Cha mẹ tôi là người gốc Bắc. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Nhà tôi trong con hẻm nhỏ, ngăn ngắn nhưng đầy đủ âm thanh và hương vị của mọi vùng miền. Buổi sáng, tôi được đánh thức bằng lời rao dịu dàng: “Xôi bắp, xôi vò, xôi đậu đen… đơi…”. Trong cơn ngái ngủ, tôi hình dung dáng vóc gầy gò của bà cụ mặc áo nâu, đội khăn mỏ quạ, gánh xôi thong thả đi qua con ngõ, phả vào không gian thoang thoảng thơm mùi nếp, đậu. Một lát sau, là tiếng rao lanh lảnh: “Ai bắp giã hông…” của một chị quấn khăn rằn, mặc áo bà ba trắng, trắng như những hạt bắp ngon ngọt non mềm trong cái thúng chị đội trên đầu. Xế trưa, sau tiếng rao thanh thanh ngọt ngào như chén chè táo xọn của chị người Huế là giọng mời chào của bà cụ bán cơm rượu. Thỉnh thoảng, bác thợ hớt tóc dạo ghé qua con hẻm khi nắng đã dịu, bóng râm bắt đầu trải dài. Thoáng thấy bóng bác từ xa là các anh tôi nhảy nhót giơ cao tay vẫy. Bác thợ nhanh nhẹn dựng chiếc xe đạp ngay trước cửa nhà, nhanh nhẹn lôi ra chiếc ghế xếp, mở hộp đồ nghề, bày biện các thứ dụng cụ, giũ tấm khăn đã ngả màu cháo lòng quàng quanh cổ khách hàng, nhấp kéo xăm xắp. Hơn nửa thế kỷ qua rồi, Sài Gòn của tôi giờ đây đã có nhiều thay đổi; đã vắng bóng ông lão gánh đôi thùng gỗ với cái trống lắc bập bung chùng chình qua ngõ chờ tiếng người gọi nhuộm mấy bộ quần áo cũ. Những đêm mưa cũng không còn tiếng rao lầm lũi “Chí mà phủ…ủ…ủ, lục tàu xá…á…á” quyện mùi hương béo ngọt, sưởi ấm cả màn mưa rả rích. Dù vậy, Sài Gòn của tôi, vẫn là vùng đất lành cho những đàn chim xứ khác ghé qua một lần rồi chẳng thể rời đi, cứ luyến lưu đậu lại, như gia đình tôi, như những người dân trong hẻm nhỏ của tôi, để rồi từ đó sinh ra những thế hệ người “Sài Gòn mới” với những cái tên hoài niệm một chốn quê xưa như Ngự Bình, Phú Phụng, Đông Anh, Đan Phượng, Duyên Hà… Nguồn: Viên Dung/ http://phunuonline.com.vn/