Có những cây cầu “huyết mạch” kết nối vào trung tâm TP.HCM nhưng đã có tuổi đời ít nhất nửa thế kỉ, đã xuống cấp nặng nhưng người dân phải đi qua mỗi ngày. Nhiều người còn chỉ dám dắt xe khi qua cầu. Ở TP.HCM hiện có nhiều cây cầu sắt đã xây dựng cách đây ít nhất nửa thế kỉ hoặc cả trăm năm như cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh), cầu Rạch Đỉa, Rạch Dơi, Rạch Tôm (huyện Nhà Bè)… và nay đã xuống cấp trầm trọng. Trên tuyến đường Lê Văn Lương, con đường huyết mạch nối Long An, huyện Nhà Bè vào trung tâm thành phố có 4 cây cầu sắt thường xuyên là nỗi ám ảnh của người đi đường mỗi khi đi qua. Đó là cầu Rạch Đỉa, Rạch Tôm, Rạch Rơi và cầu Long Kiểng. Trong ảnh là cây cầu Rạch Đỉa, nối quận 8 với xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) có tuổi đời cả nửa thế kỉ. Cầu xây dựng bằng sắt nên theo thời gian, gần như toàn bộ kết cấu sắt trên cầu đã hoen rỉ. Nặng nề nhất vẫn là ở phần gầm cầu. Dễ dàng nhìn thấy những mối nối các thanh sắt ở gầm đã hoen rỉ rất nặng. Nhiều bộ phận của cầu như thanh sắt, ốc vít bị mục nát và không có ốc vít thay thế nên còn được gia cố bằng dây thép cũ kĩ. Nhiều đoạn giữa thành cầu và mặt cầu còn không có ốc vít giữa các mối nối. Dưới các trụ cầu cũng xuống cấp, lớp bê tông bong tróc, nứt nẻ lòi cả thép ra ngoài. Dây cáp điện ở hai bên thành cầu chằng chịt, ngổn ngang. Cây cầu khá nhỏ, chỉ lọt khoảng 3 chiếc xe máy và thường xuyên có xe tải trọng lớn qua cầu. Mỗi lần xe máy, ô tô di chuyển qua, mặt cầu lại rung lắc mạnh khiến nhiều người cảm giác bất an, lo sợ. Trong khi đó, trời mưa thì mặt cầu trở nên trơn trượt, dễ ngã. Đầu tháng 7, một chiếc xà lan chở cát nặng 500 tấn đã đâm vào nhịp chính giữa của cầu Rạch Đỉa khiến sà lan chở cát chìm hẳn xuống sông. Thành cầu bị hư hỏng. Hệ thống ống dẫn nước chạy dọc thân cầu cũng bị ảnh hưởng. Tương tự, cầu Phước Kiểng trên đường Lê Văn Lương cũng trong tình trạng tương tự như cầu Rạch Đỉa. Ngoài cảnh cũ kĩ, sắt hoen rỉ thì dễ dàng nhìn thấy những mấu nối các tấm sắt đã bị long ra. Dưới gầm cầu là những thanh sắt mục nát. Còn ở cầu Rạch Tôm (thuộc địa bàn xã Nhơn Đức). Người điều khiển phương tiện qua đây không tránh khỏi cảm giác lo lắng, sợ hãi vì cầu xuống cấp, rung lắc dữ dội. Nhiều người già đi xe đạp chỉ dám dắt bộ qua cầu vì cầu hẹp và sợ xe lớn va quẹt phải. Và nhiều tấm sắt ở cầu Rạch Tôm đã bị gãy do quá cũ. Thậm chí, mối nối giữa thành và trụ cầu Rạch Tôm thay vì bắt ốc vít thì còn được buộc bằng dây thừng, dây kẽm. Nhiều người dân sống ở khu vực này ngao ngán nhận xét, giữa một thành phố lớn mà vẫn tồn tại những cây cầu sắt như thế là không thể chấp nhận được vì nó thua cả ở vùng quê, từ đó làm cản trở sự giao thương, phát triển kinh tế. Hiện Sở GTVT đang trình, chờ thành phố phê duyệt và trong năm 2016 sẽ khởi công xây dựng mới cầu Rạch Đỉa 1, cầu Long Kiểng với kinh phí 906 tỉ đồng. Trong khi đó, cây Cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) được xây dựng năm 1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu được kết cấu vòm thép, có đường ray xe lửa, và đường phụ cho xe máy lưu thông 2 chiều. Cây cầu này là huyết mạch giao thông của thành phố, vừa cho tàu hỏa và cả người đi xe máy qua. Nhưng sau sự cố sập cầu Ghềnh (Biên Hòa), để đảm bảo an toàn thì lối đi phụ cho xe máy lưu thông hai chiều đã bị đóng lại. Đây là điều hợp lý khi nhìn vào lối đi cho xe máy với những tấm thép hoen rỉ, được chắp vá chằng chịt khiến ai đi qua cũng ớn. Nhiều đoạn sắt thép bị hư hỏng, ăn mòn nghiêm trọng, gia cố bằng gỗ nhưng gỗ cũng bị mục, mối mọt ăn. Mặt cầu bị thủng nhiều chỗ, từng mảng sắt đang chuẩn bị rơi rụng. Nhiều phần đã bị ăn mòn đến lủng, các kết cấu sắt thép hoen rỉ. Hiện tại, nhờ có cầu Bình Lợi mới được xây dựng nên đã giảm tải rất nhiều gánh nặng lưu thông qua cầu Bình Lợi. Ngoài ra dự án xây dựng cầu Bình Lợi mới cho tuyến đường sắt Bắc – Nam đang được triển khai. Dự kiến cầu Bình Lợi mới nằm cách cầu sắt Bình Lợi hiện hữu khoảng 200m và sau khi hoàn thành cầu mới, tuyến đường sắt từ ga Bình Triệu (Q.Thủ Đức) về ga Sài Gòn (Q.3) sẽ lưu thông trên cầu này và tháo dỡ cầu cũ. Theo Thu Hương/Trí thức trẻ