Nhịp sống văn hóa ẩm thực Việt Nam nổi bật qua giải ảnh Pink Lady Food Photography


Giải ảnh Pink Lady Food Photography vừa khép lại với chiến thắng thuộc về những bức ảnh tuyệt đẹp ghi lại đời sống sinh hoạt ẩm thực của người dân khắp thế giới. Nhiều tác phẩm của Việt Nam cũng góp phần trong danh sách này.


Tác phẩm “Bữa sáng ở chợ phiên” của nghệ sĩ Nguyễn Hữu Thông đạt giải nhất hạng mục ảnh Food at the Table (Ẩm thực trên bàn).

Pink Lady Food Photography là cuộc thi nhiếp ảnh do Anh tổ chức từ năm 2011, tập trung vào các tác phẩm ảnh ghi lại nhịp sống văn hóa ẩm thực trên thế giới. Mặc dù chủ đề ảnh không rộng nhưng cuộc thi vẫn thu hút được rất đông nhiếp ảnh gia từ khắp nơi gửi ảnh về tham dự.

Cuộc thi nhiếp ảnh năm 2021 thu hút hơn 10.500 ảnh đến từ 70 quốc gia trên thế giới với 25 hạng mục giải khác nhau. Kết quả chung cuộc được công bố trực tuyến trên YouTube vào ngày 28/4 và được nhiều trang tin quốc tế dẫn lại.

Ban giám khảo cuộc thi năm nay gồm các nhiếp ảnh gia ẩm thực, biên tập viên báo chí, đầu bếp nổi danh như: David Loftus, Fiona Shields, Simone Zanoni, Alison Jacques…

Một số bức ảnh khác của các tác giả Việt Nam tuy không đạt giải nhưng được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao về mặt nghệ thuật và thẩm mỹ. Đó là các bức Mùa thu hoạch vải thiều, Bữa cơm mùa đông của Nguyễn Hữu Thông; tác phẩm ảnh Lưới cá của nghệ sĩ Nguyễn Phước Hoài.

Các tác phẩm đạt giải và được chọn vào vòng chung kết sẽ được triển lãm tại Bristol từ ngày 22-11 đến hết ngày 22-12 năm nay.


Thưởng thức – Ảnh: TRẦN VIỆT VĂN

Nghệ sĩ Trần Việt Văn với bức ảnh Thưởng thức giành giải nhất hạng mục Street Food (Ẩm thực đường phố). Bức ảnh được chụp tại phố cổ Hội An, một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam không chỉ nhờ phong cảnh, văn hóa mà còn nhờ ẩm thực hết sức phong phú.


“Bữa ăn mùa đông” của Nguyễn Hữu Thông nằm trong danh sách được chọn triển lãm.


Bức “Mùa thu hoạch vải thiều” của Nguyễn Hữu Thông, chụp tại Bắc Giang.


Bức ảnh “Lưới cá” được chọn triển lãm ở hạng mục Bring home on the Harvest (Ngày mùa về nhà) của nghệ sĩ Nguyễn Phước Hoài ghi lại trên vùng biển Phú Yên.


Bức ảnh “Cho vịt ăn”

Nghệ sĩ Nguyễn Phước Hoài chụp bức ảnh này tại đầm Trà Ổ – một đầm nước lợ tự nhiên nằm ở phía đông bắc huyện Phù Mỹ, Bình Định. Bức ảnh đạt giải nhì hạng mục Food in the Field (Thức ăn trên đồng).


Bữa ăn gia đình – Ảnh: Li Huaifeng

Đạt giải nhất chung cuộc tại hạng mục “Food for the Family” (Bữa ăn gia đình) là tác phẩm “Nếm” của nghệ sĩ Li Huaifeng (người Trung Quốc), ghi lại khung cảnh ấm cúng trong căn bếp của một gia đình nhỏ. Bố mẹ, con cái quây quần bên nhau, vui vẻ cùng nhau chuẩn bị bữa sáng trong ánh nắng ban mai xiên qua cửa sổ nhỏ.


Một người dân kiểm tra các sợi mì đang được phơi khô. Tác phẩm “Làm mì” của Abdul giành giải ở hạng mục “Sáng tạo”.


Thưởng trà – Ảnh: Dewi Hollema

Dewi Hollema giành giải thưởng ở hạng mục Nhiếp ảnh gia trẻ (độ tuổi 15-17) với bức ảnh “Thưởng trà” tại Ai Cập.

Những người đàn ông tụ tập bên một con phố cổ ở Alexandria để chia sẻ những câu chuyện phiếm với một tách trà đen và đồ ăn nhẹ. Đây là một cảnh tượng phổ biến ở Ai Cập, nơi “thức uống quốc dân”- trà, được thưởng thức suốt cả ngày.


Giải thưởng Nhà tạo mẫu thực phẩm thuộc về nghệ sĩ Martin Grünewald (Đức) với tác phẩm chụp những loại rau củ quả rất hiếm thấy trong mùa đông tại Đức.


“Nước uống từ Rác” của Md Mahabub Hossain Khan (Bangladesh)

Bên cạnh những bức ảnh gợi cảm giác vui tươi, yên bình, cũng có những bức ảnh khiến người xem phải lặng người suy ngẫm. Thực phẩm rất cần thiết để duy trì sự sống con người, nhưng không phải ở bất cứ đâu người ta cũng được ăn no.

Tác phẩm “Nước uống từ Rác” của Md Mahabub Hossain Khan (Bangladesh) ghi lại hình ảnh một em nhỏ say sưa uống một chai nước ngọt giữa đống phế liệu. Bangladesh là quốc gia có nền kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Hàng nghìn người phải tìm kế sinh nhai tại những bãi rác khổng lồ.


Nghệ sĩ Sandro Maddalena (Ý) và bức ảnh đạt giải ở hạng mục “Chính trị”. Những người tị nạn tập trung trong một tầng hầm của viện điều dưỡng bỏ hoang để chia sẻ bữa ăn của họ. Gần 30 năm sau cuộc xung đột giữa Abkhazian và Gruzia, những người này vẫn đang sống nghèo đói trong các tòa nhà bỏ hoang. Mỗi bữa ăn của họ đôi khi được chắt chiu lại từ vài ngày vất vả.

Theo Tuổi Trẻ Online

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: