Có gì đâu mấy cục bột hình quân cờ, deo dẻo giòn giòn, thêm cái hột gà đỏ au, chút hành lá và đồ chua, vậy mà 43 năm qua, xe bột chiên của bà Kim Ngọc trong hẻm Cheo Leo cứ khiến người ta nhớ hoài khôn nguôi. 250 món ngon 3 miền tại Liên hoan Ẩm thực Phương Nam Du lịch Sài Gòn nhớ ghé 5 con đường ẩm thực không lúc nào vắng khách này nhé Cái thời các món ẩm thực thịnh hành nhứt ở Sài Gòn là những món Tàu, từ nhà hàng sang trọng chuyên cả món Tây nhưng theo công thức Tàu, cho đến những quán cóc, xe kiếng, kéo dài tận vùng Chợ Lớn cho đến khu trung tâm thành đô, nơi những ông chú bà cô “xì thẩu” đảo cái chảo oai vệ bên nồi nước lèo sùng sục, làm nên bức họa đồ ẩm thực đa chủng của Sài Gòn, thì dĩa bột chiên “thần thánh” tuổi thơ là thứ khiến tôi nhớ nhất, khi ăn cùng với bè bạn. Tôi còn nhớ có một lần, cậu bạn hồi học chung cấp hai, giờ đang sống ở nước ngoài, chợt thốt lên khi hai đứa đang tán gẫu trong một năm nào đó rằng: “Mày biết không, món ăn tao thèm hoài, nhớ hoài là bột chiên…”. Và tôi cũng bật thốt lên đồng thanh, trong niềm vui hoài niệm con nít “…ở hẻm Cheo Leo”. Xe bột chiên hẻm Cheo Leo là huyền thoại của biết bao nhiêu người, nhất là tụi học trò Sài Gòn trong suốt bốn thập kỷ qua. Rồi tôi và nó đã cùng quay lại ngược dòng thời gian, hồi còn lúc lắc cặp sách tới trường, và những bữa xế cùng nhau, món bình thường nhất vào cuối ngày cũng đủ trở thành một bữa tiệc linh đình thịnh soạn. Một trong những thứ tuyệt nhất hồi đó, và tới tận bây giờ, là món bột chiên của bà Kim Ngọc trong hẻm Cheo Leo. Nhớ hồi đó, chúng tôi vẫn hay giữ thói quen, mỗi chiều học phụ đạo về là phải ghé đây để ăn dĩa bột chiên và ngồi nghe bà Kim Ngọc kể chuyện chia ly mùi mẫn. Với chúng tôi, những người khi đó còn là con nít thì dĩa bột chiên ngon nức nở chính là phần thưởng đắt giá cho một buổi chiều hè, học phụ đạo. Hồi đó, dù nắng ráo hay mưa rào Sài Gòn có lá me bay, chúng tôi vẫn giữ cho mình thói quen réo gọi nhau, hì hục đạp xe đạp tới hẻm Cheo Leo để ăn bằng được một dĩa bột chiên do chính tay bà Kim Ngọc làm. Phải khó khăn lắm, bà Kim Ngọc mới giữ được cái xe bột chiên này từng ấy năm, qua biết bao nhiêu thăng trầm biến cố. Hẻm Cheo Leo là tên gọi thân thuộc của những thị dân Sài Gòn chính gốc dành tặng cho con hẻm nhỏ, cụt lủn cụt lẳn 109 Nguyễn Thiện Thuật ngày nay. Và nhắc tới cái tên hẻm Cheo Leo thì nhớ ngay xe bột chiên của mẹ con bà Kim Ngọc. Hồi đầu năm 2000, mẹ bà đã mất, bà Kim Ngọc cặm cụi bán một mình từ đó tới giờ, thi thoảng có em bà ra bán phụ chút chút. Xe bột chiên của bà Kim Ngọc, cũng giống nhiều xe bột chiên khác quá chừng nhiều trong thành phố này, chỉ là một cái xe kim loại giản đơn với cái chảo gang bèn bẹt, to thật to để đựng một mớ bột đã được cắt hình chữ nhật. Bên cạnh cái chảo lỉnh kỉnh những chồng dĩa trắng phau, chai xì dầu, chai giấm, hũ đu đủ bào ngâm chua và điểm nhấn nhất, chắc có lẽ là hũ tương ớt dầu điều đỏ lè, nhìn thôi là cay xè đầu lưỡi. Mọi thứ thuộc về cái xe này luôn ngăn nắp và sạch sẽ tinh tươm. Tất nhiên bên trong xe có… bà chủ, với dáng người nhỏ, tóc ngắn đậm chất Hoa Kiều, đôi tay lúc nào cũng thoăn thoắt điệu nghệ đảo mớ bột chiên cho khách, thi thoảng lại nhanh tay đập một nhát gọn bâng cho bể đôi cái hột gà, rồi nhẹ nhàng thả xuống để kết dính mớ bột chiên thơm và vàng ruộm. Xong, cũng đôi tay ấy, bà Ngọc thảy vào một nhúm hành lá, đợi tất cả quyện lại thành một khối thì bỏ qua dĩa. Rồi lại tiếp tục lấy chút mỡ heo, chút hành bỏ vào chảo cho nóng xèo xèo, chan vào dĩa bột vừa xong. Vậy là có ngay dĩa bột chiên lừng lẫy đúng chuẩn, ăn kèm với nước sốt gồm đu đủ ngâm, giấm, xì dầu và một chút tương ớt. “Hồi đó, cô thấy mẹ bán thì ra bán phụ, kiểu chơi chơi thôi rồi tự dưng bán thiệt tới giờ luôn”. Theo lời kể của bà Ngọc, mẹ con bà đã đứng bán bột chiên ở hẻm Cheo Leo từ năm 1974, tức là cách đây 43 năm. Khi đó, bà mới vừa tròn 20 tuổi, một cái tuổi thiếu nữ mơ mộng trăng sao. Nhưng có lẽ vì duyên nghề, cái duyên với từng cục bột chiên hình chữ nhật kết nối với nhau bằng trứng gà đã khiến bà trụ lại mà bán hàng đến tận bây giờ. Bà rỉ rả kể, trong một lần tôi ghé thăm gần đây: “Hồi đó, thấy mẹ bán thì cô ra phụ, kiểu chơi chơi thôi, rồi tự dưng bán thiệt tới giờ luôn. Buôn bán thì cũng có nhiều lúc khó khăn, cái món bột chiên này cũng không phải món ăn hằng ngày, nhịn chút cũng chẳng sao, nhưng chịu khó vượt qua thì cũng trụ lại tận bây giờ, thương nghề này hồi nào không hay”. Bà Ngọc bị thoái hóa đốt sống cổ, không nên đứng lâu, cúi nhiều, nhưng nhớ thương những cục bột hình chữ nhật, bà vẫn bán hàng suốt 43 năm nay. Tôi hỏi, giờ lớn tuổi rồi, bà có định một ngày nào đó thôi nhượng cái xe này lại cho người khác để về nhà an hưởng tuổi già hay không, chứ đứng bán hoài sao mà chịu nổi. Bà cười rổn rảng: “Cô năm nay tính ra 63 tuổi rồi mà vẫn còn thích bán con ơi! Chắc cái nghề này nó thấm vô máu, vô thịt mình rồi. Nhiều khi bệnh hay đi du lịch với bạn bè, nghỉ bán một hai bữa, tới chiều là tự động tay chân nó nhớ à. Nhớ thằng nhỏ kế bên nhà, chỉ ăn bột chiên không hành mà lâu lâu quen tay thả nhúm hành vô rồi tự nói mình “chết cha, bỏ hành rồi”. Nhớ em gái tận Thủ Đức lên ăn, lúc nào cũng ăn hai trứng. Nhớ cậu em tập tạ đòi ăn bột chiên với hột vịt chứ nhất định không ăn hột gà… Thấy vậy chứ, ai nhìn vô thấy cực, cô lại thấy vui. Mà cứ vui thì là an hưởng tuổi già rồi còn gì, đúng không con?” Đây là chị gái lặn lội từ tận Thủ Đức lên Quận 3 chỉ để ghé ăn một dĩa bột chiên do chính tay bà Ngọc làm. Một anh khách mối khác đã ăn bột chiên ở đây ngót cũng 20 năm. Nghĩ thấy đúng thiệt. Cái nghề này chắc ăn vô máu, nên bà Kim Ngọc mới làm được dĩa bột chiên lúc nào cũng đầy ắp cái tình và thơm lừng cả một con hẻm nhỏ như vầy, dù tuổi cũng đã qua thời hoa niên. Bột chiên ở đây không những ngon mắt mà còn ngon vị. Bột thì lúc nào cũng mềm dẻo chứ không dai và cứng như nhiều chỗ bây giờ, ăn vào là dậy thơm mùi trứng, mùi hành, thêm chút the thé vị cay của tiêu và tương ớt. Kèm mấy cọng củ cải muối ngâm trong nước sốt có giấm chua, lủm một miếng miệng là nước miếng tứa ra, phải lủm thêm miếng thứ hai, thứ ba. Dám chắc, ai “lỡ chân” sà vào cái ghế cóc ở đây mà ăn dĩa bột chiên là nhớ mãi không quên. Ai “lỡ chân” sà vào cái ghế cóc ở đây mà ăn dĩa bột chiên là nhớ mãi không quên. Mà bà Kim Ngọc cũng đáo để lắm, luôn biết chiều lòng khách. Biết xe bột chiên của mình không có nhạc hay âm thanh hay ho ngoài tiếng kèn xe ngoài đường nên bà dùng “chiêu” kể chuyện. Cứ ai ngồi xuống ăn, lúc không quá bận bịu tay chân thì bà bắc cái ghế ngồi xuống, đủng đỉnh lấy tay khuấy khuấy ly cà phê rồi bắt đầu chuyên mục kể chuyện xưa. Chuyện bà khoái kể nhất là chuyện hai người bạn thời hoa niên của bà. “Hồi còn đi học, cô có nhỏ bạn đẹp lắm, mà mắc cái bệnh suyễn nên hay xỉu giữa chừng, đã vậy còn mít ướt. Có lần, nó quen được anh đẹp trai lắm, sáng nào ảnh cũng chở đi học, nó ôm eo cứng ngắc. Tới trường, thả con nhỏ xuống, ảnh không quên gửi cho nó bịch thuốc để chống xỉu giữa chừng. Thứ “gia vị” làm người ta ăn bột chiên ở đây, nhớ hoài không quên chính là những câu chuyện của bà Ngọc. Trong trường có thằng kia cũng mê nó, nó đẹp mà, rồi thằng đó dắt nó đi cà phê sao đó, rồi “thả dê”. Con nhỏ sợ quá ngất xỉu. Anh bồ biết chuyện, lên tới trường kiếm gặp, đánh cho thằng dê xồm bầm mặt bầm mũi nằm nhà thương. Rồi anh đẹp trai theo ba mẹ chuyển nhà đi đâu mất. Con nhỏ bạn cô khóc quá chừng, xỉu lên xỉu xuống mấy lần. Sau này, khi ảnh về lại thì con nhỏ cũng không còn ở Sài Gòn nữa. Ảnh mới kiếm cô, nói là có gặp thì nhớ nhắc con nhỏ uống thuốc đều đặn coi chừng xỉu. Vậy mà tới giờ hai đứa đó, cô chưa một lần gặp lại”. Một trong những cái duyên của quán bà Ngọc là những chuyện xưa. Lúc đó kể xong bà cười, nhưng cũng hơi buồn vì nghĩ tới chuyện bạn bè hồi đó, giờ tứ tán hết, chẳng mấy khi giao thiệp. Chỉ có bà làm bạn với xe bột chiên hơn bốn chục năm nay, bên mẹ, mà mẹ cũng bỏ bà đi rồi. Tôi ngờ rằng, bà gắn bó với cái xe này, chiều chiều đứng bán bột chiên không chỉ để điềm nhiên hưởng thụ thú vui tuổi sắp già như bà nói đâu, mà có lẽ vì bà muốn giữ chút gì đó kỷ niệm với mẹ mình, người đã cùng bà trải qua biết bao nhiêu buồn vui bên xe bột chiên. Xe bột chiên này, với bà Kim Ngọc là một di vật của mẹ để lại, nên bà không muốn rời xa nó. Bà kể: “Thật ra thì xe bột chiên này với cô cũng như báu vật. Đúng hơn là di vật của mẹ để lại nên cô không muốn xa nó. Từ ngày mẹ cô mất đến nay cũng 17 năm rồi, có lúc, chiều chiều ngồi không, có lúc cô xoay qua định nói chuyện với mẹ, mà nhớ ra mẹ mình đã đi lâu lắm rồi. Cô nhớ mẹ cô hay ngồi cái ghế này nè, những lúc cuối đời, yếu rồi cũng ra ngồi chơi. Giờ không còn mẹ nữa thôi thì cũng giữ thói quen bán bột chiên. Biết đâu, ở chỗ nào đó mẹ thấy cô còn bán, còn theo nghiệp mẹ dẫn dắt thì chắc mẹ cũng vui, con ha”. Ăn bột chiên của bà Kim Ngọc đôi khi không chỉ vì ngon, mà còn vì hoài niệm, hoài niệm một chút gì đó về một thời tuổi thơ. Bà Kim Ngọc vừa nói vừa chỉ chỉ vào chỗ mẹ mình hay ngồi, vẫn với nụ cười nhưng đã nhuốm màu nắng chiều, khắc khoải và hơi buồn. Vui buồn trộn lẫn như bao lần bà kể chuyện cho tôi và lũ bạn nghe, từ nhỏ lớn giờ. Ghé ăn xong hai dĩa bột chiên tôi chào bà Ngọc ra về. Bất thần, trên gương mặt đã bắt đầu nhuốm màu thời gian của người phụ nữ gắn bó với bột chiên 43 năm giữa hẻm Cheo Leo này giãn ra, nở một nụ cười hiền hậu. Ăn bột chiên của bà Kim Ngọc đôi khi không chỉ vì ngon, mà còn vì hoài niệm, hoài niệm một chút gì đó về một thời tuổi thơ. Tôi không tin bà nhận ra tôi, giữa tầng tầng lớp lớp thị dân Sài Gòn là khách của xe bột chiên, suốt bốn thập kỷ. Nhưng tôi tin, một số không hề ít trong chúng tôi, những đứa trẻ đã ám ảnh về dĩa bột chiên “thần thánh”của bà, vẫn trở về đây, ngồi xuống để tìm về những bữa tiệc thịnh soạn ngập tràn vòm miệng tuổi ấu thơ, trong một buổi chiều tan học phụ đạo nào đó, đã trôi xa trong ký ức. Theo afamily