“Chuyện khó nói” của ngân hàng


Tài sản bảo đảm khoản vay là nhà ở rất khó xử lý nếu chủ tài sản không hợp tác.

Các ngân hàng dù ghi nhận những con số lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng, nhưng cũng có không ít rủi ro, bất trắc và cần được hỗ trợ như các doanh nghiệp khác.

“Nỗi oan” lãi lớn

Trong Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, tại phiên chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, một đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề về sự chia sẻ của ngành ngân hàng với doanh nghiệp thời gian qua đã tương xứng chưa khi vẫn lãi lớn. “Liệu đây có phải “nỗi oan Thị Kính” không?”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng cũng là một doanh nghiệp – được thành lập trên cơ sở mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận. Tuy nhiên, điểm khác giữa các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp là vốn của một doanh nghiệp không lớn nhưng đối với các tổ chức tín dụng thì quy mô tài sản và vốn rất lớn.

Cuối năm 2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có tổng tài sản là 14 triệu tỷ đồng, đến tháng 3/2022 tăng hơn 16 triệu tỷ đồng và dư nợ tín dụng là 12 triệu tỷ đồng.

“Theo những số liệu chúng tôi tổng hợp được ở một số trang trên thị trường chứng khoán, với những chỉ tiêu đánh giá theo tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản hoặc tỷ lệ sinh lời trên vốn thì lợi nhuận của các tổ chức tín dụng so với một số doanh nghiệp tại các ngành khác không cao”, Thống đốc nói.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng nhanh, trong khi tiến độ xử lý chậm và hiệu quả thu hồi nợ giảm.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng trong những năm qua theo sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ, đồng hành cùng với doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng đã thực hiện miễn, giảm lãi của các khoản cho vay đối với doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền giảm khoảng 48.000 tỷ đồng.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là con số đáng được ghi nhận, vì các tổ chức tín dụng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt – trung gian tài chính, chủ yếu nhận tiền gửi và sử dụng số tiền này để cho vay, đồng thời cung ứng các dịch vụ thanh toán.

“Đứng cho vay, quỳ đòi nợ”

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ, phụ trách mảng thu hồi nợ là lĩnh vực không lãnh đạo ngân hàng nào muốn đảm nhận, vì quá nhiều nhọc nhằn. Không chỉ nhân viên, mà chính ông cũng từng phải đích thân chặn xe của người vay nợ ngân hàng khi có ý định tẩu tán tài sản, không trả nợ.

Câu chuyện nhân viên thu hồi nợ của ngân hàng đã thông báo với chính quyền và công an địa phương về việc tiến hành thu hồi nợ nhưng lại được mời lên làm việc với chính quyền như người phạm tội không phải là hiếm.

“Hình ảnh thương hiệu của tổ chức tín dụng luôn được giữ gìn cũng là “gót chân Achilles ” khi nhiều khách hàng không những không trả nợ đến hạn mà còn sẵn sàng ăn vạ và lợi dụng dư luận để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình”, vị phó tổng giám đốc trên nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ra đời do quá trình triển khai thu hồi nợ theo Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng và các bộ luật liên quan có những nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người cho vay và người đi vay, thậm chí có phần nào đó còn bảo vệ người đi vay nhiều hơn, dẫn tới ngành ngân hàng gặp khó khăn trong việc đòi nợ.

Dẫu vậy, phản hồi từ các ngân hàng cho thấy, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng nhanh, trong khi tiến độ xử lý chậm và hiệu quả thu hồi nợ giảm. Đặc biệt, với bất động sản là nhà ở mà chủ tài sản đang sinh sống, ngân hàng chưa thể áp dụng biện pháp thu hồi do khách hàng, chủ tài sản bất hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm, dù đã có Nghị quyết 42.

Thực tế, hoạt động ngân hàng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh nên cần có dự phòng tài chính cho việc xử lý các khoản nợ xấu này. Hiện các tổ chức tín dụng đều thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho những khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Không ít tổ chức tín dụng đạt tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu thực tế. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng dự kiến tăng vốn điều lệ trong năm 2022, qua đó nâng cao năng lực tài chính, mở rộng trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn hoạt động.

“Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nếu chỉ có nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ, mà cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ ngân hàng. Tôi mong muốn có một hành lang pháp lý để tất cả xã hội có sự bình đẳng, người dân khi vay vốn ngân hàng phải có trách nhiệm trả nợ. Không chỉ vậy, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc hỗ trợ tích cực trong việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng”, ông Hùng nói.

Phát huy vai trò huyết mạch của nền kinh tế

Trên cơ sở các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TTNHNN của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp và người dân. Theo đó, rất nhiều doanh nghiệp, người dân có nợ xấu lẽ ra không đủ điều kiện để vay vốn nhưng đã có thể vay nợ trở lại. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng trưởng 8%, đây là mức cao so với chỉ tiêu 14% của cả năm.

Được biết, tính đến cuối tháng 4/2022, luỹ kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành đạt hơn 695.000 tỷ đồng.

“Quá trình thực hiện các thông tư về việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục được vay vốn”, Thống đốc cho biết.

Bên cạnh đó, dù hệ thống hoạt động trong bối cảnh gặp không ít khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng các ngân hàng đều nỗ lực thực hiện chủ trương tiết giảm chi phí hoạt động của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời tích cực đóng góp vào công tác an sinh xã hội.

Ví dụ, Agribank đã ủng hộ kinh phí hơn 500 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trong cả nước. VPBank dành ra hơn 500 tỷ đồng ủng hộ các hoạt động phòng, chống Covid-19 của Chính phủ. Techcombank đã chi công tác xã hội khoảng 400 tỷ đồng để hỗ trợ các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. HDBank đóng góp hàng trăm tỷ đồng để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh…

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn tăng trưởng kinh tế. Ngành ngân hàng đảm bảo cung cấp đủ vốn cho các doanh nghiệp và hoạt động sản xuất đã giúp các doanh nghiệp vượt qua những bất ổn. Các biện pháp tạm thời như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm phí dịch vụ giao dịch là công cụ hỗ trợ nền kinh tế.

“Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang có nền tảng cho sự phát triển ổn định. Các bước đảm bảo sức khỏe của hệ thống ngân hàng và tăng cường giám sát, quản lý ngân hàng sẽ đảm bảo cho hệ thống tiếp tục phát triển ổn định”, bà Carolyn Turk nói.

Theo Tin nhanh chứng khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: