TP.HCM đang siết chặt các biện pháp cần thiết với chợ truyền thống để ngăn chặn dịch bệnh, khiến thói quen mua sắm bị đảo lộn, giá cả nhiều mặt hàng biến động. Sáng 28/6, tại một số chợ ở TP.HCM như: Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), Xóm Chiếu (quận 4)… lượng khách hàng đến chợ giảm mạnh so với trước. Theo ghi nhận, giá các loại thịt tại chợ giữ mức ổn định, tuy nhiên mặt hàng rau, củ quả lại tăng giá mạnh. Cụ thể, giá rau cải xanh, cải ngọt ở mức 20.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6; dưa leo lên 30.000-35.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; đậu cove giá 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; rau mùng tơi 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; cà chua Đà Lạt 25.000-30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg… Trong khi đó, thịt heo tại chợ có giá ổn định. Sườn non 150.000-170.000 đồng/kg, ba rọi 120.000-130.000 đồng/kg, nạc vai có giá 110.000-125.000 đồng/kg… Một số loại rau, củ tăng giá mạnh. Ảnh: Chí Hùng. Chi phí tăng Chị Lan, tiểu thương kinh doanh rau, củ tại chợ Xóm Chiếu cho biết do dịch bệnh nên vận chuyển khó khăn, tài xế chở hàng về đều bị cách ly khiến chi phí thuê xe cao hơn, hàng hóa vì thế đều tăng cộng thêm nhiều chợ bị đóng cửa, lượng mua dồn về đây, nhất là mặt hàng rau xanh vốn được dùng hàng ngày dẫn đến giá tăng cao. Trao đổi với Zing, ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết số lượng rau, củ quả Lâm Đồng cung cấp về thị trường TP.HCM chủ yếu ở chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Thủ Đức, còn chợ Hóc Môn chỉ chiếm số lượng ít nên việc đóng cửa tạm thời đầu mối này không gây ảnh hưởng. “Việc đóng cửa chợ đầu mối Hóc Môn không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung rau, củ từ Lâm Đồng về thành phố. Hiện lượng nông sản về TP.HCM vẫn ổn định”, ông nói. Tại một số chợ xuất hiện ca nhiễm, hoặc trong khu vực có diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng siết chặt công tác phòng dịch, bố trí lại hoạt động chợ truyền thống khiến lượng khách hàng đến chợ giảm hẳn so với trước. Rau xanh là mặt hàng không thể mua tích trữ nhiều ngày vì sẽ bị dập, thối hỏng. Ảnh: Chí Hùng. Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, hiện 800 hộ kinh doanh chỉ còn khoảng 20-30 quầy hàng gồm bò, gà, heo và trái cây được phép kinh doanh. Toàn bộ 4 lối vào chợ hiện đã được rào lại, chỉ còn 2 lối ra vào yêu cầu khai báo y tế bắt buộc, đo nhiệt độ và xịt khử khuẩn. Ban quản lý chợ cho biết từ khi giảm gian hàng buôn bán, lượng khách ra vào giảm mạnh. “Ngoài đo thân nhiệt, chúng tôi yêu cầu người dân vào chợ cũng phải khai báo y tế để sàng lọc đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh”, đại diện Ban quản lý chợ cho hay. Việc đóng cửa chợ đầu mối Hóc Môn không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung rau, củ từ Lâm Đồng về thành phố – Ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng “Lượng khách đến mua thịt heo 3 ngày nay giảm khoảng 70-80%. Người đi chợ thường mua đồ tích trữ sẵn cả tuần nên người mua giảm rõ rệt. Lượng thịt hôm nay tôi lấy vào giảm còn 1/3 mà đến 11h trưa vẫn như còn nguyên”, một tiểu thương bán thịt heo tại chợ nói. Theo tiểu thương này, việc nhập thịt heo vẫn thuận lợi khi chợ đầu mối Hóc Môn tạm nghỉ, bởi chị chuyển sang nhập thịt ở mối sỉ khác. Tương tự, các chợ khác cũng thực hiện việc giãn cách nghiêm ngặt. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Xóm Chiếu (quận 4), Tân Định (quận 1)… đều yêu cầu khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, một số cửa hàng được giăng dây để giữ khoảng cách giữa người bán và người mua. Bà Nhàn (quận Bình Thạnh) cho rằng thói quen từ xưa đến nay của bà đều đi chợ mua rau, thịt cá tươi thay vì vào siêu thị. “Bình thường ngày nào tôi cũng đi chợ nhưng nay dịch bệnh, chợ đông người qua lại nên một lần đi mua cho 2, 3 ngày”, bà chia sẻ. Tăng cường điều tiết tránh đứt gãy Chiều 27/6, Sở Công Thương TP.HCM đã có phương án điều tiết hàng hóa tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo đó, Sở điều chuyển hàng hóa trực tiếp từ các tỉnh, thành vùng nguyên liệu dự kiến cung ứng cho chợ đầu mối Hóc Môn sang các chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức. Tăng năng lực tiếp nhận và phân phối hàng hóa của chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức nhằm thay thế nguồn cung tạm thời giảm sút do chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, thực hiện chương trình bán hàng lưu động nhằm cung cấp hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trên địa bàn. Ngoài ra, Sở chỉ đạo tăng cường nguồn cung từ các hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường để bổ sung nguồn hàng hóa tạm thời bị giảm. Nghiên cứu phương án giao hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống hoặc tổ chức các điểm bán buôn với giá sỉ để phân phối, cung ứng hàng hóa cho tiểu thương chợ truyền thống. Cơ quan chức năng đang gấp rút triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa cho TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. Xây dựng phương án tiếp nhận và phân phối hàng hóa đột xuất trong trường hợp hàng từ chợ đầu mối chưa thể phân phối kịp thời đến các chợ truyền thống, các điểm bán. TP.HCM hiện có 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi. Tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng hàng về chợ đạt khoảng 2.175 tấn/đêm, trong đó thịt gia súc đạt khoảng 175 tấn, 1.100 tấn rau củ quả và 900 tấn thủy hải sản. Chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau củ quả và trái cây các loại dao động ở mức 3.300-3.500 tấn/đêm. Lượng hàng về chợ đầu mối Hóc Môn trung bình trước dịch khoảng 2.600- 2.700 tấn/đêm, gồm thịt gia súc, rau củ quả, trái cây, được cung cấp cho các chợ truyền thống, các khu công nghiệp, siêu thị thuộc TP.HCM các tỉnh lân cận. Tổng lượng hàng tại 3 chợ đầu mối tại TP.HCM đáp ứng 70% thị trường thành phố. Hiện TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động chợ đầu mối Hóc Môn 7 ngày và tạm ngưng một số gian hàng trong chợ đầu mối Bình Điền. Nhiều chợ truyền thống liên quan đến ca nhiễm Covid-19 như: Hòa Hưng (quận 10), chợ Thái Bình (quận 1), Nguyễn Tri Phương (quận 6), Phạm Thế Hiển (quận 8), Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), Sơn Kỳ (quận Tân Phú)… cũng đã tạm ngưng kinh doanh. Theo Zing News