Tôi có nhiều bạn là người nước ngoài. Đa phần toàn dân du lịch trôi đến Việt Nam du lịch, sau khi dạt một vòng lớn khắp Việt Nam qua Hà Nội đất Thăng Long ngàn năm rồng tung cánh, đến Đà Nẵng, nơi được “đồn đại” là đáng sống nhất Việt Nam hay Hội An phố cổ xinh đẹp yên bình thì cuối cùng, trở về Sài Gòn lại bị đất Gia Định giữ chân. Điều này khiến tôi không khỏi tự hỏi rằng “Sài Gòn có gì để lưu luyến mà người nước ngoài đến lại chẳng nỡ đi thế này?” Heo là bạn thân của tôi. Ba mẹ Heo sang Anh thuở Việt Nam còn loạn lạc rồi sinh ra heo ở xứ sương mù ấy. Một ngày đẹp trời nọ, gã trai hai sáu tuổi cảm thấy ngộp thở với công việc làm một nhân viên ngân hàng, ngày ngày “bị” bao vây bởi mớ tiền bạc mà không được xài thế là Heo bỏ việc và quyết định chạy về Việt Nam thăm mảnh đất làm nên nguồn cội của mình. Sau khi cùng hội bạn đi một vòng Việt Nam và đến Sài Gòn, Heo đã bị đất và người nơi đây chinh phục. Thế là hắn lấy cớ bảo mẹ rằng “Chuyến bay bị hoãn lại nên con sẽ ở lại thêm vài ngày”. Và “vài ngày” của hắn đã kéo chuyến đi đáng lẽ chỉ dài hai tuần thành tận…sáu tháng. Sài Gòn là nơi mà hơi thở xưa cũ tồn tại ngay bên cạnh những hiện đại đổi thay. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, gắn bó với thành phố này hơn hai mươi năm nên có lẽ mọi “đặc ân” mà Sài Gòn mang đến, tôi đều mặc định đó là chuyện hiển nhiên tôi phải được nhận, chẳng phải nghĩ ngợi nhiều. Nhưng rồi sau này khi lớn lên, có cơ hội được rời Sài Gòn thật xa, thật lâu để đi một vòng quanh Việt Nam, cả “chạy trốn” sang các nước nước khác thì mới thấy tim mình nhớ cồn cào những dư vị thân quen. Thế là khi trở về, tôi lập ngay “hội bàn tròn” với đám bạn người nước ngoài đang sống ở đây để tìm ra những lý do khiến Sài Gòn có thể âm thầm níu giữ chân người. Tiết trời nóng quanh năm “Sài Gòn chỉ có hai mùa: Mùa nóng và mùa nóng hơn” Sài Gòn về cơ bản là nóng. Một năm có 365 ngày thì chắc chỉ có độ năm ngày trời…bớt nóng hơn một chút. Ở Sài Gòn lâu thì người ta mới thấy “nể” cái “khả năng phát nhiệt” của thành phố này. Mùa nắng thì nóng theo kiểu nắng, mùa mưa thì nóng theo kiểu mưa. Ngay cả khi những tỉnh thành khác của dãy đất hình chữ S này vào đông, rét đến độ người ta phải đua nhau mặc thêm vài lớp áo cho ấm thì mỗi Sài Gòn vẫn đủng đỉnh…nóng bất chấp. Không dưới mười lần tôi chỉ ước Sài Gòn được như Đà Lạt thì dễ chịu phải biết. Tuy nhiên, hội bạn nước ngoài đến từ các nước có mùa đông lạnh như Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp… hay xứ sương mù mưa quanh năm như Anh thì bày tỏ rằng ở Sài Gòn dù có nóng đến độ “đổ mồ hôi mà giảm cân” vẫn tốt hơn viễn cảnh trước khi bước ra đường là phải sẵn sàng đối mặt với gió lớn tới nỗi cóng người hay lúc nào cũng trên tinh thần bị ướt do mưa cứ luôn rình rập, không thì sẽ là tuyết rơi nhớp nháp. Riêng tôi, sau đợt vác ba lô lên Sapa và trải nghiệm cái lạnh tê tái đến mức chỉ muốn trùm mền và ngủ suốt ngày thì mới “giác ngộ” một điều: “Ít nhất thì trời nóng tuy có khó chịu, nhưng bản thân vẫn có thể trùm cơ man các thể loại “đồ chống nắng” lên người, chạy ra ngoài tìm quán cà phê máy lạnh ngồi là vấn đề được giải quyết”. Chẳng bao giờ lo đói Dễ tìm nhất ởs àiG òn là đồ ăn Sài Gòn chắc cái gì cũng thiếu, duy chỉ đồ ăn là không thiếu bao giờ! Ở Sài Gòn có những khu mở cửa bán thức ăn cả đêm lẫn ngày sẵn sàng phục vụ “thành phần cú đêm” hay “hội những người ghét mì gói mà hay đói về đêm”. Bên cạnh đó, do là thành phố lớn nhất Việt Nam lại vô cùng đa văn hóa, sắc tộc nên bao nhiêu tinh hoa ẩm thực của các vùng miền đều có thể tìm thấy ở đây. Người ta có thể ăn ốc với giá siêu rẻ mà chẳng cần phải chạy ra vùng biển. Ăn “Bún đậu mắm tôm” hay “Chả cá Lã Vọng” mà không phải mất 1 tiếng 45 phút bay ra Hà Nội. Bún bò Huế thì có thể tìm thấy ở mọi ngóc ngách của Sài Thành. Đương nhiên, những món ăn của miền Tây Nam Bộ thì tràn ngập khắp đường phố. Ngoài ra, còn có cả các món ăn “nhập khẩu” từ những nền ẩm thực nước ngoài từ Âu sang Á vô cùng đa dạng. Về hương vị có thể khác một chút do đã bị “Sài Gòn hóa”, nhưng về độ ngon thì đương nhiên khỏi phải bàn. Người Sài Gòn còn nắm bắt xu hướng ẩm thực rất nhanh. Chẳng hạn như có một đợt Hà Nội vừa rộ mốt trà chanh vỉa hè thì đâu đó tầm một tháng sau đã thấy đường phố Sài Gòn mọc lên cơ man những quán trà chanh san sát. Hay gần đây hơn, khi cư dân mạng bắt đầu chuyền tay nhau video clip về món kem cuộn Thái Lan với công nghệ làm kem tự chọn ngay tại chỗ thì chỉ một thời gian ngắn thôi, Sài Gòn cũng rầm rầm rộ rộ bán món ăn đường phố phổ biến ở nước bạn. Vậy đó, ở Sài Gòn người ta chỉ đói khi có quá nhiều sự lựa chọn gây “nhiễu tâm” và chỉ lo bội thực chứ chưa ai sợ sẽ chết vì thiếu đồ ăn bao giờ. Mức sống hợp lý Ở Sài Gòn, rủng rỉnh túi tiền thì ăn sang. Còn không vỉa hè, hàng gánh vẫn ngon chán. Mọi thứ ở Sài Gòn đều rất đa dạng về giá cả, phù hợp cho mọi tầng lớp xã hội. Ở đây, bạn có thể tìm thấy cùng một món đồ nhưng với nhiều mức giá khác nhau. Chẳng hạn như xét về thức ăn, cùng một tô phở, cùng một chất lượng nhưng nếu bạn thích ăn rẻ, có thể đến các quán phở bình dân, hệ thống phở 24 hay ăn ở chợ với giá dao động từ 25 – 35 ngàn/tô. Nếu muốn cảm giác “an toàn thực phẩm” hơn và xài nhiều tiền hơn thì các quán phở “nổi tiếng” khác như Phở Quỳnh, Phở Lệ với giá từ 50 ngàn/tô trở lên. Hay nếu bạn muốn đi bơi, thích sang trọng thì đến hồ bơi của khách sạn sẵn sàng phục vụ bạn với giá vé tính theo tiền đô, còn không thì hồ bơi bình thường khác với giá tầm vài chục ngàn ở đây cũng không thiếu. Bởi dễ sống như vậy nên nhịp sống nơi đây tuy có hối hả nhưng vẫn không mang cảm giác gấp rút và điên cuồng như New York, Tokyo hay những thành phố lớn phát triền khác. Không bao giờ cô đơn Hội bạn châu Âu và châu Mỹ quả quyết khẳng định rằng ở nước họ, người ta sống khép kín và lạnh lùng vô cùng. Chẳng bù với Sài Gòn không phân biệt người lạ, người quen, gặp ai cũng có thể cười toe toét khiến người ta cảm thấy vô cùng thân thiện và dễ chịu. Lại còn cái tinh thần: “Bạn của bạn cũng chính là bạn của mình” nên ở đây, cô đơn là một lựa chọn của cá nhân chứ chẳng phải bị “tình thế ép buộc” như ở nhiều nước phương Tây. Như lần nọ tôi đi dạo Sài Gòn cùng Nâu, cậu bạn người Hà Lan đến Sài Gòn du lịch đâu được vài ba ngày. Cứ qua một con đường tôi lại thấy có một người bạn bản xứ hoặc cũng là người nước ngoài là bạn của Nâu đến chào hai đứa. Tựa hồ tôi và cậu nổi tiếng đến mức cả Sài Gòn này đều biết mặt nhớ tên. Nhưng hỏi ra thì cậu chàng bảo rằng thật ra cũng vừa làm quen với những người đó trên đường du lịch hoặc lúc vừa tới đây thôi. Nhưng cảm giác gần gũi họ mang lại cho cậu thì cứ như đã quen nhau tự trăm năm trước. Sài Gòn có quyền năng làm người lạnh lùng cũng bỗng rã băng mà chịu hòa mình cùng sự xởi lởi, nồng hậu như đặc trưng tính cách người ở đây. Đây là điều mà chắc chắn Nâu sẽ nhớ nhất khi rời Việt Nam Còn theo ý kiến khách quan từ những người bạn sống ở những khu vực khác của Việt Nam được dịp đến Sài Gòn du lịch, họ cũng bảo với tôi rằng người Sài Gòn nhiệt tình, thân thiện và dễ làm quen, bắt chuyện hơn nhiều. Văn hóa cà phê Ở Sài Gòn, chắc hẳn thứ dễ kiếm nhất là…cà phê. Với văn hóa ngồi cà phê được hình thành từ thời Pháp thuộc hoặc sớm hơn, thói quen “đi cà phê” của Sài Gòn cho người thành phố năng động một cơ hội để sống chậm lại mà ngắm người, tán chuyện đời. Có thể nói quán cà phê ở Sài Gòn cũng giống như ma trận vậy. Từ các quán cóc ngồi lề đường, bán cà phê với giá rẻ bèo tầm 8 – 10 ngàn/ly đến các quán sang trọng giá nước có thể lên đến cả trăm ngàn mà đâu đâu cũng đông người phải biết. Bên cạnh chọn quán theo giá, người ta còn có thể chọn theo mục đích như để chụp hình “check in” thì vào cà phê có “view” đẹp, để làm việc thì Sài Gòn không thiếu cà phê dạng workshop hoặc chỉ đơn giản là tìm một nơi để “tám” với bạn bè thì cà phê sân vườn cũng luôn sẵn sàng phục vụ. Chiếu theo ý kiến của “nhóm người nước ngoài” thì ở “bên kia” (Mỹ chẳng hạn), người ta làm một lúc tận hai ba việc, cà phê chủ yếu bán theo dạng “take away” để có thể uống nhanh trên đường đi làm chứ hiếm khi có thể thong thả ngồi đủng đỉnh ngắm từng giọt cà phê phin rơi như ở đây. Điều này làm Sài Gòn trở nên dễ thở hơn rất nhiều. Thành phố không ngủ Câu nói “Đi đêm có ngày gặp ma” có vẻ về nghĩa đen thì không thể áp dụng ở khu trung tâm của Sài Gòn. Bởi ở đây, có những khu vực không bao giờ thấy ánh đèn được tắt (như đường Bùi Viện) chẳng hạn. Từ dạo đi bán chữ, tôi thỉnh thoảng lại đi la cà ở các quán cà phê 24 giờ tìm cảm hứng viết lách vào buổi đêm vì đây là khoảng thời gian tôi hay “lên đồng văn chương”. Và chẳng lấy gì làm bất ngờ khi những quán này về khuya chẳng những không thưa người mà còn có xu hướng đông hơn ban ngày vào độ 3 giờ – 5 giờ sáng, sau khi các quán bar đóng cửa. Đây là đặc trưng thú vị của Sài Gòn khó có thể tìm thấy ở những thành phố khác ở Việt Nam hay nhiều nước trên thế giới. Bởi kể cả là ở Tây thì người ta cũng đóng cửa rất sớm. Độ 9 giờ mà muốn đi chơi thì chỉ có quán bar với giá nước cắt bay cổ sẵn sàng mở cửa chờ bạn xếp hàng. Đâu được chọn lựa như ở xứ này. Do đó, đi đêm ở Sài Gòn, chỉ sợ gặp…người! Thành phố lễ hội Pháo hoa ở sài gòn Chắc cũng không ngoa khi nói Sài Gòn thích “ăn theo”. Bởi vì lễ hội nào cũng thấy Sài Gòn vui vẻ hưởng ứng, “tạo điều kiện” ăn chơi cho người ta ăn chơi quanh năm suốt tháng. Này thì ăn tết Ta, tết Tây, tết Trung Thu, tết Nguyên Tiêu và một loạt kiểu Tết khác, rồi cả những lễ hội mang đậm bản sắc của phương Tây hoặc các nước lân cận như lễ tình nhân (trắng – đen – đỏ gì cũng thỏa), lễ Giáng Sinh, lễ hội hóa trang (Halloween) và cơ man các dịp ăn chơi khác. Có lẽ bởi sự đa văn hóa và tính cách phóng khoáng, có chơi có làm của người dân nơi đây nên người ta cứ thế mà ăn lễ không kịp. Thử hỏi khi xa, ai nỡ quên những tháng ngày lúc nào cũng có dịp để vui chơi cùng bạn thân, gia đình? Cứ thế, những điều nhỏ nhặt của Sài Gòn lẳng lặng len vào nếp sống, sinh hoạt rồi ngấm dần vào tâm tư tình cảm của những ai trót “bén duyên” với Sài Gòn tự lúc nào chẳng ai hay. Chỉ biết rằng khi sắp xa hoặc ở đâu-đó-không-phải-đây ngồi nghĩ về một phương trời thì nỗi nhớ chợt vùng dậy mà thấy lòng thương thiệt thương Sài Gòn… kì cục. Bài viết: Xuân Ngọc | Ảnh: Sưu tầm