Những trận mưa mùa hạ quét qua thành phố, át đi tất cả. Chỉ còn lại tiếng mưa. Ở đời sống này đôi khi chúng ta cần cho mình những trận mưa, như vậy. Những trận mưa ầm ào, át đi tất cả. Chẳng còn gì ngoài tiếng mưa. Lỡ thương Sài Gòn YÊU NHAU Ở SÀI GÒN, TA CẦN NHIỀU HƠN MỘT TÌNH YÊU! Tôi có một người bạn. Thi thoảng chúng tôi vẫn nhắn tin cho nhau, những tin nhắn không đầu không cuối. Một bài viết hay. Một hình ảnh đẹp. Một thông tin thú vị. Hoặc một cuốn sách chúng tôi vừa mới mua. Nếu tôi thích, vài ngày sau đó, trong tủ sách của tôi sẽ có quyển sách ấy. Tôi thì từ lâu đã hình thành thói quen mua 2 quyển sách hệt nhau cùng lúc. Vài người bảo, chúng tôi giống nhau đến lạ lùng, ngay cả trong tác phong làm việc. Tôi thì nghĩ đó là cách chúng tôi bổ sung thông tin và kiến thức cho nhau. Một người bạn tốt là một người bạn mà khi đứng dậy, ta có thêm động lực để bước tiếp. Hình như có lần, Phan Thị Vàng Anh đã viết thế. Chúng tôi đều thuộc tuýp ít nói, có thể hòa vào đám đông, vào tập thể để làm việc, nhưng vẫn có điều gì đó khiến bọn tôi trở nên khác biệt với mọi người. Đôi lúc, điều đó cũng thú vị. Đôi lúc, có không ít khó khăn. Đâu phải lúc nào khác biệt cũng nhận được sự thông cảm. Thi thoảng, chúng tôi ngồi với nhau. Trước một buổi biểu diễn hoặc một bộ phim. Thường thì sẽ một người nói, người còn lại mặc nhiên ngồi nghe. Đứa nói nhiều ấy, là đứa đang vấp phải những rào cản, trong công việc, trong các mối quan hệ nhằng nhịt. Rất lâu sau đó sẽ có câu trả lời, đúng hơn là lời hồi đáp. Tôi không biết những điều tôi từng nói với bạn có giúp bạn gỡ được mối bận tâm hay là không, nhưng ở những đoạn gập ghềnh nhất của đời sống, bạn đã luôn chỉ cho tôi thấy được tia sáng dù heo hắt. Có lần, một lời đề nghị hấp dẫn về công việc được đưa ra, với điều kiện kèm theo, phải cho đối tác gặp bạn. Bạn vì tôi mà nhận lời. Hôm ấy, tôi đã viết trong sổ ghi chép của mình rằng: “Món quà quý giá nhất, không phải là những gì đã làm được, mà là bạn đã vì ta mà đồng hành. Vì ta mà gợi mở, vì ta mà vất vả.” Sáng nay ra phố chợ, ngồi thật lâu. Nghĩ cuộc đời dài thật dài, chỉ cần vài người bạn là đủ. Nói với nhau, vài thứ tào lao cũng được, nghiêm túc cũng được, ít cũng được, nhiều cũng được. Quan trọng là vẫn còn muốn nói với nhau. Tìm được một người mắt ướt nghe chuyện chưa đến 3 câu của mình thì phải ráng mà giữ. Đi bên cạnh nhau vốn dĩ không dễ dàng gì, dõi theo lại càng khó. “Phố thì dài, những ngã tư buồn vui…”. Tôi thích ngắm nắng tưng bừng nhảy múa trong vườn, trên những tán cây. Nắng chang chang ngơ ngác ở ngã tư. Những buổi trưa thanh vắng. Sài Gòn có góc Ký Con – Yersin tôi đặc biệt yêu. Hai ngày cuối tuần phố như ngơi nghỉ, những ngôi nhà của năm tháng cũ vẫn nguyên vẹn, im ỉm đóng, mặc nắng xanh ngập tràn, mặc lũ bồ câu ở đâu bất chợt sà xuống. Đi chán, bèn tạt vào quán cóc bên vệ đường, ngắm nắng trôi trên sông vắng. Bọn tôi cứ thế im lặng ngồi bên nhau. Tôi duỗi chân. Bạn châm một điếu thuốc – điều bạn chỉ làm khi thoải mái nhất. Thời gian rồi sẽ cuốn đi, bôi xóa tất cả. Ô cửa xanh. Bức tường vàng loang lổ. Kể cả ký ức của chúng tôi về nhau. Nhưng, bọn tôi đã kịp lưu giữ trong trí nhớ mình, màu nắng rong chơi đẹp đẽ này. Thứ khoảnh khắc mà năm 70, 80 một ngày thình lình ùa về và, vô tình cứa tim người khác nếu… chúng tôi không còn đi bên cạnh nhau, một ngày nào đó. Làm sao có thể nói trước được, những gì thuộc về tương lai? Ngoài kia nắng đổ đầy trời, điếu thuốc trên tay bạn vừa tàn. Có những thời khắc không cần quá khứ cũng chẳng cần tương lai. Chỉ cần niềm vui và hy vọng. Sài Gòn khuya tháng 6, mưa lất phất. Thứ mưa người ta chỉ hay biết khi ngước nhìn đèn đường. Thứ mưa giăng mắc những kỷ niệm trong trẻo, váng vất những tiếng hát mà thời gian như chẳng thể chạm vào. Cẩm Vân vẫn mái tóc búp bê, vẫn gương mặt và phong thái thản nhiên. Bao nhiêu cảm tình, bao nhiêu tâm sự dồn hết vào tiếng hát. Mấy lần nghe Cẩm Vân hát, trong nhà hát và trên đường sách với bạn bè, tôi nhận ra chị sẽ không bao giờ hát bài nhạc nào chị không rung động. Tiếng hát ấy cất lên từ con tim, không màu mè, phô diễn. Tiếng hát của đồng cảm chân thành. Khiến người ta nín thở, sợ lạc mất một âm giai nào. Gần ba mươi năm đi hát mà vẫn giữ được cảm tình hồn nhiên đó, quả tình hiếm ai làm được (người hiếm hoi khác là Bảo Yến). Ý Lan yêu kiều, duyên dáng. Lúc nào cũng phải đẹp nhất, trong trạng thái hoàn hảo nhất khi đứng trước khán giả. Chỉ tiếng hát thôi, Ý Lan đủ khiến người ta say, người mê đắm trước những luyến láy riêng biệt, hợp lý. Ơ kìa, đuôi váy lệch. Ý Lan vừa hát vừa chỉnh, thản nhiên như không, duyên dáng vô cùng. Người ta đến nghe Ý Lan nức nở, tỉ tê, người ta còn được ngắm Ý Lan nữa nên Ý Lan cứ thế từ tốn. Đâu đó trong những đoạn luyến, Ý Lan gợi nhớ tiếng hát như nước nơi thác cao từ trời rơi xuống của Thái Thanh. Nhưng Ý Lan chỉ là riêng Ý Lan thôi, tiếng hát như những giọt mê đầy bất ngờ. Và thăng hoa. Và tràn đầy biểu cảm của một người đàn bà đẹp, sang trọng mà không kiêu kỳ, điệu đà nhưng không nhõng nhẽo, yêu đời, yêu người, yêu chính mình. Bài hát ai đó đã hát, nếu đưa Ý Lan, nàng sẽ hát lại theo cách của nàng. Không bao giờ trộn lẫn, không bao giờ nhẫm lẫn. Hương Lan tiếng hát ngọt ngào, gợi nhớ và đánh thức những ngày thơ bé dân dã nếu bạn đi ra từ rơm rạ, ruộng đồng. Cô kiệm lời, ít đẩy đưa như cái tính chất phát của người miền Tây. Tất cả yêu thương dồn hết vào tiếng hát. Người già trong mắt bọn trẻ như thế nào? Vô dụng, hà khắc, lỗi thời, cản đường, chậm chạp, lẩm cẩm. Bệnh tật, phiền phức. Hay nhắc chuyện thời đẩu đâu. Không thể hiểu nổi. Sự đứt gãy thế hệ ngày càng tạo thành một khoảng cách không gì chống đỡ nổi. Nhất là khi nó có sự góp tay của mạng xã hội. Nhưng người già nào mà không từng trẻ với quá khứ dẫu đau buồn, tươi đẹp, với ước mơ dở dang hay nguyện thành,… tất cả ở tuổi xế chiều đều trong veo. Người già giàu tự trọng và sợ bản thân trở nên vô dụng. Sợ trở thành gánh nặng. Sợ phải đứng bên rìa cuộc sống. Cô đơn, ai mà không sợ? Và cũng có những người già sống một đời để đợi lóe sáng. Ánh sáng của một ngọn đèn sắp tắt, mãnh liệt. Đâu phải ngẫu nhiên ngày càng nhiều sách vở, phim ảnh chọn người già là đề tài. Có những ông bà bá đạo, kiểu “Ông trăm tuổi”, “Bà ngoại thời @”, “Bà nội gangster”,… Và cũng có những ông bà khó chịu, lạc lõng như “Người đàn ông mang tên Ove”,… Chúng ta có thực sự dành thời gian cho họ, yêu thương và hiểu họ? Dẫu là ai thì họ đều đại diện cho những chân giá trị chung mà người trẻ và xã hội cần nâng niu, gìn giữ. Đó là tình yêu thương, sự lạc quan, là nền nếp. Một xã hội quay lưng với người già, đồng nghĩa giẫm lên những điều tốt đẹp của quá khứ. Hạnh phúc là… Một cô em sang nước ngoài du học đã tặng tôi quyển sách bắt đầu bằng 3 chữ “Hạnh phúc là…”. Trong những ngày đen tối nhất, tuyệt vọng nhất, tôi đã tự viết cho mình bắt đầu bằng 3 từ ấy. Hạnh phúc là khi bạn bế tắc quá, không biết làm cách nào để thoát ra thì những nơi bạn viết réo bài và bắt nộp đề tài. Nó cho bạn động lực để đứng dậy và làm việc trở lại. Hạnh phúc là có những hôm bạn chán đời hết thảy, bạn của bạn gác mọi phiền hà, cho bạn qua nhà ngủ ké. Còn hỏi, có muốn ăn gì không, tao nấu? (dù tài nấu nướng của người hỏi có hạn). Hạnh phúc là có đứa em hay bị mắng nhưng nó chả bao giờ giận bạn. Thi thoảng, nó làm bạn bất ngờ bằng vài món xinh xinh, chẳng đáng bao nhiêu nhưng đầy quan tâm và chân thành. Hạnh phúc là khi bạn cáu với người bạn thương một câu, người ta im lặng. Dẫu bạn có thế nào thì người ta vẫn thương bạn. Hạnh phúc là khi bạn nổi điên, càm ràm sếp, sếp nhẫn nại bảo, bạn có nói gì thì sếp vẫn quý bạn. “Thực tại chính là giấc mơ dài nhất” Đó là lời của Khalid, một người đàn ông nhỏ bé, nhăn nhúm, sợ sệt khi ông bị đuổi việc vì “giấc mơ của ông không còn phù hợp với công ty” trong The Last Dream, bộ phim kéo dài 11 phút của đạo diễn Carmen Kobayashi. Công việc của Khalid suốt 6 năm qua, như nhiều người nói nhiều thứ tiếng khác nhau tìm đến công ty, bán những giấc mơ khách hàng cần. Bởi con người, trong tương lai, không còn mơ được nữa. Giấc mơ đó không được làm họ sợ hãi, hoang mang và phải có câu chuyện kết thúc có hậu. Hôm ấy, “giấc mơ” của Khalid là: “Tôi tự tay làm cho mẹ tôi vài cái bánh bà thích. Bà ăn ngon lành. Bà vẫn ốm, tôi không đủ tiền mua thuốc, rồi bà sẽ chết. Tôi vẫn còn nợ tiền nhà”. Khalid như một gói hàng hết hạn sử dụng, ngồi thu lu trên xe đẩy hàng ra ngoài. Giữa những cầu thang sáng choang lạnh lùng, ông nghĩ: “Tôi không hiểu. Có lúc tôi nghĩ mình mơ một giấc thiên thu. Thực tại chính là giấc mơ dài nhất”. Bạn còn mơ không? Giấc mơ của bạn là gì? Hay chúng ta cũng đang mắc kẹt trong chính giấc mơ của mình? Theo cand