Sài Gòn, bao nhớ…


Lần đầu tôi đến Sài Gòn, năm 91, tất nhiên có hàng ngàn thứ lạ lẫm, một trong đó là chữ “bao”. Đầu tiên là gặp vựa trái cây, quận Tám bộn, có lẽ do ngay bến ghe thương hồ từ miền tây lên nên trái cây ngon, trái cây bao ăn. Tôi ghé vô hỏi thẳng, bao ăn là sao chú. Ông lão, tay chụp thơm ném dưới ghe lên thoat thoắt, miệng ngậm thuốc rê, trả lời gọn lỏn, ăn thoải mái, thích thì mua không thích đừng. Vậy là ghé thử liền, chôm chôm vĩnh long trái đỏ lựng, lột ăn thoái mái, sầu riêng tách vỏ sẵn, muốn ăn lấy tay xé ăn, măng cụt có con dao thái cắm miệng cần xé, ăn trái nào hớt đầu trái đó… Ăn xong, đã nư rồi mua mỗi thứ một ít, làm quà, cân 3 ký chôm chôm xong chị bán hàng còn bốc thêm vài bốc bỏ vô, một chục măng cụt tính 14 trái, mua trái sầu riêng được tặng luôn trái hồi nãy mới thử.

Lần nữa là chuyện bao rẻ, là chỗ bán đồ sida đường Nguyễn Đinh Chiểu, tôi mua cái áo jeans, chị bán áo nói đồ ở đây bao rẻ, đi đâu rẻ hơn lại đây chị đền, mua bận xong đi đi lững thững xuống cuối dãy, thấy cái áo y chang, hỏi ra giá rẻ hơn, tôi thiệt tình quay lại bắt đền. Chị bán hàng cũng thanh minh thanh nga, nói đồ cũ, tùm lum giá, nhưng mà đã bao rẻ thì chị tặng thêm cái nón jeans cho đủ bộ, lỗ của chị hai chục rồi nha. Vậy là vui lòng liền.

sai gon bao nho

Xưa thời sinh viên, tôi sống thoải mái nhờ mấy quán chuyên bao thiếu, thiếu thoải mái, không cần cầm cố, không cần danh tánh, không cần ai bão lãnh. Cơm có chị Phượng, café có quán Ngọc, nhậu có quán anh Tiên, ngày nào cũng một cữ cơm, một cữ café và một cữ nhậu. Không tiền cũng cứ vào quán, kêu những món quen thuộc, xong cứ đứng lên đi, đưa tay làm dấu trên không như chữ ký, rồi ra về, tiền bạc cuối tháng có tiền thì trả, không có hai ba tháng trả, nhiều đứa ra trường đi làm cả năm rồi mới quay lại trả, bình thường, người ta bao thiếu thì mình bao trả, không so đo.

Có lần tôi đánh nhau với giang hồ ở Thủ Đức, hai bên đánh xáp la cà, ném không biết bao nhiêu là ly chai, đánh xong đi về, băng giang hồ kia quay lại gặp chủ quán, bao nhiêu ly chai bàn ghế bị bể cứ nói một tiếng, đền đầy đủ. Lần khác tôi uống rượu với giang hồ bến xe Chợ Lớn, uống từ trưa, đến tối thì hết mồi, một anh trong bọn nói bữa nay ở nhà bà già nấu món gì đó, lâu quá tôi quên, để tao chạy về xin bả, nói đoạn ra dựng chiếc cối, chắc là có độ lại, rồ ga quay xe xẹt lửa, lao đi. Chẳng may màn biểu diễn xe không chuẩn lúc đã say, anh chàng bốc đầu quá chớn, xe quăng tới trước người rớt lại, chiếc xe quăng tới đụng vô một cái tủ thuốc, bể miếng kiếng, văng thuốc lá tùm lum. Chị bán thuốc chửi anh giang hồ, lúc này đang đau đớn lồm cồm dậy dắt xe, chửi té tát. Anh chàng đó, tôi nhớ là ở trần, người ngợm xăm vằn vện, thẹo thọ, nhăn nhở cười xin lỗi chị bán thuốc nọ rối rít, nói, thôi bà làm gì dữ vại, đừng chửi nữa, bao nhiêu tui đền, tui đền. Sau nhậu lại, mình nói anh chơi hay quá, ảnh nói, giang hồ với nhau chớ không giang hồ với người ta, mình sai phải xin lỗi, phải đền chớ, ui, nói nghe, dân sài gòn chơi bao đẹp, không đẹp không ăn tiền nha.

Sài Gòn đúng nghĩa buôn bán là vậy, xưa vậy, giờ hao mòn nhiều nhưng nếu gặp đúng người Sài Gòn, người miền tây thì vẫn còn. Trái cây bao ăn, bao ngọt, đồ ăn bao rẻ, quần áo bao đẹp, đậu xe bao trật tự, đi nhậu bao say, chơi bao vui, quán xá bao thiếu, hàng hóa bao thử, bao đổi, bao trả, kể cả tivi đầu máy điện thoại, mua rồi không ưng cũng bao trả lại luôn… “bao”, nghĩa là cam kết miệng rằng bạn phải hài lòng với cái mà bạn nhận được, bao hài lòng, cái chữ bao đơn giản nghe như chơi rồi bỏ, nhưng nó là cam kết nghiêm túc và hào hiệp, rất riêng, của người miền nam. Nhiều người buôn bán sau này từ nơi khác tới, học đòi chữ bao nhưng khó thực hiện, bởi muốn, phải thiệt lòng, thiệt tình, bởi không có luật nào bắt buộc phải “bao”, chỉ có thứ luật mơ hồ di truyền đâu đó từ những ngày khẩn hoang mở cõi, thời con người tin nhau, sống phải với nhau, tới bây giờ.

Bởi, tôi sống ở Sài Gòn hơn hai chục năm, tôi dám nói, Sài Gòn bao nhớ nha. Ai từng sống ở Sài Gòn, dù ghét dù yêu, dù đã ra đi tìm miền đất hứa hay quay về cố xứ sinh nhai, đều nhớ Sài Gòn, ai từng một ngày một bữa ở Sài Gòn, ăn dĩa cơm tấm tô hủ tíu bụi bặm, đi xe ôm lang bạt, ngủ nhà trọ bến xe… đều sẽ nhớ Sài Gòn, nhớ cái ồn ào bụi bặm, nhớ một mảng đời lộn xộn ngược xuôi, mạnh ai nấy sống nhưng yên tâm là ai cũng sống được, dù rất khác lạ, nhưng cũng rất thân quen, rất nhớ.

Như tôi, mỗi ngày, tôi đều nhớ Sài Gòn. Sài Gòn bao nhớ mà.

Theo Đàm Hà Phú


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: