Các tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong một số trường hợp như thực hiện giao dịch không thường xuyên có tổng giá trị giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày. Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG Quy định này được nêu ra trong dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền đang được lấy ý kiến. Theo dự thảo nghị định, các tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong một số trường hợp như thực hiện giao dịch không thường xuyên có tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày. Hoặc khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu một trong số thông tin về tên, địa chỉ của người khởi tạo, số tài khoản của người khởi tạo hoặc mã giao dịch trong trường hợp người khởi tạo không có tài khoản; khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch với tổng giá trị từ 60 triệu đồng trở lên trong một ngày. Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim khí quý và đá quý phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt mua hoặc bán kim khí quý, đá quý có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày. Dự thảo giữ nguyên mức 300 triệu đồng từ quyết định 20/2013. Mặt khác, theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375 triệu đồng, cao hơn mức quy định tại dự thảo quyết định). Tuy nhiên, nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên 400 triệu đồng thì sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF. Do đó, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giữ nguyên mức giá trị như quy định tại quyết định số 20/2013 để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu khuyến nghị của FATF. Theo Tuổi Trẻ Online