Đường sách TP.HCM mới hoạt động đã muốn…dọn!


Đường sách TP HCM đi vào hoạt động từ trước Tết Nguyên đán, tuy nhiên, khung cảnh thường xuyên ở nơi đây vắng vẻ, chỉ lưa thưa vài chục người đi xem sách mỗi ngày.

Các công ty sách, công ty phát hành sách cũng cố gắng làm sự kiện để thu hút người đọc tới đường sách. Dù nỗ lực là vậy nhưng vẫn  còn lắm “rào cản”.

Thứ nhất là thiếu chỗ gửi xe cho khách, chỉ cần một vài sự kiện cùng diễn ra thì người đi dự phải toát mồ hôi mới tìm được chỗ để yên tâm gửi xe.

Thứ hai, dù nhà tổ chức nhiệt tình tạo dựng các sự kiện để quảng bá cho ấn phẩm nhưng mạnh ai nấy làm nên đa phần mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Thậm chí, còn nhiều lộn xộn diễn ra tại các sự kiện văn học. Chẳng hạn như buổi giao lưu với giáo sư Lary Berman – tác giả cuốn “Điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn” – đã khiến người tham dự khó chịu vì cùng lúc có 2 cuộc giao lưu diễn ra ngay cạnh nhau. Một bên các nhân chứng lịch sử ngồi nói chuyện chiến tranh, còn một bên bàn chuyện nấu ăn. Hai chiếc micro không dây bị trùng sóng nên âm thanh trộn lẫn, không cách nào tách ra được.

Đường sách những ngày đầu khai trương.

Đường sách những ngày đầu khai trương.

Từ trước Tết Nguyên đán và suốt tháng giêng, những sự kiện văn học diễn ra liên tiếp tại đường sách TP HCM nhưng sự kiện lớn được ban quản lý dự kiến như triển lãm ấn bản cổ của “Truyện Kiều”, lẩy Kiều, bói Kiều… thì không thực hiện được, tất cả chỉ là những sự kiện nhỏ lẻ do các công ty, đơn vị phát hành đăng ký để truyền thông cho ấn phẩm của họ và tiếc là chẳng gây được ấn tượng gì cho độc giả.

Qua trao đổi với nhiều nhà sách, công ty phát hành, các đơn vị này đều chỉ… cười trừ, không dám khai doanh số thực của cửa hàng tại đây. Mỗi đơn vị muốn có mặt ở  đường sách phải trả mức đầu tư xây dựng cho một quầy hàng tiêu chuẩn (20 m2) gần 500 triệu đồng, sau đó, vẫn phải trả thêm 10 triệu đồng/tháng các loại phí bảo vệ, vệ sinh… cho ban quản lý, lương nhân viên và chi phí đầu tư cố định (quầy, kệ), lưu động (sách), chỉ nhìn qua cũng đã thấy đường sách đang hoạt động không hiệu quả xét về kinh tế. Đa phần các công ty cho biết phải cố gắng duy trì để làm hình ảnh, trưng bày sách, lâu lâu làm sự kiện và… đợi tới lúc công chúng đọc quan tâm.

Các gian hàng trong ngày đều thưa người đến xem.

Các gian hàng trong ngày đều thưa người đến xem.

Hội sách TP HCM sắp diễn ra  vào cuối tháng 3 tới. Lâu nay, hội sách này đã là một trong những cơ hội quảng bá và thúc đẩy tốt nhất cho văn hóa đọc với doanh thu khoảng vài chục tỉ đồng mỗi mùa. Nếu đường sách TP HCM đi vào “chiều sâu” trong cách thức tổ chức lẫn chất lượng hoạt động và có bàn tay “đạo diễn” thực sự để chứng tỏ tầm tri thức và trí tuệ trong khâu điều hành, phối hợp giữa đường sách với hội sách TP HCM; cùng nhau làm sự kiện, cùng nhau quảng bá, truyền thông các hoạt động để lôi kéo người mua, dựa vào thế mạnh của nhau để phát triển văn hóa đọc thì đường sách mới thực sự khẳng định được vị thế đẹp vô cùng giữa trung tâm mà TP HCM đã ưu ái dành cho sách.

Cũng qua trao đổi với nhiều đơn vị có quầy hàng tại đường sách, thật buồn là đa phần đều cho biết đang tập trung chuẩn bị tham gia hội sách nên chưa có kế hoạch gì và chưa ai thực sự suy nghĩ về cách thức liên kết, phối hợp giữa đường sách với hội sách. Chỉ duy nhất có NXB Trẻ là ngay từ đầu năm đã lên phương án tổ chức sự kiện ký tặng cuốn sách mới “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại đường sách. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho biết đây là sự kiện đầu tiên của NXB tại đường sách, nằm trong chuỗi sự kiện ra mắt cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, với 2 buổi ký tặng tại đường sách và hội sách TP HCM.

Theo Hòa Bình | Người Lao Động


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: