Một đàn chim gồm bồ câu, sẻ không có chủ đang được một số người dân lao động gần nhà thờ Đức Bà (TP HCM) bỏ tiền túi mua thóc nuôi dưỡng hàng ngày. Đàn bồ câu bên nhà thờ Đức Bà được nhiều người sinh sống ở TP HCM biết đến đã nhiều năm. Đàn chim này không có chủ, tự do bay lượn và được người dân thay nhau chăm sóc cho ăn. Thỉnh thoảng cả đàn hoặc một vài con sà xuống vỉa hè bên đường mổ thóc, đậu, gạo, uống nước… Để có vẻ đẹp yên bình ấy, những con người như anh Nguyễn Phi Cường (người bán tem cổ bên hông bưu điện, ngụ quận Bình Thạnh), vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh (bán nước bên hông nhà thờ, ngụ quận 10), ông Điệp (thợ chụp ảnh tại nhà thờ) ngày ngày âm thầm bỏ tiền túi mua thức ăn để bảo vệ chúng. Họ mong muốn thành phố luôn đẹp và ấn tượng trong mắt du khách qua đàn chim này. Anh Cường (người đội mũ), trò chuyện với du khách về đàn chim trước nhà thờ sau khi cho chúng ăn lúc sáng sớm. Những con người dung dị ấy luôn xem bồ câu như là một phần cuộc sống của mình. Chị Thanh chia sẻ: “Hàng ngày ngồi bán thức uống bên vỉa hè trước nhà thờ, nhìn chim bồ câu bay lượn, khi cho ăn tôi không biết mình đã yêu chúng từ khi nào, không hề muốn rời xa. Mỗi khi cho chúng ăn lòng cảm thấy rất thanh thản lạ thường, luôn muốn chăm sóc, bảo vệ chúng”. Hàng ngày, vào giữa trưa, để gọi đàn bồ câu đang đậu khắp khu vực trước nhà thờ bay xuống, chị Thanh chỉ cần lắc lắc chiếc hộp nhôm đựng thức ăn, huýt sáo hay rung chuông là chúng sà xuống lần lượt. Chị cho biết, khi trẻ con hoặc du khách trêu chọc chúng quá đà, chị chỉ cần gõ nhẹ chiếc ghế nhựa xuống đất, chai nhựa vào hộp nhôm là chúng ngoan ngoãn bay lên. Mỗi lần vào 6h sáng, anh Cường mang bao thức ăn, khay nước ra bên tượng Đức Bà Hòa Bình, vừa tới nơi, lập tức đàn chim sà xuống mổ ăn ngon lành. Nhiều con còn đậu trên mũ tỏ ra rất thân thiết. Kể về nguồn gốc đàn chim, anh Cường cho biết, 15 năm trước có hai thợ chụp ảnh trước nhà thờ nuôi một đàn, nhưng trong đợt cúm gia cầm H5N1 năm 2005 đàn bị săn bắt ráo riết. Còn hơn chục con anh Cường âm thầm theo dõi, nuôi dưỡng và bảo vệ chúng, một thời gian sau có thêm một số người khác trợ giúp cho đến nay. Mặc dù thỉnh thoảng đàn bị giảm do săn bắt trộm chim non, trứng… nhưng hiện nay vẫn còn khoảng hơn 300 con. Hàng ngày, sau khi ăn xong, đàn bồ câu tìm về tổ ở những nóc, mái, hiên của nhà thờ, bưu điện, công trình xung quanh khu vực. Nhiều con sau khi tắm táp xong bay lên tượng Đức Mẹ Hòa Bình để phơi nắng, rỉa lông, cánh. Chúng tìm thức ăn, phơi nắng, nằm nghỉ, uống nước trên bãi cỏ trước nhà thờ. Người dân thành phố, khách du lịch không thể bỏ lỡ cơ hội ghi lại hình ảnh rất đẹp khi đàn bồ câu cùng lúc vỗ cánh bay lên bầu trời. Hay vừa ngồi uống cà phê bệt vừa ngắm đàn chim trời bên vỉa hè, khá tao nhã. “Những khi có thời gian, vào buổi trưa mình thường cùng bạn bè kéo nhau ra trước cửa nhà thờ uống cà phê bệt, ngắm mọi người đi lại nhưng đặc biệt nhất là vui đùa với những chú chim. Cảm giác khi móng chim bám trên tay, mỏ chúng mổ thức ăn thấy nhột nhột nhưng rất thú vị. Mọi mệt nhọc, buồn vui dường như tan biến. Đàn chim như bạn bè, làm cho mình càng yêu Sài Gòn mãnh liệt hơn”, chị Thu Hoài, một nhân viên văn phòng chia sẻ. Anh Cường yêu và xem những chú chim trời như máu thịt, như con, đồng thời là niềm vui, một phần cuộc sống của mình. Anh cho biết, chăm sóc chúng không vì lợi ích cá nhân gì, chỉ muốn Sài Gòn ngày càng thêm đẹp, ấn tượng với du khách, mong mọi người biết trân trọng, yêu mến động vật, đặc biệt là loài chim hơn. Nguồn: zing