Rời quê lên Đà Lạt 20 năm, mở trang trại trồng dâu tây sạch


Từ nhỏ, chị Huyền luôn mơ ước có ngôi nhà gỗ trên đồi, xung quanh trồng nhiều hoa. Sau khi lập gia đình và ổn định cuộc sống, chị mới có có cơ hội thực hiện điều này.

Mỗi ngày, chị Hoàng Huyền (39 tuổi, quê Thanh Hóa), hiện sống ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, luôn có 2 vẻ ngoài trái ngược.

Là công nhân viên chức, chị diện trang phục tươm tất, chỉn chu khi tới cơ quan. Còn lúc ở nhà, chị khoác lên mình bộ đồ lao động, luôn tay luôn chân trong vườn làm đủ thứ việc từ tưới cây, bón phân đến cuốc đất, trồng hoa.

Nhịp sống này gắn liền với chị Huyền gần 5 năm nay, khi chị cải tạo mảnh đất hoang của gia đình thành trang trại để trồng dâu tây hữu cơ.

Trên diện tích 8.000 m2 được sử dụng, chị Huyền dựng thêm căn nhà gỗ nhỏ và trồng hoa, rau sạch trong vườn. Tất cả đúng như mơ ước chị ấp ủ từ khi còn nhỏ.

Roi que len Da Lat mo trang trai trong dau tay sach anh 1
Đến nay, chị Huyền có 20 năm gắn bó với thành phố Đà Lạt.

Làm nông dân

Cách đây 20 năm, chị Huyền đậu đại học ở Hà Nội nhưng quyết định vào Đà Lạt học tập. Lý do đơn giản là chị thích vẻ đẹp của thành phố ngàn hoa.

Yêu thiên nhiên từ nhỏ, chị Huyền luôn mơ ước có ngôi nhà gỗ trên đồi, xung quanh trồng nhiều hoa. Tuy nhiên, sau khi ra trường, đi làm và lập gia đình, chị chưa có thời gian nghĩ đến điều này vì còn bộn bề con cái, cơm áo gạo tiền.

Năm 2017, khi cuộc sống ổn định hơn và được người thân ủng hộ, chị Huyền quyết định mở trang trại trên mảnh đất 12.000 m2 của gia đình. Dù ở giữa lòng Đà Lạt, nơi này để hoang 30 năm, chỉ lác đác vài cây hồng, chủ yếu là cỏ rậm rạp, thậm chí có cả vắt.

Chị Huyền phải san đất lấy mặt bằng để trồng cây. Do không thể đưa máy múc vào, công đoạn này dùng đến sức người.

“Khu vườn ngày xưa là đất nông nghiệp, thông mọc tự nhiên tôi không chặt đi mà để chúng phát triển. Đưa máy móc vào cải tạo có thể phá cảnh quan nên tôi giữ lại tất cả cây rừng. Ngoài góc đó ra, tôi bắt đầu trồng trọt”, chị kể.

Ban đầu, chị Huyền trồng thử atiso hữu cơ nhưng không thành công vì cây thối dần khi không có thuốc. Sau vài lần thất bại, chị chuyển hướng sang dâu tây sạch. Tuy nhiên, 2 năm đầu, chị đều trong tình trạng phải bù lỗ.

“Chọn làm nông nghiệp hữu cơ là cả quá trình gian nan. Tôi từng vét những đồng tiền cuối cùng để mua hạt giống, rồi bị mọi người xung quanh nói ‘viển vông’ khi muốn trồng dâu tây sạch. Sau nhiều lần thất bại, tôi hiểu rằng vạn vật đều có quy luật của nó. Tôi quyết định thu trái vào mùa nắng, còn mùa mưa, quả hỏng nhiều thì thu cây con bán làm giống”, chị kể.

Theo chị Huyền, trồng dâu tây hữu cơ năng suất kém 20 lần so với dùng thuốc. Bên cạnh đó, thành phẩm mẫu mã cũng không đẹp, đều tăm tắp. Tuy nhiên, chị cho rằng thà bán giá cao một chút còn hơn làm bẩn.

Chị Huyền cũng mày mò, tìm hiểu cách chăm sóc dâu tây. Ví như chị giã lá dã quỳ để trừ sâu bệnh; đào đất ở bụi tre về lọc, ủ cho lên men tự nhiên rồi tưới vào gốc để bổ sung vi sinh vật; ủ sữa tươi trứng gà trong 2 tuần rồi bón cho cây để tăng chất lượng, độ ngọt quả.

Sau gần 5 năm, chị Huyền tự hào vì có vườn dâu tây hoàn toàn organic. Chị còn đặt mục tiêu sản xuất nhiều sản vật khác của Đà Lạt theo hướng hữu cơ nhất.

5 năm không xa mảnh vườn

Khi vườn dâu tây đi vào ổn định, cách đây hơn một năm, chị Huyền nghĩ đến việc dựng ngôi nhà nhỏ trong trang trại. Tất cả được làm từ gỗ, theo phong cách mộc mạc của những căn nhà Đà Lạt ngày xưa.

Xung quanh, chị Huyền làm vườn rau sạch để phục vụ bữa ăn gia đình. Chị cũng trồng nhiều loài hoa như cúc họa mi, cúc tiến vua, tam giác mạch… để tô điểm cho không gian.

Đặc biệt, cây cỏ và hoa trong vườn cũng là nguồn nguyên liệu để người mẹ hai con làm ra nhiều sản phẩm thiên nhiên như trà, dầu gội, xà bông.

Ngôi nhà gỗ là nơi cả gia đình chị Huyền quây quần mỗi cuối tuần để nghỉ ngơi, thư giãn. Hiện tại, chị cũng chào đón mọi người có nhu cầu tới lưu trú, tận hưởng không khí trong lành hay trải nghiệm làm nông dân như thu hoạch rau, hái dâu, trồng cây. Sắp tới, farm còn mở thêm khu cắm trại.

Từ khi lựa chọn vừa là công nhân viên chức, vừa làm nông dân, chị Huyền cho biết cuộc sống của chị bận rộn hơn nhiều.

Mỗi sáng, chị chạy xe xuống trang trại cách nhà 4 km để thăm vườn tược rồi lên cơ quan lúc 7h. Giờ nghỉ trưa, chị về farm nấu ăn cùng công nhân ở đó. Chiều tan sở, người mẹ hai con lại tranh thủ xuống, có hôm tới 20-21h mới về nhà.

Cuối tuần, chị Huyền dành cả ngày ở farm làm đủ thứ việc từ tưới nước, bón phân, cuốc đất, trồng hoa đến sửa chữa, đóng kệ gỗ.

“5 năm rồi, tôi không đi du lịch. Tôi cũng không có thời gian chau chuốt, ăn diện, mua sắm cho bản thân. Tuy nhiên, khi được làm đúng với đam mê, tôi luôn thấy hạnh phúc. Tôi may mắn có chồng tâm lý, ủng hộ từ vật chất đến công việc. Hai con của tôi cũng được bố mẹ hướng dẫn từ nhỏ và có thể phụ giúp nhiều công việc trong trang trại”, chị kể.

Chia sẻ về xu hướng bỏ phố về rừng ngày càng phổ biến, chị Huyền bày tỏ: “Nghe thì đơn giản, nhưng có lẽ ai từng trải qua thì mới cảm nhận được hết nỗi nhọc nhằn. Nếu về rừng để hưởng thụ cuộc sống bình yên, xa rời phố thị và không cần nghĩ nhiều đến cơm áo gạo tiền thì bạn cần có tài chính ổn định. Còn những người phải phát triển và duy trì cuộc sống thì cần có sự kiên định, bền bỉ. Đó là hành trình gian nan nên đừng dễ dàng nói ‘bỏ phố về rừng’ mà hãy suy nghĩ thật kỹ, nhìn nhận thẳng vấn đề”.

Theo chị Huyền, khi đã đam mê điều gì, mọi người nên thử để sau này không phải hối tiếc.

“Ai sinh ra cũng chỉ có một cuộc đời, sống làm sao sau này khi về già không phải nói ra 2 từ ‘giá như’. Xác định làm nông nghiệp sẽ có nhiều gian nan, nhưng đến hiện tại, tôi hài lòng với cuộc sống”, chị nói.

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: