Mất tiền tài khoản vì tưởng ngân hàng gửi tin thông báo tài khoản bị khóa


Chị L.T (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhận được một tin nhắn trong hộp thư của Vietcombank với nội dung: “VCB Digibank tran trong thong bao. Tai khoan cua quy khach hien tai da bi khoa. Dang nhap www.vcbigmabrnk.com de xac thuc ngay hom nay”. Chị L.T đã nhấp vào vào đường link mở khóa tài khoản thì số tiền 22,7 triệu đồng trong tài khoản bị chuyển đi, mất hết tiền trong tài khoản.

Mất tiền tài khoản vì tưởng ngân hàng gửi tin thông báo tài khoản bị khóa - ảnh 1
Tin nhắn giả mạo chèn vào thư mục Vietcombank

Theo màn hình tin nhắn mà chị L.T chụp lại, nội dung tin nhắn trên nằm trong cùng thư mục nội dung của Vietcombank nên chị L.T mất cảnh giác làm theo. Sau khi đăng nhập đường link trong tin nhắn, điện thoại chị L.T nhận thêm 1 tin nhắn thông báo mã OTP xác thực giao dịch chuyển khoản nhanh qua số tài khoản số tiền 22,7 triệu đồng trên kênh internet của dịch vụ VCB Digibank. Rồi ngay sau đó, một tin nhắn thông báo số tiền trên đã được chuyển đi vào tài khoản của Le Huu Tuy. Chị L.T đăng thông tin lên mạng xã hội hỏi: “Có phải em bị lừa rồi không ạ?. Nếu lừa sao là số của Vietcombank gửi về ạ? Và em có khả năng lấy lại số tiền này không?”. Nhiều người đã vào chia sẻ với chị L.T cũng có nhận những tin nhắn với nội dung như trên nhưng không đăng nhập vào đường link đính kèm, khả năng chị L.T đã bị lừa mất số tiền trên cũng như chia sẻ những hình ảnh ngân hàng đã liên tục cảnh báo hình thức này và không nên nên đăng nhập các đường link.

Mất tiền tài khoản vì tưởng ngân hàng gửi tin thông báo tài khoản bị khóa - ảnh 2
Khách hàng thận trọng khi nhận được tin nhắn trong hộp thư thương hiệu ngân hàng

Việc chèn tin nhắn vào thư mục ngân hàng để gửi đến số điện thoại của khách hàng không chỉ xảy ra tại Vietcombank mà nhiều ngân hàng khác cũng gặp tình trạng tương tự. VietABank cho biết tin nhắn thương hiệu (SMS Brand name) được các tổ chức, cá nhân đăng ký độc quyền tại các nhà mạng viễn thông và sử dụng làm dịch vụ gửi tin nhắn hàng loạt đến khách hàng. Theo nguyên tắc, khi tin nhắn brand name đã được đăng ký tại các nhà mạng thì các tổ chức, cá nhân khác không được phép đăng ký trùng tên thương hiệu. Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo đã thay đổi phương thức rất tinh vi và hoàn toàn mới, đó là giả mạo tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng. Điều nguy hiểm là các tin nhắn giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu thật của ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng. Do đó khách hàng rất dễ nhầm tưởng đây là thông báo chính thức từ các ngân hàng. Trong nội dung các tin nhắn giả mạo này luôn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo do các đối tượng quản lý. Các trang web này có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng, nên người dân dễ lầm tưởng, mất cảnh giác. Khi người dân truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng và được yêu cầu điền các thông tin như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… Khi có được các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được các hành vi như chuyển khoản, mở thấu chi, topup thẻ tín dụng, đăng ký vay online…

Vietcombank cho biết, hình thức lừa đảo này hiện nay đang bùng phát trở lại, do đó khách hàng cần tuyệt đối không bấm vào bất cứ đường link nào được gửi qua tin nhắn. Từ đầu tháng 1, Vietcombank đã liên tục cảnh báo hình thức lừa đảo giả mạo tin nhắn thương hiệu Vietcombank gửi thông báo về việc tài khoản của khách hàng bị khóa hoặc đăng nhập ở một thiết bị khác, từ đó yêu cầu khách hàng bấm vào đường link để xác thực rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Vietcombank khuyến nghị khách hàng cảnh giác, Vietcombank cũng không gửi tin nhắn kèm theo các đường link yêu cầu khách đăng nhập nên khách hàng tuyệt đối không làm theo.

Theo: Thanh Niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: