Trong khi dư luận đang bức xúc vì hành vi nhập khẩu rác để kiếm lợi cá nhân và huỷ hoại môi trường cộng đồng của nhiều doanh nghiệp tinh ranh, thì câu chuyện về ông già gom rác Tống Văn Thơm ở quận 12 – TP.HCM lại được lan truyền với cung bậc rung cảm khác hẳn. Chuyện tình chưa kể của ông lão mù bán bánh thuẫn ở Sài Gòn Chuyến xe ôm đêm và câu chuyện về ông lão gàn dở Cái dáng lầm lũi và nhẫn nại của ông già gom rác tuổi 68, như một nốt lặng xao xuyến giữa đô thị ồn ào, mà dư âm thật ngọt ngào cho mỗi trái tim còn biết yêu thương cuộc sống này. Ông già gom rác Tống Văn Thơm Khởi điểm của ông Tống Văn Thơm với nghề gom rác là vì không chịu được cảnh bà con vứt xác bừa bãi trong con hẻm nơi mình cư ngụ. Thuở ấy, quận 12 – TPHCM còn là khu vực ngoại ô, chả mấy ai chú ý đến sự tồn tại của… rác. Ông Tống Văn Thơm nghĩ khác, ngoại ô càng càng phải sạch đẹp, vậy là ông chủ động đi gom rác. Ban đầu ông làm một mình, sau đó lôi kéo thêm vài người nữa, và hình thành một hệ thống gom rác dân lập. Ông Tống Văn Thơm cứ gom rác hết năm này qua năm khác, rồi đến ngày Nghiệp đoàn rác TP.HCM ra đời vào năm 2004. Người ta bầu ông làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề vệ sinh dân lập quận 5. Nghe thì có vẻ cũng có chức tước, nhưng ông Tống Văn Thơm chẳng màng quan tâm, ông vẫn lụi hụi đi gom rác với niềm hạnh phúc của một người lao động chân chính. Ông Tống Văn Thơm là một người nghèo. Đúng, đến hôm nay vẫn nghèo, ông vẫn phải thuê trọ trong một con hẻm trên đường Lê Văn Khương, quận 12. Mỗi ngày, ông rời khỏi nhà từ sớm, đi gom rác đến chiều thì trở về căn phòng nhỏ được người quen cho mướn với giá rẻ. Đó là thời gian ông khám phá… rác! Khó tin phải không? Ông Tống Văn Thơm chia sẻ, chính những lúc gom rác thì ông phát hiện có những loại rác vẫn có thể tái chế thành những vật trang trí hữu dụng. Vậy là ông mang rác về nhà và cặm cụi sáng tác. Ông bảo, vì nghèo nên lắm lúc nhìn những đồ bị vứt vào sọt rác khiến ông thấy tiếc. Chỉnh sửa lại, hoặc ghép cái nọ vào cái kia sẽ có được món hàng độc đáo. Nhiều đồng nghiệp của ông Tống Văn Thơm nhặt nhạnh từ rác để có những thứ đem bán lại và không ít người đổi đời. Còn ông thì không, ông có thú vui của ông là… tái chế rác. Hiện tại, ông Tống Văn Thơm có hơn 2.000 mô hình là sản phẩm tái chế rất lạ mắt, rất ấn tượng. Cách đây không lâu, vài đài truyền hình làm phóng sự về ông Tống Văn Thơm, khiến gia tài rác tái chế của ông cũng bị dòm ngó ghê lắm. Những bộ đèn từ rác tái chế, chiếc mô tô từ rác tái chế, bộ đĩa hát bằng rác tái chế… đều được trả giá rất cao. Thậm chí, nếu bán hết cũng có được tiền tỷ, nhưng ông Tống Văn Thơm khước từ những giao dịch hấp dẫn ấy với lý do rất hồn nhiên: “Lâu nay, nhiều người buôn bán đồ cũ, người sưu tầm đồ cũ rất ưa thích đồ của tôi nhưng tôi không muốn bán. Đây là tài sản của công sức bao nhiêu năm sáng tạo đồng thời là của để dành khi gia đình có việc hữu sự”. Tuy nhiên, điều khiến người dân Sài Gòn yêu mến ông Tống Văn Thơm không phải chỉ qua những vật tái chế mang tính “cũ người mới ta”, mà chủ yếu vì thái độ sống tích cực của ông. Mỗi ngày, ông Tống Văn Thơm vẫn đi gom rác bằng một chiếc xe máy cà tàng nhưng cực kỳ dễ nhận diện. Bởi lẽ, trên xe máy của ông, ngoài con vẹt đứng vắt vẻo thỉnh thoảng kêu vài tiếng vui nhộn còn có cả bình chữa cháy và một hộp cứu thương ghi rõ “Sơ cứu tai nạn” với cả số điện thoại cho những ai cần sự giúp đỡ từ thiện. Ông Tống Văn Thơm chia sẻ rất chân thành: “Trên đường, hễ ai trục trặc gì thì tôi cũng tương trợ được. Xe ai bị thủng lốp thì tôi vá dùm. Còn ai bị trúng gió thì tôi cạo gió dùm. Thậm chí, ai gặp tai nạn giao thông thì tôi cũng hỗ trợ băng bó tạm thời trước khi vào bệnh viện!”. Câu chuyện được ông Tống Văn Thơm kể lại khiến nhiều người trầm trồ nhất là lần ông sơ cứu cho một vị bác sĩ. Đó là hôm ông Tống Văn Thơm đang chạy xe đi gom rác thì thấy một người đàn ông va quệt xe máy và ngã lăn ra đường. Chạy đến đỡ người đàn ông kia dậy, ông Tống Văn Thơm phát hiện nạn nhân bị bong gân ở bàn chân. Lập tức, ông Tống Văn Thơm trổ tài của một thầy thuốc chưa từng học qua trường lớp nào. Ông già gom rác Tống Văn Thơm Ông Tống Văn Thơm không ngờ là nạn nhân trước mặt ông là một bác sĩ dày dạn kinh nghiệm ở một bệnh viện lớn của TPHCM. Xúc động trước nghĩa cử của ông Tống Văn Thơm và quan sát thao tác của ông cũng thành thục nên vị bác sĩ cứ yên tâm để ông Tống Văn Thơm sơ cứu cho mình. Còn ông Tống Văn Thơm thì cứ vô tư làm một người tốt giữa xã hội xô bồ: “Sau đó, tôi hỏi ông ấy đi nhà thương nào thì tôi chở đi. Thấy chân ông ấy bị thương nặng không chạy xe được, tôi gửi xe của ông ấy vào trường học gần đó. Rồi ông ấy nhờ tôi chở ông vào bệnh viện của ông”. Đến bệnh viện, ông Tống Văn Thơm mới vỡ lẽ người vừa được giúp đỡ thuộc đẳng cấp “không phải dạng vừa đâu”. Ông bác sĩ trước khi được các y tá cấp dưới chăm sóc, đã xin chụp ảnh kỷ niệm với ông Tống Văn Thơm cùng chiếc xe “Sơ cứu tai nạn” ngộ nghĩnh như một chi tiết truyện cổ tích. Vị bác sĩ ngỏ ý bồi dưỡng ít tiền, ông Tống Văn Thơm lắc đầu. Không muốn ân nhân khó xử, vị bác sĩ đưa danh thiếp của mình và dặn khi nào cần gì thì đến tìm ông. Ông Tống Văn Thơm thổ lộ, ông có quay lại tìm vị bác sĩ, nhưng chỉ để xin bông băng và thuốc men phục vụ cho chiếc xe “Sơ cứu tai nạn” của ông trong quá trình rong ruổi hành hiệp trên phố xá. Một người gom rác có thể cứu thương cho một bác sĩ, có lẽ là điểm son khó quên về lòng tốt của con người trong nhịp sống hôm nay. Ông Tống Văn Thơm không coi hành động ấy như một chiến công hay một kỳ tích gì. Bởi lẽ, vị bác sĩ kia cũng giống như hàng trăm, hàng ngàn người khác mà ông Tống Văn Thơm từng gặp gỡ và từng giúp nhau lúc nguy khốn. Tuy nhiên, hình ảnh ông Tống Văn Thơm giúp những ai thờ ơ và lạnh lùng với đồng loại mình phải có lúc suy nghĩ lại. Lòng tốt đâu phải những lời hay ho rao giảng. Lòng tốt cũng không cần nguỵ trang dưới những vỏ bọc sang trọng và lịch lãm. Lòng tốt bình dị và sáng trong luôn tồn tại ở những con người chất phác, bần hàn và lương thiện như ông Tống Văn Thơm. Theo nongnghiep