Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị trong trong văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Xây dựng. Cụ thể, HoREA cho biết trong 17 năm qua, Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM (HOF) đã hỗ trợ khoảng 5.500 lượt vay vốn ưu đãi để mua nhà ở, với khoản vay những năm đầu chỉ 400 triệu đồng và được điều chỉnh tăng lên qua các năm. Khoản vay 900 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị căn hộ với lãi suất vay ưu đãi 4,7%/năm trong 20 năm. Hiệp hội cho rằng cách làm trên không quy định mức giá mua căn nhà được hỗ trợ vốn và lãi suất ưu đãi nên có thể bao gồm cả trường hợp mua nhà giá trị cao. Theo HoREA, chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua căn nhà đầu tiên là chính sách đã được nhiều nước áp dụng nhưng chưa được quy định trong Luật Nhà ở của Việt Nam. Do đó, hiệp hội đề nghị xem xét bổ sung vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi trong 10-20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên là căn hộ có mức giá không quá 2 tỷ đồng. Điều kiện hỗ trợ lãi suất mà HoREA đưa ra là mua nhà với giá trị không quá 2 tỷ đồng/căn. Ảnh: Quỳnh Danh. HoREA đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu cách làm sáng tạo của TP.HCM – đã hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 4,7%/năm trong 20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên. Cuối năm 2022, HoREA từng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét một số chính sách ngắn hạn hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà. Cụ thể, hiệp hội đề nghị NHNN trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá không quá 1,8-2 tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 2%/năm hoặc với lãi suất hợp lý do NHNN quy định. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc, lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Ngoài ra, hiệp hội cũng đề xuất bổ sung quy định UBND cấp tỉnh “trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn” và xem xét “trích một phần lợi nhuận của hoạt động xổ số kiến thiết” để phát triển nhà ở xã hội. Theo HoREA, các tỉnh, thành phố đều có các cụm công nghiệp với nhiều xí nghiệp tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, một số địa phương còn có các doanh nghiệp lớn nằm ngoài khu công nghiệp. Điển hình là Công ty Giày Pou Yuen (quận Bình Tân, TP.HCM) có diện tích lên đến khoảng 100 ha, tương đương một khu công nghiệp với khoảng 100.000 công nhân lao động, đa số là người ngoại tỉnh, phải thuê phòng trọ ở các tỉnh lân cận. Vì vậy, rất cần thiết bổ sung loại hình “nhà lưu trú công nhân phục vụ lưu trú của cụm công nghiệp” và “nhà lưu trú công nhân phục vụ lưu trú của doanh nghiệp có quy mô lớn nằm ngoài khu công nghiệp” vào khoản 8 Điều 3 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo Zing News