Khó đòi nợ xấu tài chính tiêu dùng


Tín dụng tiêu dùng vốn được xem là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao nên sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc thu hồi nợ của các công ty tài chính càng gặp khó khăn, nhất là khi tình trạng bùng nợ có dấu hiệu gia tăng.

Nhiều hội nhóm bùng nợ

Chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” hoặc “bùng vay tiền qua App” sẽ cho ra một loạt hội nhóm (không ít hội nhóm trùng tên) với số lượng thành viên từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn như Hội bùng App vay tiền online và chia sẻ cách đối phó (59.000 thành viên), Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (174.000 thành viên), Hội bùng App/web vay tiền online và chia sẻ cách đối phó (3.500 thành viên)…

Ở các hội nhóm này, mỗi ngày có hàng chục bài chia sẻ, hướng dẫn cách quỵt nợ. Bên cạnh đó, mỗi khi có ai đó than thở về việc chưa biết xoay tiền ở đâu để trả nợ là ngay lập tức nhận được vô số những lời động viên, trấn an tinh thần, kèm theo hướng dẫn chi tiết cách đối phó hay chiêu trò bùng nợ.

Ông Bùi Chiến Thắng, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh nhận định, đối tượng lập ra các hội nhóm dạy cách bùng tiền nhiều khả năng chính là đối tượng lập ra các app cho vay. Mục đích là để những người dân thiếu hiểu biết nghĩ rằng, việc cho vay tiền qua app rất đơn giản, không có khả năng trả nợ thì cũng có thể dễ dàng bùng tiền, từ đó thu hút ngày càng nhiều người tìm đến các app để vay tiền. Đây có thể coi như là một kiểu quảng cáo cho các app cho vay tiền. Thực tế, khách hàng vay tiền từ các nền tảng online phải trả lãi suất cao và có nguy cơ bị đòi nợ kiểu “khủng bố”.

Đáng lưu ý, nhiều thành viên trong các hội nhóm đó khoe khoang chiến tích bùng được tiền vay qua app, lấy đó như một cái cớ để quảng cáo, mời chào các thành viên khác sử dụng dịch vụ hỗ trợ trốn nợ như làm căn cước công dân giả, bán tài khoản mạng xã hội ảo, bán danh bạ điện thoại ảo, hoặc bán hồ sơ đẹp để dễ vay tiền qua app. Hành vi lôi kéo, bày cách quỵt nợ tiềm ẩn những động cơ nguy hiểm. Việc tham gia và làm theo hướng dẫn của các hội nhóm bùng nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro, người vay không tỉnh táo có thể sẽ vướng vào những hệ lụy pháp lý mà sau này khó kiểm soát được.

Trong khi đó, về nguyên tắc, khách hàng đã vay là phải trả nợ.

“Chúng ta đồng ý quan điểm phải bảo vệ người tiêu dùng, nhưng phải bảo vệ cái đúng, chứ không phải bằng mọi giá bảo vệ quan điểm sai. Rõ ràng, không thể bảo vệ quan điểm chây ì trả nợ, bởi vì nguyên tắc khi đi vay là phải thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của người đi vay”, một chuyên gia tài chính nói và khuyến nghị, trước khi vay, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về khoản vay cũng như tổ chức cho vay để tránh tiếp cận với các tổ chức không chính thống.

Khó đòi nợ xấu tài chính tiêu dùng ảnh 1
Cần hoàn thiện “chiếc ô” pháp lý để bảo vệ người cho vay

Khó thu hồi nợ xấu

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit, thời gian qua, dù tích cực giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính thức, nhưng hoạt động kinh doanh của Công ty nói riêng và các công ty tài chính nói chung bị hiểu nhầm là tín dụng “đen”. Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của Công ty. Đặc biệt, nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay, sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực, khiến người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của FE Credit nói riêng và các công ty tài chính nói chung bị hiểu nhầm là tín dụng “đen”.

“Không những vậy, một bộ phận người dân còn lôi kéo, rủ rê nhau bùng nợ, khiến hoạt động thu hồi nợ của Công ty càng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề kiến thức tài chính cá nhân ở nước ta còn hạn chế. Người vay chưa ý thức rõ nghĩa vụ và trách nhiệm đối với khoản vay, không quan tâm đến hậu quả khi có nợ xấu. Ngoài ra, mặc dù pháp luật hiện nay đã có những quy định tương đối chặt chẽ đối với người đi vay tiền, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng một bộ phận người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này để cố tình trốn tránh trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức”, ông Phúc nói.

Bên cạnh khó khăn trong công tác cho vay và thu hồi nợ, FE Credit cũng gặp không ít khó khăn do các thủ đoạn lừa đảo tín dụng công nghệ cao. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo lợi dụng uy tín của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để chiếm đoạt tiền của người dân thông qua các chiêu trò như tin nhắn mạo danh thương hiệu, gửi các đường link giả mạo trang web công ty, đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt sim điện thoại…, khiến người dân hoang mang và từ chối tiếp nhận các cuộc gọi, tiếp xúc từ nhân viên công ty tài chính. Thậm chí, đối với các trường hợp nghi ngờ gian lận, nhân viên công ty cũng không thể liên hệ để xác minh, xử lý khiếu nại cho khách hàng, vì khách hàng cho rằng, đó là các cuộc gọi lừa đảo.

Vì vậy, Tổng giám đốc FE Credit kiến nghị, cần nâng cao mức chế tài đối với các hành vi cố ý chây ì trả nợ, trốn nợ; xem xét khả năng hình sự hóa hành vi này nếu chứng minh được dấu hiệu cố ý trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời, đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người yếu thế, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nông thôn… để tránh tình trạng nợ xấu.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, người đi vay tín dụng tiêu dùng cần phải biết rõ công ty tài chính, ngân hàng cho mình vay, cần tìm hiểu những quy định và có hợp đồng cụ thể. Ngoài ra, người đi vay cần quan tâm lãi suất và phương thức tính lãi suất của đơn vị cho vay, các khoản phí cụ thể. Còn bên cho vay có nghĩa vụ cung cấp dự thảo vay cho người vay nghiên cứu, nếu sử dụng hợp đồng mẫu thì phải niêm yết tại văn phòng, chi nhánh giao dịch để người vay tham khảo.

Về việc thu hồi nợ, nếu bên cho vay đốc thúc thu hồi nợ không đúng quy định, vi phạm pháp luật, người đi vay có thể trình báo các cơ quan có thẩm quyền là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa phương, cơ quan công an để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước cho biết, khung pháp lý về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng nói chung và hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính nói riêng về cơ bản đã được hoàn thiện, phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, góp phần thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính an toàn, lành mạnh, hiệu quả. Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Thông tư 43/2016/TT-NHNN, Thông tư 18/2019/TT-NHNN đã quy định rõ trách nhiệm của công ty tài chính trong việc công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động cho vay để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của khách hàng, nhất là khách hàng có ít kiến thức về cho vay, khách hàng có thu nhập thấp, không có tài sản bảo đảm hoặc không thể chứng minh được tài sản bảo đảm. Hoạt động tín dụng tiêu dùng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của thị trường tín dụng tiêu dùng thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế: phát sinh gian lận, lừa đảo, phản ánh, khiếu nại của khách hàng về hợp đồng cho vay, lãi suất cho vay, hành vi thu hồi nợ không phù hợp… Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấn chỉnh các tổ chức tín dụng, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về cho vay, đặc biệt là quy định về cung cấp thông tin cho khách hàng trước khi ký kết hợp đồng cho vay, minh bạch về lãi suất, các quy định về thu hồi nợ…

Bộ luật Dân sự quy định, lãi suất cho vay tối đa 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Vì thế, các ngân hàng, công ty tài chính có thể cho vay với lãi suất cao hơn 20%/năm.

Theo Tin Nhanh Chứng Khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: