Các trường học ở Sài Gòn được phép tự tổ chức tiết học ngoài nhà trường


Sở Giáo dục Thành Phố Hồ Chí Minh khẳng định, Sở khuyến khích trường, giáo viên tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, nên không có lý do gì để độc quyền.

Vì sao TPHCM dừng triển khai chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?

Giành học bổng từ bài luận giáo dục giới tính

Ngày 11/10/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức tiết học ngoài nhà trường, trong năm học 2018 – 2019.

Tiết học ngoài nhà trường là hoạt động trải nghiệm học tập trong chương trình học. Khác với việc hoạt động tham quan ngoại khóa, tiết học này có sản phẩm học tập, có kiểm tra đánh giá nhằm đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của môn học.

Đại diện các trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện tham gia hội nghị đã được lắng nghe chia sẻ, kinh nghiệm của các trường đã tổ chức thành công tiết học ngoài nhà trường, như: Trường trung học cơ sở Nguyễn Du, quận 1, trường trung học cơ sở Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp, trường trung học cơ sở – trung học phổ thông Đinh Thiện Lý, quận 7….

Một tiết học ngoài nhà trường của học sinh Trường Đào Duy Anh (ảnh: CTV)

Bà Hoàng Thị Diễm Trang – Hiệu trưởng Trường Đinh Thiện Lý chia sẻ: Không phải kiến thức nào cũng tổ chức được tiết học ngoài nhà trường, không nên lồng ghép quá nhiều bộ môn vào một tiết học.

“Môn nào cũng có đánh giá, nên nếu không khéo thì sẽ khiến cho học trò bị áp lực “ –bà Diễm Trang nói tiếp.

Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh muốn độc quyền về hoạt động ngoại khóa?

Sau mỗi lần đi trải nghiệm, nhà trường đều lấy ý kiến phản hồi của học sinh. Ban Giám hiệu, tổ bộ môn của nhà trường cũng cần rút kinh nghiệm sau mỗi tiết học trải nghiệm để lần sau làm tốt hơn.

Trước những thông tin thời gian gần đây cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh gợi ý các cơ sở giáo dục tổ chức tiết học ngoài nhà trường chỉ ở 3 địa điểm là: Thảo Cầm Viên, Khu nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi và Khu sinh thái Về Quê – huyện Củ Chi, ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục trung học đã bác bỏ ý kiến này.

Theo ông Lê Duy Tân, đây chỉ là các mô hình mẫu, chứ không bắt buộc các trường phải thực hiện theo, dù hội đồng bộ môn đã xây dựng nhiều mô hình trải nghiệm, rút kinh nghiệm nhiều lần, kèm theo đó là các phương án kiểm tra, đánh giá học sinh theo đúng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Các trường hoàn toàn có thể tự xây dựng nội dung, tổ chức tiết học ngoài nhà trường, đây là thực hiện nhiệm vụ năm học. Thế nhưng, khi xây dựng, các trường phải chú ý thỏa thuận với cha mẹ học sinh về hình thức tổ chức.

“Cần trao đổi với cha mẹ học sinh về các chi phí có thể phát sinh, tránh tình trạng dư luận xã hội, cha mẹ học sinh cho rằng, nhà trường dùng kiểm tra, đánh giá để ép học sinh phải tham gia” – ông Lê Duy Tân thông tin.

Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức tiết học ngoài nhà trường của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Cũng theo ông Lê Duy Tân, các trường cũng cần thiết kế chương trình thứ 2, áp dụng cho học sinh không tham gia đối với các chương trình hoạt động trải nghiệm có chi phí. Các trường cũng cần có phương án giải quyết vấn đề phát sinh đối với thực hiện tiết học ngoài nhà trường, nhằm đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Việc Sở yêu cầu các trường phải đăng ký tối thiểu 30 ngày trước khi thực hiện, do đây không phải là hoạt động tự phát, mà là nằm trong kế hoạch năm học. Đây cũng là khoảng thời gian để Sở góp ý, thẩm định, rồi các trường cũng cần phải chuẩn bị, lên kế hoạch tổ chức, thông báo cho phụ huynh…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin: Hiện đã có khoảng 50% các trường trên địa bàn có triển khai tiết học ngoài nhà trường.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học, sắp tới, 100% các trường phải xây dựng hoạt động này.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc đưa các tiết học ra ngoài nhà trường, học sinh sẽ nhớ và vận dụng tốt hơn. Mục tiêu của chúng là kiến thức không hàn lâm, mà phải gắn với thực tiễn, giải quyết được các vấn đề của thực tiễn.

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, các trường tổ chức thì phải có sự đồng thuận, không khoán trắng cho đơn vị cùng phối hợp thực hiện, mà cần phải tím hiểu đủ điều kiện, an toàn,hiệu quả thì mới tổ chức.

“Sở khuyến khích các trường, giáo viên tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, thì không có lý do gì Sở độc quyền” – ông Nguyễn Văn Hiếu kết luận.

Theo giaoduc


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: