“Bản sắc” giữa một thành phố nhập cư


Hiếm có thành phố nào có mật độ dân số “khủng” như TP.HCM. Trong gần 10 triệu người ở Sài Gòn, không ít người là dân nhập cư đổ về từ các tỉnh thành khác trong cả nước.

Đôi điều về người Sài Gòn

Sài Gòn qua lăng kính nghệ sĩ ngoại

Chiều nay đi ngang qua cầu Sài Gòn, chợt có “hai anh trai” vượt lên trước mặt mình rồi cười nói gì đó không rõ. Trong ba giây, mình đã chuẩn bị sẵn sàng đề phòng bị cướp giật hỏi thăm, ai dè nhìn biển số xe mới biết là đồng hương. Hai anh mặc đồ công nhân in hằn nét khắc khổ trên gương mặt, áo quần cũng bê bết vôi vữa (có thể đang làm việc ở công trình nào đó), duy chỉ có nụ cười dành cho mình là tươi rói.

Bất giác thấy thương. Giữa lòng Sài Gòn tấp nập, nhìn thấy một người cùng quê thôi cũng đủ ấm lòng.

Đọc báo – một nét văn hóa của người Sài Gòn

Có khi nào ra đường, bạn bắt gặp hình ảnh những chú xe ôm cầm tờ báo buổi sáng? Những nhân viên văn phòng tranh thủ đọc tin tức bên một ly cà phê? Hay những cụ già cầm tờ báo mải mê đọc trong ghế đá công viên chẳng hạn?

Hôm nọ đến Nhà văn hóa Thanh Niên dự triển lãm ảnh báo chí, mình bắt gặp hai ông bà ở đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh cùng đến xem. Cụ bà đã còng lưng nhưng mắt còn tinh lắm, bà bảo: “Ông sức khỏe không tốt nhưng hai ông bà vẫn đi ta-xi tới đây. Tuổi già rồi, đọc báo, xem tranh ảnh để thấy cuộc đời này muôn màu muôn vẻ, nhiều khi chỉ cần coi một tấm hình về nghị lực sống cũng đủ làm bà vui”.

Người Sài Gòn là vậy, trí thức, văn minh và cũng gần gũi, giản dị như chính hơi thở cuộc sống.

Sài Gòn – Cái nôi của sự giao thoa văn hóa

Hồi nhỏ, mình ở miền Trung nhưng nghe được cả giọng Bắc, giọng Nam. Ấy là mình coi phim nhiều quá nên khi văn hóa vùng miền “đổ bộ” vào đầu mình thì rất dễ tiếp nhận. Lớn lên, vào Sài Gòn học, nhiều bạn nghe mình nói xong chỉ biết chớp chớp mắt vì không hiểu mình nói gì.

Ngày trước, mình tức lũ bạn đến phát khóc vì nói gì tụi nó cũng không hiểu. Bực quá, mình đổ thừa là tụi nó… nghe kém.

Bây giờ, ở Sài Gòn cũng khá nhiều năm rồi, mình thấy việc người ta không hiểu mình ban đầu cũng là một cái hay, bởi đó là cơ hội để tìm hiểu, tiếp xúc với nhau nhiều hơn.

Bạn mình nè, ưa một cô Nam Bộ, vậy là phải tìm cả nùi thông tin về ẩm thực, lối sống, cư xử của gia đình cô ấy. Vì vậy mà bây giờ, cậu ấy đã biết mua cá nấu ngót chứ không phải… mua cá về thả vô nồi canh rau ngót như hồi đầu.

Theo saigonchuyenchuake


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: