NSND Lệ Thủy tiết lộ lần đầu theo cải lương vì mong có tiền phụ giúp ba mẹ và 6 em nhỏ


2saigon – Hồi kí 60 năm ca hát của NSND Lệ Thủy ‘Một kiếp cầm ca – Sinh ra để hát’ phát sóng tập đầu tiên sau 2 tuần đã nhận được sự quan tâm của khán giả.

Lệ Quyên “chơi lớn” mời hai đội bóng đá vô địch SEA Games đến xem Q SHOW 2

Giang Hồng Ngọc mời diễn viên Việt Anh – bạn thân của chồng đóng cùng MV

Nếu như tập một là câu chuyện về tuổi thơ của bà khi từ Vĩnh Long chuyển lên Sài Gòn thì với tập 2 vừa phát sóng vào 15/12 này sẽ là hành trình bà đến với gánh hát cải lương có hào quang nhưng cũng lắm khó khăn, tủi hờn.

Tập đầu tiên phát sóng lúc 8h sáng ngày 1-12 trên kênh YouTube Easy Travel Dương Đình Trí mới đây đã đạt hơn 1 triệu lượt xem. Sức hút của hồi kí ngày một ‘nóng’ khi không ít khán giả bình luận và ngóng chờ tập tiếp theo.

Tập 1 Một kiếp cầm ca – Sinh ra để hát, khán giả có dịp được nghe NSND Lệ Thủy kể về quãng đời tuổi thơ của bà từ khi còn ở Vĩnh Long cho đến khi lên Sài Gòn. Và những cơ duyên đưa bà đến với cải lương – giấc mơ nghệ thuật mà bà quyết tâm theo đuổi từ nhỏ. Sang tập 2 được phát sóng vào sáng 15/12, khán giả lại lắng đọng với câu chuyện về những thăm trầm của NSND Lệ Thủy thuở theo đoàn hát từ khi còn là một cô bé 12 -13 tuổi. Những khó khăn, nước mắt và có những lúc tưởng như bỏ cuộc giữa chừng.

NSND Lệ Thủy kể lại rằng giai đoạn bà lên Sài Gòn sống chỉ quanh quẩn ở nhà với việc chăm em, phụ giúp mẹ và đi làm bột. Trong một dịp từ cờ có một người bạn của mẹ nghe bà hát và phát hiện được năng khiếu của NSND Lệ Thủy. Chính vì thế, người bạn của mẹ NSND Lệ Thủy đã nảy ra ý định đưa bà vào gánh hát để phát triển tài năng.

Tuy nhiên mẹ của NSND Lệ Thủy cho rằng đây là chuyện xa vời và không thể thực hiện được. Nhưng với sự thuyết phục của người bạn, mẹ NSND Lệ Thủy đồng ý và bà được giới thiệu bà sang đoàn NSND Út Trà Ôn. Mặc dù dù công nhận giọng hát NSND Lệ Thủy tốt nhưng đoàn vẫn từ chối vì đã có giọng ca nhí – tức nghệ sĩ Kim Tuyến bây giờ.

Không bỏ cuộc, nửa năm sau có đoàn Trâm Vàng tuyển nghệ sĩ, được nghệ sĩ Tám Minh Nguyệt giới thiệu, NSND Lệ Thủy đã tự tin ca trước hai vị trưởng đoàn và được nhận xét là có triển vọng. Một điều may mắn cho NSND Lệ Thủy là hai vị trưởng đoàn không có con nên đã nhận bà là con nuôi và cho theo đoàn.


Tuy nhiên, điều mà NSND Lệ Thủy lúc ấy lo lắng về việc mẹ và 6 đứa em nhỏ ở nhà không có người chăm sóc, không ai làm bột. Nhưng vì ‘miếng cơm manh áo’, bà quyết định theo đoàn. “Ngày ấy nói thật ban đầu tôi theo đoàn là vì muốn có tiền lo cho gia đình chứ không phải đam mê” – NSND Lệ Thủy kể lại.

Theo gánh hát lên Biên Hòa, NSND Lệ Thủy gặp không ít khó khăn, trong đó có việc bà không được biểu diễn như mong muốn và phải ngủ sân khấu với một manh chiếu nhỏ. Bà nhớ về mẹ, về những đứa em thơ nên đã quyết định từ bỏ nghề để về với gia đình. Kể đến đây, NSND Lệ Thủy bật khóc nghẹn ngào.


Nhưng về nhà thấy cảnh gia đình đói khổ, bà vượt qua nỗi sợ nhớ nhà tiếp tục quay lại đoàn để lên Đà Lạt học hỏi. Bà làm đủ mọi việc ở đoàn từ theo các chị đi chợ, đến nấu ăn, hậu trường… Bên cạnh đó, NSND Lệ Thủy còn được giao nhiệm vụ ngâm thơ ở sau cánh gà để các nghệ sĩ trên sân khấu diễn. May mắn thay nhờ việc ham học hỏi, Lệ Thủy 13 tuổi ngày ấy đã bộc lộ năng khiếu dù không xuất hiện trước sân khấu nhưng vẫn được khán giả khen là có giọng hát hay. Vậy nên sau khi kết thúc, bà được thưởng 10 đồng – đó cũng là mức lương đầu tiên mà NSND Lệ Thủy nhận được.

Tiết lộ với khán giả, NSND Lệ Thủy cho biết trước khi đến với ‘nghiệp cầm ca’ người cô thần tượng và ái mộ là nghệ sĩ Thanh Hương. Và cũng chính ‘Đệ nhất danh ca’ đã cho cô thêm động lực cũng như niềm tin với nghề mỗi khi muốn từ bỏ.

Sau một thời gian theo đoàn để học hỏi, cuối cùng cơ hội cũng đến với NSND Lệ Thủy. Lúc đó, nghệ sĩ Viễn Châu đang cần một người thử vai tiểu đồng trong vở Quan Âm Thị Kính và NSND Lệ Thủy được lựa chọn. Tiết lộ lại khoảnh khắc đó, NSND Lệ Thủy cho biết: “Lúc đó tôi mừng quá, mọi người nói rằng đi thâu đĩa thì sợ lắm. Nhưng tôi thì ‘điếc không sợ súng’, tôi ca hết mình”. Và sau khi nổi tiếng với đĩa hát vở Quan Âm Thị Kính, NSND Lệ Thủy tiếp tục được thâu vở Nấu bánh đêm xuân. Cô kiếm được cát -sê mấy trăm đồng và mang về cho mẹ…

Có thể nói, nhiều khán giả chỉ nhìn thấy một Lệ Thủy xiêm áo lộng lẫy trong các vai diễn, nhưng không ai hiểu được những lầm lũi cay đắng mà bà từng trải qua. Hồi ký đã làm công việc ấy, để những ai hâm mộ Lệ Thủy biết rằng bà từng sinh ra trong một gia đình rất khó khăn “người ta nói người nghèo ăn ngày nay lo ngày mai, còn nhà tôi ăn bữa sáng lo cho buổi chiều không có gạo mà ăn”. Hồi ký bằng hình ảnh của NSND Lệ Thủy sẽ dài 32 tập. Mỗi tập trên dưới 60 phút, gồm các cuộc trò chuyện, kể về cuộc đời đi hát của nghệ sĩ Lệ Thủy từ thuở ấu thơ cơ cực, đến việc bén duyên nghiệp hát, giai đoạn trở thành cô đào tài sắc đóng chung với các anh kép nổi tiếng, câu chuyện với các đồng nghiệp, chuyện gia đình, hậu trường sân khấu…

Minh Nguyễn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: