Con trai vừa xuất viện sau mổ não thì lệnh giãn cách ở TP HCM ban hành, không có xe khách về Cà Mau, ông Cường đi rạc chân tìm phòng trọ nhưng chẳng được. “Chỗ đông người thì tôi sợ lây nhiễm cho con, sức khỏe nó còn yếu lắm. Chỗ có phòng riêng thì người ta sợ dịch, không nhận cha con tui”, ông Nguyễn Phương Cường, 57 tuổi, kể. Nếu không thuê được chỗ trọ, ông sẽ phải trả khoảng năm triệu đồng thuê xe riêng về quê. Một tháng nữa, con trai tái khám, lệnh phong tỏa vẫn ban hành, người đàn ông làm nghề chài lưới này sẽ phải tốn thêm từng ấy tiền để thuê xe đến viện. Giữa lúc chưa biết về hay ở, ông nhận được điện thoại của người quen, giới thiệu về nhà trọ của bà Nguyễn Thị Lê, 50 tuổi, ở Thủ Đức. “Cứ về đây tui cho ở nhờ. Yên tâm, tui giúp đến lúc tái khám mới thôi”, giọng bà chủ trọ hào sảng. Ông Cường cứ nghĩ giúp có nghĩa chị Lê sẽ cho hai cha con trọ lại, không ngờ còn được mua bánh mỳ cho ăn sáng, cho rau, trứng, cá, thịt ngày hai bữa. “Tính đến nay, tui đã ở đây hơn 20 ngày rồi. Nhờ chị ấy, cha con tui sống giữa vùng dịch mà không bị đói bữa nào. Giữa lúc dịch bệnh này, mấy người được như chị ấy”, người đàn ông nói giọng nghèn nghẹn. Không chỉ giúp cha con người đàn ông không chỗ trú thân vì dịch bệnh, chị Lê nuôi ăn cả chục khách đang ở trọ nhà mình ở Thủ Đức, một tháng qua. Hôm 27/7, chị dậy sớm, lúi cúi trong bếp nấu món thịt kho củ cải, chia thành túi nhỏ, mang phát cho người thuê trọ. “Mình sao người ta vậy. Ăn rau, ăn trứng mãi cũng chán, tui đổi bữa cho mọi người đỡ nhạt miệng. Vì dịch bệnh họ mới phải ở nhà, chớ ngày thường, ai làm người ấy ăn, đâu có xin ai đâu”, bà chủ trọ nói. Có 40 phòng trọ ở Bình Dương, 40 phòng trọ ở Thủ Đức, trước khi lệnh phong tỏa ban hành, chị Lê đã mua tặng mỗi phòng 10 ký gạo, một thùng mỳ tôm. Một tháng nay, khi TP HCM khuyến cáo người dân ở yên trong nhà, chị Lê bắt đầu bỏ tiền túi hoặc xin rau, trứng từ thiện giúp người ở trọ. “Phòng trọ ở Thủ Đức người ta về quê hơn nửa rồi. Những người ở đây có người khổ, có người khá. Ai khổ thì tui cho, ai khấm khá, tự lo được rồi thì mình phụ thêm thôi”, người phụ nữ gốc Bình Dương, nói. Ông Cường và khách trọ nhận gạo, cá khô bà chủ trọ tặng. Ảnh: Tô Ngân. Chị Tô Thị Ngân (ở Quảng Xương, Thanh Hóa) vào ở trọ nhà chị Lê để bán hàng rong kiếm sống, chưa đầy một tháng thì dịch bùng phát. Chồng mất sớm, một gánh hàng rong bám Sài Gòn, chị nuôi hai con lên đại học. Trải qua bao biến cố cuộc đời, người phụ nữ nghĩ mình đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn. Nhưng dịch bùng phát, có sức khỏe vẫn phải ở trong phòng, lại không thể về quê, lòng chị “rối như tơ vò”. Tuy nhiên ngay ngày đầu ở nhà, chị Ngân đã được bà chủ trọ mang trái cây, rau củ, cá mắm cho “ở nhà chống dịch”. “Phòng nào cô cũng phát như phòng nào, không chỉ đồ ăn đâu, từ nước lau sàn đến nước rửa chén cô đều cho. Tiền phòng tháng này tôi chưa có, nhưng cô cũng chẳng nhắc”, người phụ nữ 46 tuổi, nói. Ở trọ nhà chị Lê nửa năm, chị Ngân nhiều lần