Dự án cầu Thủ Thiêm 2 thông xe sau 7 năm thi công, rút ngắn hành trình từ trung tâm quận 1 sang TP Thủ Đức. Sáng 28/4, cầu Thủ Thiêm 2 thông xe. Từ hôm nay, người dân có thể đi qua cây cầu này từ quận 1 đến TP Thủ Đức. Sở Giao thông Vận tải TP.HCM lưu ý cầu Thủ Thiêm cấm xe sơ-mi rơ-moóc đi qua, đồng thời cấm tất cả xe dừng, đỗ. Người dân muốn đến đầu cầu quận 1 có thể đi từ đường Lê Duẩn, qua cầu Thủ Thiêm 2, dẫn xuống đường Tôn Đức Thắng. Người đi từ đường Đồng Khởi muốn lên cầu Thủ Thiêm 2 di chuyển theo tuyến Đồng Khởi, gặp Tôn Đức Thắng, đi theo nhánh cầu N2. Đối với đầu cầu TP Thủ Đức, người dân đi đường Mai Chí Thọ, đến đường Tố Hữu, đi tiếp đường R12 để qua cầu. Nếu người dân di chuyển từ cầu Thủ Thiêm 1 thì đi theo đường Nguyễn Cơ Thạch, đến đường Tố Hữu, đường R12 rồi gặp cầu Thủ Thiêm 2. Cầu Thủ Thiêm 2 – đoạn dẫn từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1). Ảnh: Chí Hùng. Bên cạnh đó, Sở GTVT cho biết hướng giao thông một số tuyến đường cũng được điều chỉnh. Từ 28/4, đường Nguyễn Du (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Hai Bà Trưng), xe di chuyển một chiều. Từ 7/5, đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Thị Minh Khai) xe đi một chiều. Riêng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đoạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Lê Duẩn, xe lưu thông một chiều. Còn đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Hữu Cảnh, xe máy được đi hai chiều và ôtô chỉ đi một chiều. Dự án cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn (quận 1), điểm cuối kết nối vào đường Trần Bạch Đằng (tuyến R1, TP Thủ Đức); tổng chiều dài gần 1,5 km. Công trình khởi công từ 2015 với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng. Sau nhiều lần trễ hẹn kể từ cột mốc năm 2018, cầu đã hợp long hôm 2/9 năm ngoái và hoàn thành trước 30/4 năm nay. Cầu Thủ Thiêm 2 được mong đợi đem lại diện mạo mới cho hai khu trung tâm sầm uất của thành phố. Công trình còn kết nối giao thông khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, hầm Thủ Thiêm. Đầu tháng 3 vừa qua, Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch đề xuất đặt tên cho cầu Thủ Thiêm 2 là Bason – tên gọi cũ xuất phát từ năm 1790, được Chúa Nguyễn Ánh đặt cho một trại thủy quân và xây dựng “Xưởng thủy” bên bờ sông Sài Gòn. Bason gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và từng được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia. Vị trí cầu Thủ Thiêm 2 – gạch đỏ. Ảnh: Google Maps. Theo Zing News