4h chiều, gặp ông lão trong một ngày nắng đã hanh hanh. Vẫn áo sơ-mi trắng bay màu cháo lòng, đôi dép lào, chiếc quần tây, đứng ở ngã tư Hậu Giang (Q.6, TP.HCM) vẫy cọc vé số: Vé số đi, vé số chiều xổ cô ơi! Sài Gòn dễ thương với ông lão ve chai vừa đạp xe vừa nghêu ngao hát ‘Xuân ơi xuân đã về’ Ông lão 83 tuổi 60 năm sửa ghe thuyền ở Sài Gòn Lão “khờ” hơn 20 năm bán vé số khắp Sài Gòn Tối 29/5, trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh “ông lão vé số mếu máo khóc trong mưa”. Câu chuyện đằng sau bức ảnh đã chạm đến trái tim khiến nhiều người, cảm thương hơn cho số phận của người lao động nghèo khó. Chủ nhân bức ảnh, anh Lê Minh Pháp cho biết: Khoảnh khắc đó là tình cờ bắt gặp trên đường phố, vào một ngày mưa to nên ông bán vé số ế ẩm đến bật khóc. Chúng tôi cuối cùng cũng có cơ hội gặp lại ông lão vào một ngày nắng đã hanh hanh. Vẫn chiếc áo sơ mi trắng bay màu cháo lòng, đôi dép lào, chiếc quần tây, đứng ở ngã tư Hậu Giang (Q.6, TP.HCM) vẫy cọc vé số: Vé số đi, vé số chiều xổ cô ơi! Theo đó, ông tên là Tô Văn Tài (57 tuổi), đã hành nghề bán vé số dạo được 20 năm. Nhà ông Tài ở tận Cần Giuộc (Long An), hằng ngày ông vẫn đạp xe lên Sài Gòn đi bán. Ông cho biết: “Sáng 7h chú đạp xe lên Chợ Lớn (Q.6, TP.HCM) đi khắp nơi ở Sài Gòn bán vé số. Mỗi ngày như thế được 150 tờ, chú lời hơn 100 nghìn đồng”. Vào cuối buổi chiều, ông lại ra đứng ở ngã tư Hậu Giang – Phạm Đình Hổ bán cho đến 6h tối lại đạp xe về quê. Ngoài ông, vợ cùng hai đứa con cũng hành nghề vé số dưới quê. Người quanh khu vực ai cũng yêu thương ông lão vì tính tình thật thà, lại hay cười. Chị Minh (37 tuổi, đại lý vé số) cho biết: “Tuy nhà nghèo nhưng chú Tài sống nghĩa tình lắm. Từ hồi đi bán, chú không bao giờ nhận tiền cho hoặc thừa của khách. Nếu có ủng hộ thì mua giúp tờ vé số để chú kiếm đồng lời. Có nhiều lần ế ẩm, mọi người góp tiền để chú về quê mà chú nhất quyết không nhận, còn bảo: Ai làm công cũng khổ như nhau. Ở đây, ai ai cũng thương chú cả”. Kể về tấm hình được chụp, ông lão chỉ cười: “Đâu có biết gì đâu, ai đó chụp lén rồi đưa chú lên mạng. Hôm đó, mưa đổ lớn mà chú vẫn phải nán lại để bán. Đã quá giờ mà tập vé số còn dày cộm, ức quá nên mếu máo thôi”. 10k, 20k, 50k… và tấm lòng thơm thảo người Sài Gòn Ngay sau khi tấm hình “ông lão vé số mếu máo khóc dưới mưa” được đăng tải, nhiều người đã tìm đến dòng địa chỉ để tìm và ủng hộ ông. Vô số người dúi vào tay ít tiền nhưng nhất quyết không nhận, lúc nào cũng gửi trả lại bằng những tờ vé số. Anh Phát (24 tuổi, Q.10) kể: “Khi thấy tấm hình mình đã vô cùng xúc động nên quyết tìm cho được chú để trao ít tiền. Mình đã tính đưa ông 1 triệu nhưng ông nhất quyết không nhận, nên đã phải mua phụ 20 tờ vé số”. Không những thế, người đi đường hay thấy ông lão nhỏ thó lạc giữa dòng xe cộ, vậy mà lạc quan hay cười lắm, nên cũng hay mua dùm. Chú Nam (52 tuổi) chia sẻ: “Già lắm rồi vậy mà ngày nào cũng lao ra đường, ra xe để kiếm từng đồng vé số, nhiều hôm mưa vé ế còn khóc nữa. Thương lắm nên lần nào qua đây chú cũng mua ủng hộ vài tờ, lão nhận dư là thối liền à”. Đúng 4h15 vé đã xổ, ông lão vẫn cần mẫn đi bán từng tờ vé số, quên cả thời gian. Người ta vì thương tấm lòng thật thà của ông nên dù biết trễ giờ vẫn phụ mua. Chị Thương (35 tuổi) cho biết: “Có hôm tận 5 rưỡi, 6 giờ… chú còn đứng bán nữa kìa. Chị biết là vé đã xổ rồi nhưng mình mua cốt là giúp đỡ nên vẫn mua thôi. Chú hiền, cười miết à!”. 5h chiều, nắng vừa dứt khỏi lưng, tôi mua tờ cuối cùng cho ông. Hỏi: – Hôm nay ông bán đắt chứ? – Ông cười: Đắt nhất bữa giờ. – Sao đắt thế? – Thì có bữa đực bữa cái. Giọng tỉnh rụi. Chẳng hề hay biết rằng người Sài Gòn đã giúp ông thế nào, ông lão lại cười, thong dong đi trên những vạch trắng trên lề đường ra về, đôi tay gầy guộc lủng lẳng ít đồ ăn. Ông bảo: Cô vé số cho đem về quê. Đó là bữa cơm tối của gia đình hay gì tôi không biết? Chỉ biết đó là tấm lòng người Sài Gòn mãi dành cho “ông lão vé số mếu máo khóc trong mưa” mà thôi. Theo saostar