Không nơi nào ở nước ta – và có lẽ cả nhiều nước trên thế giới – có mật độ quán cà phê dày đặc như Sài Gòn bây giờ. Đi đâu cũng gặp quán cà phê.Từ những quán cà phê sang trọng ở trung tâm thành phố giá bốn-năm chục ngàn đồng/ly, tới các quán cóc vỉa hè bảy-tám ngàn đồng/tách. Có người gọi người Sài Gòn là “dân cà phê” cũng không ngoa. Dĩ nhiên, người ngồi quán hầu hết là phái nam. Nói hơi cường điệu, có lẽ trong máu đàn ông Sài Gòn đều có chút cà phê. Từ người lao động bình dân tới giới giàu có sang trọng, hầu như sáng sáng ai cũng phải thưởng thức một ly cà phê. Có người tạt vào quán uống vội ly cà phê cho tỉnh người trước khi đến sở. Có những người cao tuổi, hưu trí, sáng sớm đi bộ quanh công viên hay chạy xe đạp vài vòng xong ghé quán ngồi nhâm nhi ly cà phê, đọc tờ báo hay ngắm nhìn dòng người xe qua lại. Thậm chí có người không uống được cà phê do bệnh tim mạch, huyết áp cao… cũng đến quán. Chỉ để uống chút gì đó. Để nhìn ngắm phố phường rộn ràng buổi sáng. Để trò chuyện với những người xung quanh về đủ thứ chuyện trên đời. Mấy năm gần đây xuất hiện thêm mô hình mới “Coffee to go”- cà phê mang đi – mọc lên khắp nơi trong thành phố, thường là gần các công ty, cơ quan, trường đại học… rất được giới trẻ ưa chuộng vì giá cả vừa phải. Những quán cà phê này chủ yếu phục vụ cho khách bận rộn, mua ly cà phê mười hai ngàn đồng mang vào cơ quan vừa uống vừa làm việc. Gọi “cà phê mang đi” nhưng nhiều người vẫn ngồi nhâm nhi tại quán, tuy ghế ngồi thường hơi nhỏ đối với những người to con nhưng chỗ ngồi cũng tương đối sạch sẽ gọn gàng. Lại nhớ một thời cà phê Sài Gòn mang phong cách Pháp. Cái cách pha cà phê sẵn trong bình rồi vặn vòi vào ly uống kiểu Mỹ không thuyết phục được người Sài Gòn. Một số quán cà phê có thương hiệu ở Sài Gòn bấy giờ có phong cách riêng, nhất là các quán văn nghệ. Nhiều quán tuy nhỏ, không sang trọng, nhưng vẫn tạo được dấu ấn sâu đậm, ai đã một vài lần đến quán sẽ khó quên. Cả những quán bình dân, quán cóc bên cạnh các tòa soạn báo, phim trường, rạp hát, nơi các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ lui tới, vẫn có sức hấp dẫn nhiều cộng tác viên hay những người ái mộ đến uống cà phê chỉ để được tiếp xúc những ký giả, nhà văn hay nhìn ngắm những thần tượng diễn viên, đào kép ngoài đời thực. Tôi nhớ nhất hình ảnh nhà văn Sơn Nam, bấy giờ tuy chưa tới năm mươi nhưng đã mang biệt danh “ông già đi bộ ”- mà sau này chuyển thành “ông già Nam bộ ”- bởi ông thường xuyên đi bộ. Lè phè với áo sơ mi bỏ ngoài quần, đôi dép Nhật lẹp xẹp, sáng sáng ông thường đi bộ đến các tòa báo đưa bài. Nhà văn Sơn Nam hay đến sớm, nhiều khi tòa soạn chưa mở cửa, ông ngồi quán cóc gần đó uống cà phê. Loại cà phê nấu trong chiếc túi vải mà giới bình dân hay gọi là “cà phê bít tất”. Ai gọi cà phê, chủ quán rót ra ly như rót nước trà, bốc hơi mù mịt. Lần đầu tôi thấy Sơn Nam uống cà phê bằng đĩa. Ông đổ cà phê ra đĩa, thổi thổi, bảo cho nó mau nguội, uống xong qua còn đi tòa soạn báo khác. Ngược lại, có những quán cà phê Tây sang trọng như Cái Chùa (La Pagode), Continental hay Givral… cũng là nơi gặp gỡ những văn nghệ sĩ nổi tiếng và giàu có. Dù quán sang trọng hay bình dân, thời trước hay bây giờ, người Sài Gòn mới hay cũ, khi đã là người Sài Gòn thì phong cách cà phê Sài Gòn cũng dần dà ăn vào máu hồi nào không hay. Nhưng cũng xin báo động: vừa qua, trên facebook, cửa hàng nọ có post một quảng cáo: “Cà phê pha sẵn” (dĩ nhiên bằng hương liệu hóa chất). Nếu những chủ quán cà phê vô lương tâm, hám lời, mua và bán loại cà phê này, những người uống không biết mai đây hậu quả sẽ ra sao? Rợn cả người! Nguồn: Phạm Chu Sa