Bếp ăn từ thiện ở TP.HCM đỏ lửa trong Chỉ thị 16


Mỗi ngày, bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa (huyện Bình Chánh) gửi tặng hàng nghìn phần cơm miễn phí cho người khó khăn và người mắc kẹt trong các khu phong tỏa vì dịch Covid-19.

Những ngày TP.HCM thực hiện lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16, bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa (E9/187 đường Thế Lữ, ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) luôn hoạt động hết công suất.

Từ 3h, khoảng 20 thành viên của bếp đã thức dậy, sơ chế rau củ và nấu nướng để chuẩn bị hàng nghìn phần cơm chay phát trong buổi sáng.

Mở từ năm 1998, đến nay bếp ăn đã hoạt động hơn 20 năm. Theo lời chị Sáu, chủ bếp, trước đây gia đình chị chủ yếu tặng cơm cho người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (đường Võ Trần Chí, Tân Kiên, Bình Chánh) và những người lao động nghèo trên địa bàn.


Người dân tới bếp ăn nhận đồ đều đeo khẩu trang, xếp hàng giãn cách.

“Từ khi giãn cách xã hội, ngày càng nhiều người gặp khó khăn, bếp ăn của chúng tôi tăng số phần ăn lên gấp đôi, mỗi ngày phát trên 3.000 phần quà gồm cơm, gạo, bánh và khẩu trang. Thương nhất là những lao động tự do, người bán vé số, chạy xe ôm thất nghiệp, biết bao người dân nhập cư từ tỉnh lẻ vẫn phải gánh chi phí sinh hoạt, thuê trọ lúc này. Chúng tôi hy vọng có thể san sẻ cùng họ một chút để cùng vượt qua dịch bệnh”, chị Sáu nói với Zing.

Trao hy vọng cho người khó khăn

Gần 12h, chị Phạm Thị Thi (37 tuổi) chở cậu con trai gần 2 tuổi tới bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa để nhận gạo về chuẩn bị nấu cơm trưa. Sáng nay, con chị chỉ ăn tạm gói mì được phường hỗ trợ.

Từ giữa tháng 6, khu công nghiệp nơi vợ chồng chị Thi làm việc bị đóng cửa vì có ca nhiễm Covid-19. Suốt một tháng nay, cả nhà chị đều không có việc làm, mất thu nhập, phải chi tiêu dè sẻn với khoản tiền ít ỏi còn lại.

Vừa tới, chị Thi bế con trai tới lạy trước tượng Phật Quan Âm để cầu xin may mắn và cảm tạ sự giúp đỡ trước khi vào nhận đồ. Sau đó, chị cẩn thận rửa tay cho mình và con bằng lọ khử khuẩn đặt trên bàn rồi mới tới lấy phần gạo, bánh và khẩu trang.

Chị Thi đưa con trai tới bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa để nhận gạo.

“Tôi biết đến hoạt động của bếp ăn này từ lâu nên cũng có đôi lần ra xin nhận cơm chay. Đợt vừa rồi được phường cho mấy thùng mì với 20 kg gạo trong 21 ngày phong tỏa. Biết khó khăn của mình, chủ nhà trọ cũng giảm tiền nhà từ 1,3 triệu đồng xuống còn 500.000 đồng nên đỡ phần nào”.

“Quê tôi ở Kiên Giang, nhưng vì dịch bệnh nên đã lâu không về quê. Ở nhà còn có mẹ già 70 tuổi, vừa rồi vợ chồng định gửi về cho bà ít tiền nhưng đi lại khó quá nên không có ai cầm về giúp. Bản thân tôi không biết chữ nên không hiểu cách chuyển tiền qua mạng như thế nào. Tình hình dịch kéo dài thêm, tôi không biết gia đình mình sẽ xoay xở ra sao”, chị tâm sự.

Làm việc ở bếp đã 3 năm nay, chú Chuyện (60 tuổi) luôn túc trực để hỗ trợ những người đến nhận đồ.

“Đi qua đó lạy Phật một cái cảm ơn đi con, rồi qua đây lấy đồ nha. Mỗi người nhận một túi gạo, một bịch bánh với một chiếc khẩu trang, giữ khoảng cách nhe. Mọi người muốn nhận thêm cơm thì chiều khoảng 14h quay lại nhen, buổi sáng phát hết mất rồi”, chú vui vẻ hướng dẫn từng người.

Bếp ăn không phát theo khung giờ cố định mà phát từ sáng tới chiều để tránh người dân tụ tập.

Khi có đông người tới, chú Chuyện để người khác đứng phát còn mình ra hướng dẫn mọi người xếp hàng, đứng đúng khoảng cách, thực hiện quy định 5K về phòng dịch.

“Một phần do tôi lớn tuổi nên khi đứng nhắc mọi người như vậy, người ta sẽ dễ chịu hơn. Phát đồ từ thiện nhưng mình phải nói chuyện nhẹ nhàng, từ tốn để bà con không thấy mất lòng, cảm thấy thoải mái khi nhận được sự giúp đỡ”, chú tâm sự.

Trước đây, bếp ăn tập trung phát cơm từ 14h30 đến 17h. Hiện tại, để tránh lây nhiễm dịch, bếp ăn phát cả ngày để người dân có thể chủ động chọn gian tới nhận, tránh tụ tập đông người.

Bên cạnh phát tại chỗ, bếp nấu thêm hàng trăm phần cơm để gửi những nhóm làm từ thiện mang đi phát ở những khu vực bị phong tỏa, người vô gia cư, người khó khăn mùa dịch.

Từ thiện từ tâm

Nhiều năm qua, biết có nhiều người thân của bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khó khăn kinh tế, vợ chồng chị Sáu xây thêm phòng, mời họ về ở và lo ăn uống, sinh hoạt miễn phí. Thấy bếp ăn có hoạt động ý nghĩa, nhiều người nhà bệnh nhân ở đây cũng vui vẻ góp sức cùng làm cơm từ thiện.

“Các anh chị em ở đây làm liên tục, không phân chia giờ giấc, lúc nào thấy mệt sẽ đi nghỉ ngơi, ai đói thì chủ động tự lấy cơm ăn rồi làm tiếp. Công việc khá vất vả nhưng ai nấy đều nhiệt tình, được làm công việc ý nghĩa nên không ai kêu than mệt mỏi”, chị Sáu chia sẻ.

Hàng chục năm qua, bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa đã mở rộng nhiều địa điểm. Ngoài cơ sở ở Bình Chánh, bếp còn 2 cơ sở hoạt động ở quận 6 và Hóc Môn, có người quản lý riêng, tự chủ về tiền bạc.

Để chuẩn bị hàng nghìn phần cơm chay, những thành viên của bếp cơm làm việc liên tục từ sáng sớm tới chiều muộn.

Trước đây, chi phí đều do vợ chồng chị Sáu bỏ ra, dần dần có nhiều mạnh thường quân biết tới nên đã hỗ trợ cho các cơ sở khác, gia đình chị chủ yếu vận hành bếp ăn tại Bình Chánh.

“Trước đây, khi chợ đầu mối Bình Điền chưa bị phong tỏa vì dịch, đa số rau củ, quả của bếp đều được tiểu thương ở chợ mang tới cho, ít khi phải mua thêm. Hiện tại, chợ phải tạm đóng, rất nhiều mạnh thường quân ở TP.HCM cũng như tại các tỉnh miền Tây biết tới hoạt động của bếp ăn đã chủ động chở rau củ tới ủng hộ. Họ cho nhiều đến mức có khi chúng tôi còn phải mang rau đi phát chỗ khác, còn mình chỉ cần lo gạo và gia vị nấu ăn thôi”, chị nói.

Thời gian giãn cách xã hội, nhiều người gặp khó khăn, bếp ăn tăng gấp đôi số phần ăn phát ra, mỗi ngày tặng trên 3.000 phần cơm miễn phí. Để phục vụ bếp ăn, chị Sáu biến khu vực trồng nấm trước đây thành kho chứa gạo và rau củ.

Không thể trực tiếp phát tại bệnh viện như trước đây, bếp Nhơn Hòa đóng gói từng phần cơm rồi nhờ cán bộ quản lý trong viện chuyển tới bệnh nhân và người thân của họ. Chị Sáu cũng dự định xây thêm nhiều phòng cho người nhà bệnh nhân để có thể giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn trong tương lai.

“Tôi quan niệm muốn làm từ thiện phải xuất phát từ tâm. Chúng tôi không thích nói nhiều về việc thiện nguyện, chỉ tập trung vào mục đích của mình. Thời điểm này, tôi chỉ muốn chia sẻ để những người khó khăn vì dịch có thể tìm kiếm được sự giúp đỡ”.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: