Nhận biết thủ đoạn lừa đảo vay vốn mới


Gần đây, trên phạm vi toàn quốc xuất hiện một số đối tượng có hành vi giả mạo, tự xưng là cán bộ thẩm định khoản vay và chăm sóc khách hàng của các ngân hàng, lợi dung tâm lý cả tin, cần vay tiền của người dân trong thời điểm kinh tế khó khăn chịu tác động của dịch Covid-19 để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo mới, chiếm đoạt tài sản thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay từ ngân hàng.

Đại diện Techcombank khẳng định: Techcombank không có dịch vụ thanh lý hồ sơ cho vay, đây là quảng cáo giả mạo. Quy trình vay vốn luôn được Ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng cần gặp gỡ trực tiếp với Ngân hàng để ký nộp hồ sơ vay vốn và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng để được giải ngân theo quy định.

Một trong những yếu tố cần đặc biệt lưu ý để tránh bị kẻ gian tiếp cận, lừa đảo là chủ động bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân: Không đặt lòng tin vào các loại hình quảng cáo cho vay nóng, bán hồ sơ vay vốn, thanh lý hồ sơ vay vốn, được quảng bá là nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong này thông qua các trang mạng, mạng xã hội, các ứng dụng chat Zalo hoặc qua bất cứ trung gian nào.

Hình thức phổ biến các đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng

để lừa đảo cung cấp khoản vay

Bước 1 – Lấy lòng tin

Các đối tượng quảng cáo trá hình trên mạng xã hội hoặc Zalo về các loại hình cho vay từ Ngân hàng với thủ tục dễ dàng, giải ngân nhanh chóng. Khi người dân có nhu cầu và liên lạc, các đối tượng này mạo danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ và tạo lòng tin bằng cách gửi thẻ tự chế, giả mạo nhân viên thẩm định hoặc chăm sóc khách hàng của Ngân hàng.

Bước 2 – Lừa đảo bằng hồ sơ ảo

Đối tượng hướng dẫn người dân chỉ cần chuyển thông tin chứng minh nhân dân/hoặc căn cước công dân và thông tin hộ khẩu qua Zalo để được phê duyệt khoản vay, chủ yếu là các hạn mức nhỏ. Đối tượng sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay.

Bước 3 – Chiếm đoạt tiền

Đối tượng yêu cầu người dân, để nhận được khoản vay, cần nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp. Sau khi nhận được tiền, đối tượng chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân…

Vì vậy, khách hàng không nên liên lạc qua những lời mời chào khoản vay vốn từ các quảng cáo qua mạng. Đây hoàn toàn có thể là đối tượng lừa đảo. Khi cần vay vốn khách hàng có thể liên lạc trực tiếp với ngân hàng thông qua các kênh thông tin chính thức như Website, số Hotline của ngân hàng hoặc tại chi nhánh/phòng giao dịch khi có nhu cầu vay vốn.

Quy trình vay vốn tại ngân hàng là công khai và minh bạch, tất cả các bước về thẩm định, ký hồ sơ giấy tờ, ký giải ngân đều được thực hiện trực tiếp với chuyên viên tại chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng.

Đặc biệt khách hàng không cung cấp thông tin của cá nhân, số chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu… cho người lạ, hoặc bên thứ ba qua mạng, qua điện thoại kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng… để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.

Cần bảo mật tuyệt đối thông tin cá nhân, nâng cao ý thức bảo vệ thông tin giao dịch ngân hàng trên mạng xã hội và Zalo.

Từ thực tế các vụ lừa đảo cho thấy, kẻ gian có thể lợi dụng những thông tin cá nhân mà người dân đưa thông tin lên mạng xã hội, đặc biệt là những giao dịch bán hàng online, số điện thoại vì sẽ tạo điều kiện cho lừa đảo.

Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo nhưng thực tế vẫn có người bị lừa khi kẻ gian giả mạo là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…yêu cầu người dân cung cấp thông tin các nhân hoặc chuyển tiền.

Do đó trước khi tiến hành bất cứ giao dịch nào khách hàng cần tiến hành xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch.Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng để được phối hợp điều tra làm rõ vụ việc và truy tìm đối tượng lừa đảo và báo cho Ngân hàng để phối hợp xử lý kịp thời.


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: