Phải vào lớp lúc 6h45 hàng ngày khiến học sinh mệt mỏi nên kiến nghị ngành giáo dục TP HCM điều chỉnh muộn hơn. Tuyển sinh 2018: Trường Đại học đầu tiên tại Sài Gòn công bố điểm xét tuyển Nơi yên tĩnh để học bài ở Sài Gòn cho học sinh, sinh viên Ngày 7/7, tại kỳ họp lần thứ ba của Hội đồng Trẻ em TP HCM, Phạm Thị Tuyết Nhi (học sinh THCS Tân Túc) cho biết, nhà trường quy định vào học lúc 6h45 nên em và các bạn nhiều lần bị ghi tên, nhắc nhở, phạt trực nhật… do đến muộn. Phạm Thị Tuyết Nhi phát biểu tại Hội đồng Trẻ em TP HCM. Ảnh: Yến Nhi. Ngoài việc học khá nặng, học sinh phải tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thức khuya học bài nên thường không tròn giấc ngủ. Để đến trường đúng giờ, Nhi phải dậy từ rất sớm và lúc nào cũng uể oải. “Nhà em khá gần trường mà thỉnh thoảng còn muộn vài phút, những bạn ở xa sẽ mắc lỗi nhiều hơn”, Nhi nói và cho biết phải học quá sớm mỗi ngày đã làm bản thân không sung sức, tiếp thu kiến thức sẽ hạn chế hơn. Theo đó, nữ sinh đề xuất dời giờ vào học buổi sáng trễ hơn 30 phút. Ý kiến của Nhi được nhiều học sinh khác tán thành. Một số em cho rằng phải vào lớp sớm nên thường không đủ thời gian sinh hoạt cá nhân và ăn sáng. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến sức khỏe và việc học của học sinh sa sút. Theo Mai Hải Yến (Chủ tịch Hội đồng Trẻ em TP HCM), việc vào học trễ hơn nửa tiếng so với thời gian hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến học sinh. “Em nghĩ nhà trường cũng nên rút ngắn thời gian học trên lớp, chắt lọc lượng kiến thức để học sinh đỡ áp lực hay phải làm bài tập quá nhiều, dẫn đến việc thức khuya”, Yến bày tỏ. Nhiều học sinh uể oải, mệt mỏi trong giờ học buổi sáng. Ảnh: Quỳnh Trần. Trang thông tin chính thống cho học sinh TP HCM Với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, 50 đại biểu là thanh thiếu nhi TP HCM đã đề xuất giải pháp cho trẻ em có thể sử dụng Internet để học tập và giải trí. Vừa tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Đoàn Lê Sơn (học sinh ở quận 5) kể, trước kỳ thi cậu và các bạn đọc tin trên mạng nói về chuyện một thành phố lớn sẽ cho học sinh thi tổ hợp môn. “Tụi em rất hoang mang, không biết ở thành phố mình thế nào. Khi đó chúng em rất cần một kênh chính thống để tham khảo cho yên tâm”, Sơn chia sẻ và đề xuất Sở Giáo dục mở một trang thông tin điện tử chính thức, cập nhật liên tục các thông tin về việc học hành, thi cử cho học sinh thành phố. Bổ sung ý kiến của Sơn, Nguyễn Đức Kiệt (học sinh quận Phú Nhuận) cho rằng, một số kiến thức trên lớp chưa hiểu nên em rất cần một trang tin tổng hợp kiến thức do các thầy cô biên soạn để tham khảo, tự học ở nhà. Ngoài ra, Kiệt cũng muốn thành phố lắp các trụ phát wifi miễn phí ở những tuyến đường gần trường để học sinh có thể lên mạng tra cứu thông tin, học hành lúc cần thiết. Một số học sinh khác đề nghị ngành giáo dục có thêm các buổi học ngoại khóa về kỹ năng sử dụng mạng xã hội để các em biết cách sử dụng phương tiện này cho việc học tập, giải trí lành mạnh. Cuộc họp của Hội đồng Trẻ em còn ghi nhận gần 30 ý kiến khác về chủ đề sân chơi giải trí cho học sinh, môi trường sống, giao thông, giáo dục kỹ năng sống. Đại diện Sở Giáo dục TP HCM đã tiếp thu những ý kiến của học sinh và sẽ trình lên lãnh đạo ngành giải quyết. Mô hình Hội đồng Trẻ em được Thành đoàn TP HCM chủ trì thực hiện, hoạt động hồi tháng 6/2017 với thành viên là các học sinh tiêu biểu từ 9 đến 15 tuổi. Ngoài Thành đoàn TP HCM, ban tham vấn cho hội đồng này còn có nhiều lãnh đạo các sở ngành. Hội đồng Trẻ em họp hai lần một năm, thảo luận các vấn đề trẻ em quan tâm, mơ ước và đề xuất lên lãnh đạo thành phố. Theo vnexpress