Hứng đầy nước đá xay nhuyễn vào chiếc ly thủy tinh để chuẩn bị rót cà phê thơm lừng đang pha bằng phin từ hộp King Coffee vừa mua ở chợ vào, mà bỗng nhớ đến ly cà phê đá từ thuở nào, xa lắm. Bạc xỉu: Câu chuyện sữa – cà phê của người Sài Gòn Nhớ vị cà phê một thời Sài Gòn xưa Năm đó, tôi mới học lớp 3. Nhà tôi và nhà nhỏ bạn ở cùng trong xóm lao động gần Bến Xe Miền Tây. Buổi sáng con hẻm trước nhà tôi và nhà nó là một cái chợ chồm hổm. Má bạn tận dụng khoảng sân trước nhà để làm nơi bán gạo cho bà con lối xóm. Lần đó, ra mua vài lít gạo về nấu cơm, nhỏ bạn nói chờ má nó bận pha cà phê một chút. Lát sau, tôi thấy bà từ trong nhà đi ra, tay cầm ly cà phê đen nhỏ, vừa đi vừa quậy vừa nếm, chắc xem đủ ngọt hay chưa. Rồi bà tiếp tục quậy quậy ly cà phê và đổ vào ly nước đá. Cà phê đen chảy vào ly, len qua nước đá, và ngập tới đâu chừng hai phần ba ly. Má bạn lấy cái muỗng nhôm nhỏ xộc xộc nước đá xuống, quậy quậy vài cái nữa. Thấy tôi nhìn ly cà phê không rời mắt, má bạn hỏi “Con muốn uống miếng không?” – “Dạ”. Tôi không cần e dè, hai tay cầm ngay ly cà phê lạnh ngắt từ má bạn đưa sang. Lấy cái muỗng nhôm có sẵn trong ly, múc lên một miếng cà phê đưa vào miệng. Ui chao nó mát lạnh, và ngọt ngọt, thơm thơm, đắng đắng. Múc thêm muỗng nữa, lần này kịp nhìn thấy màu nâu nâu của cà phê trên chiếc muỗng trước khi rót vào cổ. Ly cà phê đá lần đầu tiên tôi biết là như vậy, và chưa một lần nào uống lại, cho đến Hè năm tôi học lớp 12. Trước kỳ thi đại học, tôi được thầy cô thưởng cho một chuyến đi Đà Lạt. Một người bạn ở Đà Lạt mà tôi quen trước đó dẫn tôi ra Hồ Xuân Hương “uống cà phê.” Đà Lạt ngày đó hãy còn lạnh lắm, mà tối ngồi nơi Hồ Xuân Hương lại càng lạnh. Thế nhưng, hình như thói quen của người Sài Gòn không quen uống đồ nóng, nên tôi gọi “cà phê đá.” Chị bán hàng mang ra cho tôi một tách cà phê phin, cùng một cái ly thủy tinh chứa đâu 2, 3 cục nước đá bé xíu. Cà phê nóng làm mấy cục đá tan thật nhanh. Tôi nhìn ly “cà phê đá” sao mà không giống gì với ly cà phê đá ngày nào má bạn tôi pha. Nếm thử một miếng. Nóng không nóng, lạnh không lạnh. Tôi thấy nó vô duyên làm sao. Tôi gọi chị bán hàng xin thêm nước đá. Chị ngó tôi, chẳng nói chẳng rằng, đi vô. Bạn tôi nói một cách ái ngại “Tiệm quốc doanh nên vậy đó.” Rồi bạn sờ vào cái ly, bật cười “Hình như nó lạnh rồi.”Ờ, trời đêm Đà Lạt, không cần nước đá, cà phê cũng từ từ lạnh. Nhưng nó không phải là cái lạnh của ly cà phê đá trong ký ức tôi. Về Sài Gòn, nhấm nháp lại ly cà phê đá, mới thấy rõ hơn cái thú vị của nó. Cà phê nóng đậm đặc mới pha, chế vào ly nước đá đầy, để trong thoáng chốc tất cả trở nên thật lạnh. Những ngụm đầu vẫn hãy còn nồng nàn mùi vị cà phê, mang lại cho mình cảm giác sảng khoái, tỉnh táo, hưng phấn. Nước đá tan dần, vị caffein loãng bớt đi, cà phê đá khi đó trở thành một loại nước giải khát không đụng hàng. Mấy năm sau nữa, tôi có dịp lên Buôn Mê Thuột, xứ sở cà phê. Mấy anh họ dẫn tôi đi “uống cà phê”. Cũng lại theo thói quen của người Sài Gòn, tôi gọi “cà phê đá”. Cũng một tách cà phê phin được mang ra, và cũng một ly đá vỏn vẻn vài viên. Cà phê nóng đổ vào, đá cũng tan theo mây khói. Tôi hỏi xin thêm nước đá. Mấy anh họ tôi cười cười nói, “Hình như ở đây ít ai uống như em.” Rồi trong những chuyến công tác ra miền Bắc sau đó, tôi lại nhận ra rõ hơn sự khác biệt của ly cà phê đá Sài Gòn. Cà phê đá Sài Gòn phải là một ly đá đầy, để khi cà phê phin nhỏ xuống xong đổ vào thì nó lạnh ngay tức khắc, chứ không phải kiểu lợ lợ chẳng hè mà cũng chẳng đông. Nhớ mười mấy năm trước ở Sài Gòn, không ngày nào bạn không rủ đi uống cà phê. Từ cà phê ở quán cóc trong xóm, đến cà phê nơi những quán sang trọng ở trung tâm thành phố. Cà phê đá pha phin. Húp từng ngụm nhỏ. Nghe vị cà phê lan trong miệng. Nghe vị mát lạnh của từng viên đá nhỏ. Trong tiếng lao xao chuyện trò của một thành phố chưa từng phai phôi trong lòng những người xa xứ, để mà hoài niệm, để mà nhớ thương. Quay về thực tại ở xứ Cờ Hoa, hớp ngụm cà phê đá pha bằng King Coffee nơi xứ người, mà ngỡ như ly cà phê đá Sài Gòn ngày nào đang bừng dậy từ tâm thức. Theo tnicorporation