Tuy ẩm thực Sài Gòn vô cùng phong phú với hàng trăm món ăn khác nhau nhưng có những món mang đậm hương vị đặc trưng mà bạn nhất định phải trải nghiệm. Và có thể bạn sẽ “nghiện” luôn sau khi thử những món ăn dưới đây đấy! 6 món ăn “thần thánh” của Sài Gòn bạn không thể phớt lờ 8 món ăn bình dân quyến rũ mọi thế hệ học trò Sài Gòn Cơm tấm Một món ăn khá đặc trưng của người Sài Gòn chính là món cơm tấm, nếu bạn bỏ qua món ăn này thì bạn sẽ phải tiếc hùi hụi. Cơm được nấu từ hạt tấm (phần đầu hạt gạo) ăn cùng sườn nướng, bì thính và chả trứng, rưới thêm mỡ hành phía trên ngon lạ thường. Miếng thịt sườn dày, được tẩm ướp gia vị và nướng trên lò than đến khi mềm. Khi ăn, người ta hay rưới thêm nước mắm chua ngọt tạo nên một hương vị đặc trưng không thể lẫn lộn. Cơm tấm thường được mọi người chọn ăn vào buổi sáng nhưng đã có rất nhiều quán cơm tấm đêm xuất hiện để “cứu đói” thói quen đi chơi muộn và ăn khuya của người Sài Gòn. Đi từ xa, chắc chắn bạn sẽ nhận ra ngay một quán cơm tấm nhờ khói nghi ngút và mùi thơm nức từ những miếng sườn còn đang được nướng trên lò. Chỉ mất từ 20k là bạn đã có thể thưởng thức món đặc sản trứ danh này rồi. Dĩa cơm tấm như thế này đã đủ kích thích các bạn chưa? (Instagram @miniviha) Bạn nên đến thử một số quán như cơm tấm 113 Nguyễn Phi Khanh (Quận 1) có thêm món chả cua và nem nướng, cơm tấm 67 Trần Huy Liệu (Quận Phú Nhuận) sử dụng sườn non thay vì sườn cốt lết, cơm tấm Ba Ghiền (Quận Phú Nhuận) với miếng sườn to bằng cả đĩa cơm luôn. Miếng sườn nướng ở quán cơm Ba Ghiền. Bánh mì Ở Sài Gòn, cứ cách một đoạn bạn sẽ gặp một chỗ bán bánh mì. Đây dường như đã trở thành một món ăn không thể thiếu và cực kì tiện lợi. Dù là tiệm nổi tiếng hoặc chỉ đơn giản là xe đẩy hàng rong thì bánh mì vẫn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của người Sài Gòn. Nếu như bạn chỉ mới biết đến bánh mì trứng hoặc bánh mì thịt nướng thì giờ đây bạn có thể chọn đủ loại nhân từ thịt, chả, trứng ốp la quen thuộc cho đến xíu mại, chả cá, heo quay… Thêm một đặc điểm khiến bánh mì Sài Gòn trở nên khác biệt là ngoài lớp pate, người bán sẽ quét thêm một lớp bơ béo ngậy. Bánh mì được ăn kèm với rất nhiều dưa leo, đồ chua và rau ngò. Giá mỗi ổ bánh mì ngập thịt chỉ 10k – 20k mà thôi. Thịt và chả là 2 loại nhân không thể thiếu. Bánh mì “nhân khổng lồ” Huỳnh Hoa (Quận 1) luôn đông nghẹt người xếp hàng hoặc bánh mì bì (hẻm 150 Nguyễn Trãi, Quận 1) ăn cùng nước mắm chua ngọt, bánh mì phá lấu Tiều (Quận 5) là những tiệm được người Sài Gòn rất ưa chuộng. Nhiều người nhận xét 1 ổ bánh mì Huỳnh Hoa có rất nhiều nhân và pate của tiệm khá thơm. Bột chiên Tuy có nguồn gốc từ khu người Hoa (Quận 5) nhưng bột chiên lại là một trong những món ăn rất quen thuộc của người miền Nam. Thông thường, người ta sẽ dùng bột khoai môn xắt vuông, trộn qua nước tương và chiên trên chảo lớn đến khi mặt ngoài vàng giòn. Tiếp đó, trứng sẽ được đập lên phía trên và thêm hành lá, đặc biệt món này càng nhiều hành lá sẽ càng ngon hơn. Bột khoai môn được chiên trong một chảo gang lớn. (Instagram @miss_harder) Bột chiên sau khi chế biến xong có mùi thơm nức mũi của bột khoai môn, trứng và hành lá quyện cùng mùi nước tương dấm cùng đồ chua. Vị béo của bột khoai môn, bùi bùi của trứng và chua chua ngọt ngọt của nước tương sẽ khiến bạn “ngã gục” và nghiện luôn món ăn này đấy! Xe bán bột chiên nào cũng đơn giản thế này thôi. (Instagram @2malweg) Bạn có thể tìm ăn bột chiên ngon ở quán Đạt Thành (Quận 3), xe bột chiên của ông bà cụ ở đường Phùng Khắc Khoan (Quận 1), quán 187 Nguyễn Kim (Quận 10) với đĩa bột chiên to ụ hay quán bột chiên khoai môn ở chợ Phú Nhuận… Ốc Dù không phải là thành phố biển nhưng nhắc đến các món ốc, người ta lại nghĩ ngay đến Sài Gòn. Nếu lần đầu tiên đặt chân đến một quán ốc, đảm bảo bạn sẽ bị choáng ngợp với hơn 20 loại ốc mà mỗi loại lại có nhiều kiểu chế biến khác nhau như xào me, hấp Thái, luộc, xào tỏi, xào rau muống… Mỗi quán ốc lại đặc trưng một vị riêng, có quán sử dụng nhiều nước cốt dừa béo ngậy, có quán lại chế biến khá cay, quán thì lại thơm nức mùi sả… Ốc Sài Gòn có rất nhiều loại. (Instagram @thanhtinhhuynh) Đi ăn ốc cũng là một trong những lựa chọn hàng đầu mỗi khi tụ họp bạn bè bởi một mình bạn không thể ăn hết tất cả các loại ốc đâu. Và chắc chắn bạn phải đi lại lần 2, lần 3 để có thể thưởng thức được hết hương vị đặc trưng của mỗi loại ốc. Đây không chỉ là món ăn được các bạn sinh viên lựa chọn mà cả giới văn phòng cũng “nghiện” luôn. Bạn chỉ tốn từ 20k – 50k cho một dĩa to ụ để nhâm nhi cùng bạn bè ở các quán ốc bình dân rồi! Quán ốc tô “huyền thoại” khu Xóm Chiếu (Quận 4), ốc Như trong hẻm trên đường Điện Biên Phủ, các quán ốc khu Thành Thái (Quận 10)… là những địa điểm bạn nên rủ rê “đồng bọn” thử qua một lần nhé. Hủ tiếu Hủ tiếu cũng là một trong những món ăn đậm chất Sài Gòn không thua kém gì cơm tấm hay bánh mì. Khác với bún hay phở, sợi hủ tiếu khá nhỏ, dai dai giòn giòn. Nếu lúc trước, món hủ tiếu chỉ ăn cùng thịt miếng và thịt bằm thì giờ đây, hàng loạt các món khác đã được bổ sung vào như tôm, gan, trứng cút, mực… Mọi người thường ăn hủ tiếu và buổi sáng hoặc tối, ít khi ăn buổi trưa. Hủ tiếu nước. (Instagram @patuan_89) Hủ tiếu khô. (Instagram @valeri_n) Hủ tiếu cũng có 2 cách ăn để bạn lựa chọn. Những người thích ăn nóng và nhanh gọn thì sẽ ăn hủ tiếu nước còn những người thích thưởng thức từ từ, chậm rãi sẽ ăn hủ tiếu khô, đương nhiên là sẽ có chén nước súp ngập giá hẹ kèm theo rồi. Tỏi phi thơm nức mũi sẽ được rắc thêm vào tô hủ tiếu để tạo nên sự đặc biệt cho món ăn. Hủ tiếu Liến Húa, hủ tiếu Nhân Quán, hủ tiếu nam vang Quỳnh… là những quán khá đắt khách và được mở rộng ra rất nhiều chi nhánh. Giá mỗi tô hủ tiếu chỉ từ 30k – 40k mà thôi. Hủ tiếu Sài Gòn có rất nhiều thành phần phong phú. (Instagram @theblogofsalt) Theo xonefm