Hạ Vy, cô gái mồ côi nhận được sự yêu mến của dì Lan và Kiệt. Càng ở lâu với họ, cô càng thấy câu chuyện không hề đơn giản như Tường nói, nhất là sự mất tích bí ẩn của Hạ Vân ít nhiều liên quan đến gã đàn ông ma mãnh này. Nhận thấy sự bất hợp tác của cô gái, Tường không ngại cho cô biết chính hắn đã giết 2 chị em Hạ Vân và Hạ Vy. Khi phát hiện cô ghi âm lại tất cả lời thú tội của mình, Tường định giết người bịt miệng thì bất ngờ bà Lan quay trở về. Hắn định ra tay giết luôn bà. Đúng lúc này, Kiệt cùng công an ập vào và bắt Tường bởi từ lâu anh đã nghi ngờ hắn. Sau khi Tường bị giải đi, bà Lan truy hỏi về thân thế của cô gái thì mới phát hiện cô chính là Hạ Thảo, là cô cháu gái thất lạc mà ngày xưa bà thường gọi bằng tên Én. Cuối cùng Én cũng đã được trở về nhà của chính mình. Tuy nhiên, sau đó cô vẫn phải chịu sự trừng phạt của pháp luật vì đã tiếp tay với Tường gây thất thoát tài sản của công ty. Trong tác phẩm, đạo diễn Bảo Châu sử dụng 3 ca khúc Ngày én trở về (sáng tác: Nguyễn Hậu), Món quà kỷ niệm (sáng tác:Y Vân, Kim Tuấn), Ngày vui qua mau(sáng tác: Nhật Ngân, Đinh Việt Lang). Giám khảo Công Ninh cho rằng đạo diễn Bảo Châu thiếu những ca khúc bolero cho những cảnh đắt trong tác phẩm như cảnh Én gặp lại dì Lan và lúc Én thừa nhận tình cảm với Kiệt. Giám khảo Đông Đào cho rằng ca khúc Ngày vui qua mau sử dụng cho nhân vật Tường không phù hợp. Dù nhận nhiều góp ý của giám khảo nhưng với đặc thù của thể loại kịch trinh thám, giám khảo Công Ninh đã quyết định xé luật cho đạo diễn Bảo Châu không phải phục dựng lại phần kết khác như quy định của chương trình (từ tập 7, BTC quy định sau mỗi tác phẩm, các đạo diễn sẽ phải phục dựng lại 1 phân đoạn, tình huống chưa hoàn hảo trong tác phẩm theo góp ý của BGK). Tác phẩm của đạo diễn Bảo Châu nhận được số điểm 26,5. Đêm thi thứ 8 đã khép lại chủ đề “Nhà là nơi…”. Dẫn đầu hiện nay là đạo diễn Minh Tuấn (28,5 điểm), đạo diễn Bảo Châu và Thái Kim Tùng cùng được 26,5 điểm và đứng cuối bảng là đạo diễn Minh Nhật với 25,75 điểm. Minh Nguyễn