Khoảng 13 giờ chiều, bà Nguyễn Thị Tuyền (52 tuổi, Q.Gò Vấp) bắt đầu dọn hàng ra bán. Bà đội chiếc nón lá cũ, tỉ mẩn xếp từng chiếc bánh ra mâm, giọng nói, phong thái nhẹ nhàng kiểu người xứ Huế. Hơn nửa đời tha phương Xa quê từ năm 18 tuổi, bà Tuyền vào Nam, một mình bươn chải để kiếm kế sinh nhai. Bà kể, thời con gái, bà từng trải qua nhiều khó khăn, vất vả, có những ngày đi làm thuê, chỉ dám ăn cơm thừa, canh cặn để chắt chiu đồng vốn, gửi về nuôi cha mẹ già. Xe bánh Huế của bà Tuyền lúc nào cũng đông khách đến đợi mua. Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà cho biết, sau khi sinh con, bà không còn đủ sức đi làm công nên mở bán các loại Huế. Bánh bèo, bánh đúc, bánh lọc là những món đặc trưng của quê hương bà. Ngày nhỏ, bà hay ngồi cạnh mẹ khi nấu bánh ở quê nên cũng học được vài chiêu, sau này khi bán ở TP.HCM thì được nhiều người yêu thích vì hương vị đặc biệt, không đụng hàng. Xe bánh bèo của “dì bé Tuyền” bán từ đầu giờ chiều đến khi hết. Bà bán chủ yếu cho khách mối lâu năm, người lao động, học sinh, sinh viên… Mỗi phần đầy đủ gồm bánh bèo, bánh đúc cốt dừa, bánh lọc, đậu xanh xay, tôm khô chỉ có giá 10.000 đồng, thêm chả thì 2.500 đồng/cây. “Tôi đi tha phương cũng đã nửa đời, mấy năm liền dịch bệnh khó khăn, gia đình tôi không đủ kinh phí về quê. Mỗi khi nhớ nhà, muốn bỏ hết mà về với xứ sở, tôi lại nghĩ đến các con, nghĩ đến xe bánh gắn bó 20 năm mà tiếp tục cố gắng”, bà Tuyền bộc bạch. Bà Tuyền luôn vui vẻ, niềm nở với khách hàng. [CLIP]: Bà Tuyền bán đã quen nên chỉ mất khoảng 30 giây để chuẩn bị một phần bánh. Bà có rất nhiều khách ruột, có người ăn ở bà từ ngày còn “mang áo rách”, đến nay đã đi xe hơi, ở nhà mới vẫn ghé thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Cẩm Tuyết (38 tuổi, Q.Phú Nhuận), một khách hàng thân quen chia sẻ, hồi mẹ chị còn sống, chị hay cùng mẹ đến quán bà Tuyền. “Từ ngày mẹ đi, đã có một khoảng thời gian tôi không dám lại đây ăn vì sợ sẽ nhớ chuyện cũ. Bà Tuyền biết nên cũng thương tôi, mãi sau này khi thấy tôi ghé lại, bà động viên, an ủi hệt như một người mẹ. Bánh bèo của bà có tiếng khu này, vừa rẻ vừa ngon, thời nay tìm đâu hộp 10.000 mà chất lượng như thế”, chị Tuyết nói. Quen với cái khổ Vợ chồng bà có hai người con trai, hiện đã vào đại học, có công việc làm thêm, đỡ đần cho bố mẹ. Mong con có tương lai tươi sáng, đã có thời điểm, bà làm và bán gấp 3 lần số lượng bánh bây giờ. Chính vì thế mà bà bị bệnh nặng, phải nằm ở nhà dưỡng sức một thời gian dài. Lúc đó, bà nhớ nghề, nhớ mùi bánh, thậm chí bật khóc khi “khách ruột” gọi điện hỏi “chừng nào cô bán lại”. “Tôi và chồng khổ là đủ rồi, có hai đứa con trai nhất định phải cho chúng đi học đàng hoàng, tử tế. Cái nghề này vất vả, nấu từ 2 giờ sáng, đến chiều dọn ra bán rồi tối lại lụi cụi chuẩn bị nguyên liệu. Nhưng làm lâu, tôi thấy mình cũng quen với cái khổ rồi”, bà Tuyền vui vẻ nói. Các loại bánh, đồ ăn kèm được bày biện sạch sẽ, gọn gàng. Dù cuộc sống vất vả nhưng bà lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, nhìn nhận mọi thứ bằng thái độ tích cực. Niềm vui của bà Tuyền bây giờ đơn giản chỉ là thấy khách ăn ngon, bán hàng hết sớm để về ăn cơm với gia đình. Dù khổ nhưng bà cũng rất hào sảng, những khi có người khuyết tật, người khó khăn ghé mua, bà không lấy tiền hoặc nếu họ nhất quyết trả, bà cho thêm cây chả, miếng đậu xanh để họ ăn no. Ông Nguyễn Văn Long (55 tuổi, Q.Gò Vấp) cho hay, ông bán vé số dạo quanh khu này, thi thoảng lại ghé ăn một phần bánh của bà Tuyền. Ông Long quê gốc ở miền Trung, cũng bôn ba nơi xứ người. Khi đến đây, ông được nói giọng quê hương, ăn miếng bánh mềm và cây chả Huế, bao ký ức ngày xưa lại ùa về. Một dĩa bánh có giá 10.000 đầy đủ các loại bánh và đồ chua ăn kèm Khi con cái đã dần khôn lớn, bà Tuyền cho biết mình vẫn sẽ bán bánh đến khi nào không còn sức. Xe bánh bèo này vừa là tâm huyết của bà, vừa là cách để bà xoa dịu nỗi nhớ quê hương. Theo: Thanh Niên