được chủ trọ giảm tiền phòng, bớt tiền điện nước. Hai ngày trước, cha con ông Phan Văn Út, 52 tuổi, thị trấn Hồng Ngự, Đồng Tháp ướt đẫm dưới cơn mưa đêm vì ngủ vỉa hè. Người đi đường thương hai cha con ông ghé cho cho bánh mỳ, sữa, nhưng e ngại dịch bệnh, không ai dám giúp ông một chỗ trú chân. Đúng lúc đó, trên mạng xã hội, bà Hồ Thị Phùng Hân, 51 tuổi, ở quận 12, đăng “tuyển người khó khăn” về ba phòng trọ còn trống của nhà mình ở. Một người đi đường biết cảnh ông Út, đã kết nối hai người với nhau. Hôm 26/7, hai cha con ông Út đã được về phòng trọ bà Hân ở, được cho mỳ tôm, cá khô, rau xanh và 100 nghìn đồng. Ông Út và con trai 14 tuổi được bà Hân đón về cho ở nhờ cho thực phẩm sống qua mùa dịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp. “Hai tháng thất nghiệp không đóng được tiền phòng, người ta không cho tui ở nữa. Vợ tôi bị suy tim, chết chưa được 100 ngày thì hai cha con lại bị đẩy ra đường, tôi chán nản lắm. Nếu không có người tốt như chị Hân và các mạnh thường quân khác, chúng tôi chẳng biết sống sao cho qua mùa dịch”, người đàn ông làm phụ hồ, nói. Ngoài ông Út, bà Hân cũng “tuyển” được một nữ sinh bị đuổi khỏi phòng trọ vì thiếu tiền phòng và mẹ con một bệnh nhân nghèo về ở. “Để họ cù bất cù bơ bên ngoài rồi sinh bệnh cũng khổ, mình còn phòng trống thì mình giúp người ta thôi”, người phụ nữ quê ở Huế, nói đơn giản. Đang ở Tân Phú, bà giao khu trọ cho một người quen quản lý, nhờ anh họ mang nhu yếu phẩm tặng. Khách ở trọ mùa dịch, bà Hân giảm tiền phòng nửa tháng, ai túng quá thì miễn. Bà chủ trọ cũng lên mạng xã hội kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ tiền bạc, đồ dùng thiết yếu để tặng các hoàn cảnh khó khăn và trẻ nhỏ. Sáng sớm ngày cuối tháng 7, anh Vũ Thành Lâm, ở Tây Mỗ, Hà Nội nghe có người gọi tên mình liên tiếp. “Ai đấy, Covid-19, có gì nói đi, tôi không mở cổng đâu”, ông chủ nhà đáp. Người đứng ngoài cổng giọng ngần ngừ: “Em là Sĩ, em chị Vân ở trọ nhà anh ạ. Dịch quá, không bán được gì, em sang chào anh chị em về”. Anh Lâm chúc họ lên đường bình an, rồi quay vào nhà. Nhưng Sĩ cứ đứng đó lúng túng: “Em thiếu tiền nhà tháng 7, em không có anh ạ”. Ông chủ trọ gạt đi: “Biết rồi, về đi. Nhớ đóng cửa, tắt điện, tắt nước, dập cầu dao cẩn thận là được”. Hai chị em rối rít cảm ơn rồi ra về. Anh cùng chị họ khuyết tật từ nhà ở Hậu Lộc, Thanh Hóa ra Hà Nội nửa năm nay bán tăm kiếm sống. Nhưng dịch bệnh, hai tháng liền họ làm không đủ ăn. Đường cùng, hai chị em chạy xe máy về quê. “Bình thường phòng tôi trọ giá khoảng 1,5 triệu, nhưng thương cảnh tôi khó khăn, anh Lâm chỉ lấy 800 nghìn đồng, thi thoảng lại cho tiền điện nước”, chị Nguyễn Thị Vân, 40 tuổi, bị liệt hai chân, nói. Sau nửa ngày ngồi sau xe máy, chị em Vân đã về quê, quây quần bên mâm cơm gia đình, không quên kể cho mọi người lòng tốt của một người xa lạ. Những người xa nhà ngày dịch như ông Út, chị Ngân, ông Cường… cũng thường xuyên cập nhật với người thân tấm lòng của chủ trọ. Phạm Nga Theo VnExpress