Sáng 19.3, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã họp báo công bố kết quả ca ghép tim đầu tiên chuyển tạng xuyên Việt từ Bắc vào Nam và ca ghép thận chuyển tạng xuyên Việt đã thành công. Một quả tim, một quả thận của người chết não hiến tặng được vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM đã hồi sinh hai cuộc đời khác. Hiện cả hai bệnh nhân được ghép tạng đã hồi phục sức khỏe và có thể xuất viện. 8 người trong một gia đình ở Sài Gòn cùng đăng ký hiến tạng Người Sài Gòn gọi nhau đi hiến tạng Cuộc gọi lúc nửa đêm Đêm 24/2, cuộc gọi từ Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia (Hà Nội) đến Trung tâm Điều phối ghép bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), một người đàn ông 45 tuổi chết não sẽ hiến tặng quả tim cho một bệnh nhân trong danh sách chờ. Bệnh nhân chờ ghép tim là một chàng trai 29 tuổi, mắc bệnh tim giãn nở, chỉ có thay tim mới tiếp tục sống. Trước đó, anh cũng được gọi hai lần để ghép tim từ người chết não. Nhưng vì quá nghèo, chàng trai đành lỡ hẹn giấc mơ tiếp tục sự sống. Sáng 25/2, Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép bộ phận cơ thể người, hội kiến với PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, bàn về kế hoạch nhận món quà từ Hà Nội. Phương án thay thế một bệnh nhân khác đã có kế hoạch, nhưng hai vị bác sĩ có chút băn khoăn khi chàng trai còn quá trẻ, cơ hội đã đến, vấn đề vướng mắc cuối cùng chỉ là tiền. “Anh Sơn bảo với tôi, thôi cứ ghép cho cậu ấy đi, tiền không có thì mình tính sau, đi xin mạnh thường quân chứ chàng trai còn quá trẻ, tiếc cho một cuộc đời dài phía trước”, bác sĩ Thu nhớ lại. Phương án ghép tim đã thống nhất, đầu cầu Hà Nội gọi vào Chợ Rẫy yêu cầu đưa gấp bệnh nhân lên máy bay để ra Việt Đức ghép tim. “Bệnh nhân nghèo, ra Hà Nội rồi tiền đâu ăn ở, chi phí đi lại, ghép xong còn phải uống thuốc thì bệnh nhân tiền đâu chi trả. Chúng tôi lại tiếp tục thuyết phục ê-kíp Hà Nội vào TP.HCM ghép để tiết kiệm chi phí, coi như công sức bác sĩ ở đây làm để giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân”, Tiến sĩ Thu chia sẻ. Cái gật đầu từ ê-kíp Hà Nội đồng nghĩa với việc bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy nhận nhiệm vụ vượt nghìn cây số vận chuyển quả tim để ghép cho bệnh nhân. Sáng 26/2, một đoàn chuyên gia ghép tim sẽ vào TP.HCM để chuẩn bị cuộc ghép chiều cùng ngày. Mọi chuyện tưởng chừng thuận lợi, thử thách lại bắt đầu. Các chuyên gia dự định sẽ bay ra Hà Nội ngày 25 nhưng không có vé về ngày 26 để mang quả tim về TP.HCM. Quả tim chỉ có thể bảo quản được 6 tiếng tính từ lúc lấy ra khỏi lồng ngực người cho đến khi ghép vào người nhận. Bằng mọi giá phải đem món quà thiêng liêng ghép cho bệnh nhân ở Sài Gòn, đoàn hộ tống bàn phương án ra Hà Nội cho kịp hội chẩn lúc 16h rồi tính đến chuyện “săn vé” khẩn cấp để đưa quả tim về Sài Gòn sau. Mờ sáng, chàng trai từ Tiền Giang xuất phát lên Sài Gòn chuẩn bị ca ghép. 11h ngày 25/2, bệnh nhân vẫn chưa có mặt tại Chợ Rẫy, mọi người đang chờ lấy máu để đem ra Hà Nội xét nghiệm với người cho. Trong khi đó, 14h30, chuyến bay chở đoàn vận chuyển tạng ra Hà Nội sẽ xuất phát. Lúc 14h, hai lọ máu của bệnh nhân kịp chuyển tới sân bay để đem ra Hà Nội làm máu chéo. Nếu chậm một phút, chàng trai sẽ mất cơ hội ghép tim. Chàng trai may mắn nhận được quả tim từ người đàn ông chết não. Ảnh: Phan Nhơn Món quà bất ngờ! 15h chiều 25/2, lãnh đạo Trung tâm Điều phối tạng quốc gia tiếp tục gọi vào Bệnh viện Chợ Rẫy báo bệnh viện được nhận thêm một quả thận từ người cho. “Chúng tôi đang tất bật cho ca ghép tim thì biết được tặng thêm quả thận. Ghép thận là việc thường quy nên cũng không khó khăn, việc quan trọng là điều phối nhịp nhàng hai ca ghép tim, thận một cách suôn sẻ”, bác sĩ Thu tâm sự. Lúc này, danh sách chờ có 12 người, 3 người được chọn, trong đó cô sinh viên 25 tuổi quê Ninh Thuận có chỉ số (HLA) hòa hợp với người cho nhất. Nhân viên điều phối lập tức liên lạc với gia đình cô gái, yêu cầu phải ngay lập tức vào TP.HCM làm lại xét nghiệm chuẩn bị ca ghép. Từ Ninh Thuận vào Sài Gòn mất 6 tiếng, có mặt tại Chợ Rẫy lúc 1h sáng, cô gái mới cho hay hơn một tuần qua mình vừa bị cảm. Điều đó tưởng chừng khép lại mọi cánh cửa tìm lại sự sống của nữ bệnh nhân vì cô có mang virus nên không thể nào ghép thận. Theo nguyên tắc, cô gái sẽ rời khỏi danh sách ưu tiên số một ghép thận, song nhìn cô còn quá trẻ, bác sĩ có chút băn khoăn. “Thôi thì chờ ngày mai thôi, nếu xét nghiệm có kháng thể chống lại với kháng thể người cho, chúng tôi sẽ chọn một người khác trên 40 tuổi nằm ở vị trí ưu tiên ghép số 2”, bác sĩ Thu nhớ lại. 8h ngày 26/2, đoàn chuyên gia ghép tim từ Hà Nội bay vào đem theo 2 lọ máu người cho để xét nghiệm hòa hợp lần cuối với người nhận lần cuối. Điều kì diệu, cô gái có chỉ số hòa hợp (HLA) lên đến 50%, gần như giống với người trong gia đình người cho và không có kháng thể chống lại. 25 phút ghép tim Để ca ghép được thành công, 2 đầu cầu phải tuân thủ theo hướng dẫn của điều phối, mọi thao tác khâu chuẩn bị phải nhịp nhàng, vì một giây, một khắc là vàng đối với bệnh nhân. 12h ngày 26/2, tiến sĩ Thu thông báo Hà Nội sẽ đưa quả tim ra khỏi lồng ngực người cho vào 12h25, ê-kíp ghép của Bệnh viện Chợ Rẫy phải canh thời khắc lấy quả tim yếu ớt ra khỏi người nhận để chuẩn bị tiến hành nhận quả tim từ Hà Nội. Chiếc thùng đựng quả tim được vận chuyển bằng xe cấp cứu có xe cảnh sát hộ tống thẳng ra sân bay Nội Bài và kịp cất cánh vào lúc 14h. Quả tim từ lúc lấy ra khỏi lồng ngực đến khi vận chuyển về Sài Gòn mất 5 tiếng và chỉ còn bảo quản được một tiếng nữa. Lúc này, toàn bộ Bệnh viện Chợ Rẫy đang nín thở chờ món quà vô giá đến đúng hẹn. PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, đã đứng lặng người khi chiếc xe cấp cứu mang quả tim cập bến thành công. 16h35, chiếc xe mang quả tim từ Tân Sơn Nhất về Chợ Rẫy và được đưa thẳng vào phòng ghép. Bác sĩ đã hoàn thành việc ghép quả tim cho chàng trai Tiền Giang chỉ với 25 phút. “Ở nước ngoài người ta chỉ vận chuyển quả tim chỉ trong vòng bán kính 500 km, còn mình phải vượt hơn 1.700 km để chuyển quả tim. Nếu sơ xuất, máy bay trễ giờ, món quà kia sẽ đổ sông đổ biển”, bác sĩ Thu chia sẻ. Trong lúc quả tim đã được đặt gọn gàng vào lồng ngực người nhận, chuyến bay mang quả thận cũng kịp về Sài Gòn. 19h, cô gái được đưa vào phòng mổ, 21h ca mổ ghép thành công. Hai ca ghép thành công, hai con người được cứu sống, hai gia đình được đón niềm hạnh phúc từ sự diệu kỳ của lòng nhân đạo. Bà Phạm Thị Thanh Lam, mẹ cô gái được ghép thận chia sẻ: “Điều kỳ diệu đã đến với con gái tôi”. Tiếng nói lắp bắp, cánh tay đưa lên gạt những dòng nước mắt hạnh phúc trực trào dâng, bà mẹ nghẹn ngào không nói nên lời. Kể từ đây đứa con gái của bà đã được cải tử hoàn sinh. Ông Nguyễn Văn Tuấn, cha của chàng trai ghép tim, một người nông dân đặc giọng miền Tây, xúc động nói: “Cảm ơn bác sĩ, cảm ơn mọi người. Hãy cho tôi biết gia đình người cho, để một lần thôi, chúng tôi sẽ đến cảm ơn họ đã cứu sống con trai tôi”. 2SaiGon TH