Nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ


Nền kinh tế thế giới ngày càng có nhiều dấu hiệu dựa vào dịch vụ để tạo động lực khi các nhà máy từ Nhật Bản đến Mỹ làm chậm dây chuyền sản xuất và đấu tranh để giành được các đơn đặt hàng.

Nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ

Một loạt chỉ số sản xuất (PMI) được công bố vào thứ Sáu (23/6) đã báo hiệu sự suy giảm trên khắp các nền kinh tế lớn, với chỉ số của Mỹ chạm mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Hoạt động sản xuất ở khu vực đồng euro trong tháng 6 giảm nhiều hơn dự đoán của các nhà kinh tế, xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm.

Với việc người tiêu dùng chuyển trọng tâm sang dịch vụ, hàng hóa của nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho dư thừa. Các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương của châu Âu đã khiến việc tài trợ cho chi tiêu vốn trở nên tốn kém hơn nhiều.

Tin tức này đã khiến cổ phiếu trượt giá và trái phiếu chính phủ tăng vọt trên khắp các thị trường toàn cầu, sau đợt tăng giá đáng chú ý của cổ phiếu do sự hưng phấn đối với ngành công nghiệp AI đang bùng nổ. Với việc các ngân hàng trung ương vẫn báo hiệu rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất để dập tắt lạm phát, lợi suất ngắn hạn giảm ít hơn so với lợi suất dài hạn – một tín hiệu điển hình của suy thoái cổ điển.

Đường cong lợi suất trái phiếu của Đức đã đạt đến điểm đảo ngược nhất kể từ năm 1992, trong khi lợi suất chính phủ kỳ hạn 2 năm của Anh vượt quá lãi suất 10 năm ở mức độ chưa từng thấy kể từ năm 2000. Lợi suất trái phiếu Kho bạc 2 năm của Mỹ cao hơn 1% so với lợi suất 10 năm vào sáng thứ Sáu (23/6).

Nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ ảnh 1
Đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược ở Mỹ và Đức

Hôm thứ Năm (22/6), Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhận định rằng rủi ro suy thoái ở Mỹ đã giảm. “Theo tôi, rủi ro suy thoái nếu có đã giảm xuống, bởi vì hãy nhìn vào khả năng phục hồi của thị trường lao động và lạm phát đang giảm xuống”.

Nhận định của bà Yellen cũng phù hợp với nhận định của nhiều nhà kinh tế học. Một cuộc khảo sát của Bloomberg được công bố hôm thứ Sáu (23/6) cho thấy sự đồng thuận hiện nay là Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế trong năm nay, mặc dù lạm phát cơ bản sẽ nhanh hơn so với suy nghĩ trước đây.

Neil Brown, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu tại GIB Asset Management cho biết: “Chúng tôi vẫn dự báo, trong thời gian tới, mức tăng trưởng khá trong năm nay là 2,8% trên toàn cầu, 3% trong năm tới. Tuy nhiên, chúng tôi thấy sự tăng trưởng mong manh. Chúng ta cần phải thận trọng về nguy cơ suy thoái”.

Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ theo ước tính của S&P Global đã giảm xuống 46,3 trong tháng 6, thấp hơn nhiều so với mốc 50 biểu thị ranh giới giữa mở rộng và thu hẹp.

“Giữa chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất của Fed trong 4 thập kỷ, Bloomberg Economics từ lâu đã dự báo về một cuộc suy thoái trong nửa cuối năm 2023. Với việc nền kinh tế thể hiện động lực hơn một chút vào giữa năm so với dự đoán, giờ đây chúng tôi cho rằng một cuộc suy thoái có nhiều khả năng bắt đầu muộn hơn trong nửa cuối năm so với trước đó”, Anna Wong, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics cho biết.

Chỉ số sản xuất của Trung Quốc được công bố vào ngày 29/6 sắp tới cũng được dự báo sẽ cho thấy sự sụt giảm, trong khi chỉ số tâm lý kinh doanh LFO của Đức được dự đoán sẽ giảm, thêm bằng chứng về sự trì trệ trong sản xuất toàn cầu.

Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence cho biết: “Số lượng đơn đặt hàng mới ngày càng giảm nghiêm trọng đồng nghĩa với việc các nhà máy sắp hết việc làm. Vấn đề còn lại là tăng trưởng của ngành dịch vụ có thể phục hồi như thế nào khi đối mặt với sự suy giảm sản xuất và tác động có độ trễ của các đợt tăng lãi suất trước đây”.

Đối với các ngân hàng trung ương, điều này càng làm phức tạp thêm công việc quyết định tăng lãi suất thêm bao nhiêu nữa.

Lindsey Piegza, nhà kinh tế trưởng tại Stifel Nicolaus & Co Inc. cho biết: “Fed muốn thấy nền kinh tế chậm lại, bởi vì chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấy sự chậm lại trong lạm phát, đây thực sự là thành phần duy nhất mà Fed có thể kiểm soát… Chúng ta có thể không thấy một cuộc suy thoái cực kỳ sâu hoặc kéo dài ở Mỹ, nhưng chúng ta cần thấy sự suy thoái đó”.

Theo Tin Nhanh Chứng Khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: