Sài Gòn – TP.HCM không phân biệt kẻ mới đến, người cư ngụ lâu năm. Thảy đều kết bạn với nhau, cưu mang giúp đỡ nhau trong cơn bĩ cực. Có những nơi dù chưa đi đến đó nhưng qua ca dao, câu chuyện truyền miệng, qua lời ăn tiếng nói của địa phương ấy, người ta có thể cảm nhận và hình dung ra nét văn hóa đặc trưng. Từ đó, tự thâm tâm đã có ít nhiều tình cảm quý mến. Không câu nệ, không ức hiếp Thời hoa niên, hễ nghe ai nói đến Sài Gòn hoặc biết có người “vừa đi Sài Gòn về” là bọn nhóc chúng tôi lại háo hức, tò mò, hỏi han tìm hiểu. Cái vùng đất ấy có gì quyến rũ thế? Thì đây, sách vở còn ghi rành rành: “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu/ Anh về học lấy chữ Nhu/ Chín trăng em đợi mười thu em cũng chờ”. “Chữ nhu” là chữ Nho. Theo quan niệm thuở trước, ấy là chữ của đạo thánh hiền. Nói đến Sài Gòn, có một câu hỏi đã khiến nhiều người dù sinh ra tại đây, nơi khác nhập cư đến, luôn tự hỏi: “Tại sao vùng đất này dễ sống?”. Thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận gió hòa nên con người miền Nam, nói gọn trong phạm vi người Sài Gòn, tự nó đã dần dần hình thành những tính cách khác dù thống nhất từ Nam chí Bắc chung một cội nguồn. Trịnh Hoài Đức, nhà văn hóa tiêu biểu của Nam Bộ, nhận xét: “Ở Gia Định, khách đến thì mời ăn trầu trước hết, thết nước chè rồi đến ăn cơm bánh, cốt phải phong hậu. Không kể người thân hay sơ, lạ hay quen, tung tích thế nào, đã đến tất phải tiếp nhận thiết đãi. Cho nên người đi chơi phần nhiều không mang lương thực, mà lậu sổ, người trốn tránh khá nhiều vì có chỗ nuôi khách”. Không có sự phân biệt “ma cũ bắt nạt ma mới” như nếp nghĩ độc đoán đã hằn vết ngàn năm: “Ngụ cư phải tránh dân làng cho xa”. Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận trong Đại Nam nhất thống chí: “Tục chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài. Học trò đọc sách phần nhiều chú trọng sáng tỏ nghĩa lý vụng về văn chương”. Nơi đây chú trọng thực học chứ không mấy câu nệ vào sự đăng đối cầu kỳ, gọt đẽo chữ nghĩa. Sống ở Sài Gòn chẳng lo bị để ý, tò mò, tra hỏi gốc gác. Chơi được, kết nghĩa huynh đệ; bằng không thì thôi. Khi đến một vùng đất nào đó sinh sống, thường người nhập cư khó có thể trở thành người của địa phương đó. Nhưng ở Sài Gòn lại khác. Tính cách của vùng miền dễ dàng thay đổi cho phù hợp với tính cách chung của con người nơi này. Dần dần họ không còn cảm thấy mình là khách nữa, họ gắn bó với Sài Gòn như thể mình không phải dân “ngụ cư”. Trà đá miễn phí ven đường, một trong những cử chỉ đẹp của người Sài Gòn đầy nghĩa tình.Ảnh: Trần Duy Thấy người hoạn nạn thì thương… Cũng như bao người khác, tôi “hành phương Nam” và định cư tại vùng đất này. Thuở ấy, có những ngày từ khu làng đại học ở Thủ Đức, tôi cùng các bạn đạp xe ra trung tâm xem sách cho thỏa lòng mê sách chứ kỳ thực không có tiền mua. Trưa nắng chói gắt. Thời buổi khốn khó, thương lắm, quý lắm, ruột thịt lắm người ta mới nhường cơm cho mình. Lần nọ, chúng tôi vào chùa nghỉ tạm, mừng thay được bữa cơm no lại có thêm phần bánh trái đem về. Nhưng nhà sư trong chùa ấy mặc áo rách, lòi cả khuỷu tay. Thầy bảo: “Chùa nghèo, xung quanh đây bà con cũng nghèo, mình mặc áo lành xem sao đặng!”. Đó là bài học mà tôi đã lãnh hội. Thiên hạ sao mình vậy, khoe khoang mà làm chi, sống hòa đồng là hơn. Lại những lần khác, vượt qua cầu Sài Gòn lên lại Thủ Đức, cổ họng khát đắng, chỉ cần tạt vào bất kỳ ngôi nhà ven đường là có thể xin nước uống mát lành. Nếu thích, chủ nhà cho nằm võng giữa vườn đánh luôn một giấc mà chẳng phàn nàn. Họ chẳng cảnh giác gì sất. Thấy người hoạn nạn thì thương, đơn giản vậy thôi! Sau khi ra trường, tôi quyết định ở lại Sài Gòn để kiếm sống. Bấy giờ, tôi đi thực hiện hợp đồng quảng cáo cho cơ quan. Vào nhà máy bia Sài Gòn, người tiếp tôi bấy giờ là cô Vân, phó giám đốc. Sau khi nghe tôi trình bày, cô Vân đặt bút ký, tôi mừng rơn. Ngồi nấn ná thêm một chút, cô hỏi tôi về hoàn cảnh sống, tôi cho biết mới đi làm báo, đang ở trọ. Chẳng nói chẳng rằng cô đặt bút ký thêm vài kỳ quảng cáo nữa và dặn dò: “Cố gắng ở lại Sài Gòn làm việc cho tốt”. Lần thứ hai, chuyện thế này: Thời đó, có một sản phẩm công nghệ mới ra là máy phonelink. Ai đeo máy nghe tiếng kêu “bíp, bíp” là biết có tin nhắn đến. Được phân công, tôi đến Bưu điện TP.HCM gặp lãnh đạo là chú Xuân để phỏng vấn về chức năng của phonelink. Báo in bài, tôi quay lại tặng báo, chú Xuân vui vẻ tiếp chuyện, rồi hỏi tôi làm báo vất vả, đi lại nhiều, vậy đang đi xe gì. Tôi thành thật rằng đang đi xe đạp. Ngờ đâu chú bảo quay về tòa soạn lấy hợp đồng quảng cáo mang sang gặp chú. Số tiền hoa hồng ngày ấy đối với tôi cực lớn. Nhắc lại thì hơi kỳ cục nhưng tôi muốn kể lại thành thật, vì tôi hàm ơn. Người ta làm ơn có thể không còn nhớ nhưng mình hàm ơn thì phải nhớ. Người Sài Gòn, hễ ai giúp họ, dù không gợi ý, đòi hỏi đáp trả nhưng họ vẫn sẵn sàng giúp lại. Họ không ganh ghét, không “dìm hàng” mà chủ động giúp người khác nếu có khả năng. Ở Sài Gòn, anh em, bầu bạn chơi với nhau, có thể cả đời chưa ai ghé thăm nhà ai, chỉ gặp nhau ngoài quán nhậu nhưng đã thân tình thì rất mực. Mà thật lạ, dù sinh ra ở vùng miền nào nhưng lập nghiệp ở Sài Gòn, hầu như ai ai cũng có được đức tính ấy. Xin dám nói rằng: “Sài Gòn – vùng đất của mọi người”. Vì lẽ đó, bản thân mỗi người tự ý thức trách nhiệm của mình về vùng đất này, cùng chung tay góp sức tùy theo khả năng là vậy. Theo nhà văn Lê Minh Quốc/Pháp luật