Những lao động mất việc, người nghèo không chỗ ở được dự án “ATM nhà trọ cộng đồng” giúp chỗ ăn ở miễn phí, bớt gánh nặng tài chính để vượt qua đại dịch. Giữa trưa, cơn mưa lớn đổ xuống khu trọ 26 phòng ở con hẻm 345A đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12. Đứng trước cửa nhà, anh Hoàng Văn Tuyên, 27 tuổi, nhìn ra ngoài sân, thầm cảm ơn những người giúp đỡ mình có nơi che mưa, nắng. Anh Tuyên là người dân tộc Nùng, quê ở Lạng Sơn, vào Sài Gòn kiếm sống lúc 18 tuổi. Bốn tháng trước, công ty may 300 công nhân ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, nơi anh làm việc ảnh hưởng Covid-19 phải ngưng sản xuất. Mất việc, anh không thể trả tiền phòng trọ 1,8 triệu đồng mỗi tháng. Anh Hoàng Văn Tuyên trong căn nhà trọ miễn phí rộng 9m2 ở quận 12. Ảnh: Hà An Rời phòng trọ, anh Tuyên dọn sang xin ở nhờ công ty vừa đỡ tiền phòng vừa được hỗ trợ ăn uống. Tuy nhiên đến ngày 9/8, công ty thông báo không còn khả năng giúp đỡ, nam công nhân phải rời nhà máy. Anh được nhà máy hỗ trợ 800.000 đồng tìm chỗ ở mới, song số tiền đó khó thuê được chỗ trọ lâu dài khi thành phố giãn cách. Anh tìm những khu vực phát cơm từ thiện xin ăn qua bữa, đi vệ sinh ở những trạm xăng ven đường, tiện đâu ngủ đó Sau nhiều lần cầu cứu, anh tìm được thông tin dự án ATM nhà trọ miễn phí ở Sài Gòn. Từ số tổng đài, nam công nhân được đưa đến nhà trọ ở quận 12. “Nếu không có sự giúp đỡ này, chắc tôi phải ngủ ngoài đường nhiều ngày”, nam thanh niên nói. Cạnh phòng trọ anh Tuyên, chị Lê Thị Phương, 52 tuổi, còn nhớ như in buổi chiều 21 ngày trước, khi được chủ nhà trọ đưa vào nơi ở miễn phí trong cơn mưa tầm tã. Gần 3 tháng trước, khu trọ chị Phương ở đường Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6, xuất hiện nhiều ca dương tính. Người phụ nữ quê Tiền Giang cùng với những người trong dãy trọ bị lây nhiễm nCoV. Sau đó, chị Phương được đưa đi điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 6, TP Thủ Đức. Sau 3 tuần điều trị, chị ra viện nhưng không thể về phòng vì khu vực bị phong tỏa. Không người thân thích ở thành phố, chị gọi điện thoại về quê nhờ giúp đỡ. Cô con gái lên mạng tìm thấy dự án phòng trọ miễn phí, sau khi xét nghiệm âm tính, chị được vào phòng trọ ở tạm, chờ qua dịch. Chị Lê Thị Phương bên căn phòng trọ miễn phí, giúp chị có chỗ tá túc hơn 3 tuần nay. Ảnh: Hà An Gần ba tuần ở nơi mới, anh Tuyên và chị Phương cùng gần 30 con người từ khắp nơi đến mưu sinh ở Sài Gòn coi nhau như người thân. Ngoài phần gạo được hỗ trợ, họ góp những đồng tiền ít ỏi dành dụm mua thực phẩm, cử một người nấu ăn hàng ngày. “Cùng hoàn cảnh dễ đồng cảm, chúng tôi coi nhau như một gia đình”, chị Phương chia sẻ, mong dịch mau chóng qua để về thăm gia đình, sớm trở lại công việc thường ngày làm tạp vụ ở bệnh viện tại quận 3. Anh Tuyên và chị Phương là hai trong hơn 70 người cơ nhỡ không chỗ ở được dự án ATM nhà trọ cộng đồng do Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại TP HCM (YSW) hỗ trợ thông qua tổng đài 1900.638.090. Dự án được phát động hồi giữa tháng 8, nhằm chia sẻ phần nào gánh nặng về chỗ ở cho người khó khăn khi thành phố giãn cách xã hội. Cùng với ATM nhà trọ, YSW còn thực hiện chương trình ATM việc làm, kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ người mất việc. Hiện, YSW vận động được hơn 200 phòng miễn phí từ các chủ nhà trọ, mạnh thường quân khắp thành phố như phường Long Thạnh Mỹ, Tăng Nhơn Phú A (TP Thủ Đức), quận 3, 7, 12, Bình Thạnh… Để tăng nguồn cung nhà trọ miễn phí, nhóm dự án chia sẻ thông tin lên mạng xã hội vận động chủ nhà. Chủ trọ có thể đưa ra yêu cầu như tiếp nhận nhóm người theo nghề nghiệp, giới tính, tình trạng hôn nhân… Dựa vào những thông tin này, dự án sẽ điều phối người phù hợp. Khu trọ miễn phí giúp những người nghèo có nơi nương tựa khi TP HCM giãn cách xã hội. Ảnh: Hà An Anh Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc dự án ATM nhà trọ cộng đồng, thuộc YSW cho biết đang tiếp nhận hơn 200 người có nhu cầu hỗ trợ chỗ ở. Những người này sau khi được xác minh nhân thân phải xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi vào ở, hỗ trợ tiêm vaccine để đảm bảo an toàn phòng dịch. Dự án sẽ vận động các mạnh thường quân và địa phương giúp đỡ lương thực, thực phẩm cho họ. “Những người có nhu cầu tìm việc làm cũng được chúng tôi kết nối với các doanh nghiệp. Một số công ty cam kết sau khi dịch bệnh thuyên giảm sẽ tiếp nhận”, anh Tuấn nói và mong nhận được nhiều sự chung sức của các doanh nghiệp để hỗ trợ nhiều hơn những người yếu thế. TP HCM trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ từ Chỉ thị 15, 15 tăng cường, 16 và 16 tăng cường, bắt đầu hôm 31/5. Thời gian giãn cách kéo dài, nhiều người gặp khó khăn do bị hoãn việc, mất việc, nhiễm Covid-19 phải cách ly, điều trị… Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động TP HCM, chi phí nhà trọ chiếm khoảng 15-20% tổng thu nhập người lao động. Thống kê của thành phố mới đây nhất, có khoảng 1,5 triệu hộ khó khăn cần được hỗ trợ nhà trọ. Các địa phương đã vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền nhà cho người lao động, như TP Thủ Đức hơn 56.000 phòng trọ miễn, giảm với số tiền 45 tỷ đồng. Quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn… cũng vận động chủ trọ miễn giảm tiền trọ cho lao động nghèo. Theo thông báo mới đây của Trung tâm An sinh thuộc Mặt trận Tổ quốc TP HCM, hơn 200.000 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê cho hơn 451.700 phòng trọ toàn thành phố, với hơn 329 tỷ đồng. Theo Vnexpress