Mỗi sáng sớm, ông Tâm lại đẩy chiếc xe hàng chở vợ và con trai đi bán vé số. Tối đến cả gia đình lại quay về bên góc cầu Lê Văn Sỹ để ngủ. Không nhà cửa, cuộc sống thiếu thốn, nhưng tổ ấm của họ vẫn không tắt đi tiếng cười bao giờ. “Tiếng sét ái tình” với người phụ nữ mù lòa Cách đây 12 năm, ông Hồ Thanh Tâm (SN 1965, quê ở Đắk Lắk), trong một lần tình cờ đi theo xe khách của một người trong làng xuống Phú Yên chơi thì gặp bà Nguyễn Thị Rạng (SN 1967, vợ của ông bây giờ). Lúc đó, ông đang nghỉ chân ở một quán cơm nhỏ thì thấy bà Rạng đang đi xin việc làm thêm ở đây. Nhìn thấy đôi mắt của bà không còn nhìn được nhưng vẫn cố gắng lao động như bao người khác, ông Tâm cảm thấy thương mến rồi lân la trò chuyện. Như một định mệnh cho hai người gặp nhau, chỉ sau mấy ngày ở Phú Yên, ông đã quyết định sẽ lấy bà Rạng làm vợ. Hai vợ chồng ông Tâm đang trò chuyện với nhau Thời gian đầu khi dọn về sống chung, ông Tâm ở cùng với gia đình của vợ. Vì cùng hoàn cảnh nghèo khó như nhau nên anh em trong nhà bà Rạng rất thương ông. Hai vợ chồng ban đầu đi làm thuê cho những gia đình làng chài ở ven biển Phú Yên, ông phụ giúp người ta làm cá để chưng cất nước mắm, bà Rạng do trong người mang nhiều bệnh tật, thường xuyên đau ốm, hai mắt lại mù lòa nên thỉnh thoảng mới đi làm được với chồng. Công việc làm thêm vất vả và khó khăn, có những ngày ông theo chân mọi người ra biển để đánh bắt cá nhưng không thu hoạch được mẻ cá nào. Tiền công cho mỗi lần đi như vậy chỉ được mấy chục ngàn, không đủ để chi trả cho những bữa cơm hàng ngày của hai vợ chồng. May mắn được nhiều người thương, thỉnh thoảng họ lại nấu cho ông bà một nồi cá kho; một ít tôm; ít mực, hai vợ chồng nhờ vào đấy mà cũng sống được qua ngày. Bà Rạng đau yếu không đi lại được nên chỉ nằm một chỗ. Vì cuộc sống quá khó khăn, hai người quyết định rời xa quê hương lên Sài Gòn tìm việc. Ông Tâm người gầy gò, lại hay bị đau đầu nên không làm được những công việc nặng nhọc, bà Rạng thì yếu, mắt lại không nhìn thấy nên chồng đi đâu thì bà theo đó. Được nhiều người giúp đỡ tận tình, ông bà tìm được công việc bán vé số. Buổi sáng ông dẫn bà đi bộ dọc theo con đường Trường Sa để bán, tối đến thì về ngủ nhờ ở một đại lí vé số gần đấy. “Đi bán vé số cực lắm, một tờ vé số lời được có 1.000 đồng, ngày nào may mắn thì bán được hết. Có nhiều hôm trời mưa ế ẩm, vé số không ai mua nên phải đem về trả lại cho đại lí, người ta không trách móc nhưng mình không bán được nên tôi thấy áy náy lắm”, ông Tâm chia sẻ. Cậu bé ham học và tổ ấm dưới chân cầu Cuộc sống của hai vợ chồng ông Tâm càng vất vả hơn khi bé Hồ Thanh Nam ra đời. Bà rạng sau khi sinh con sức khỏe lại yếu hơn nên không đỡ đần được cho chồng. Tích cóp được một ít tiền, ông mua lại một chiếc xe đẩy bán hàng. Không để vợ phải đi lại nặng nề, ông để bà ngồi ở trên xe bế con còn ông thì đẩy xe. Một lần ông Tâm đẩy xe không quen tay khiến xe bị lật, bà Rạng ngồi trên xe đang bế con thì rơi xuống đường, bé Nam may mắn không bị sao còn bà bị thương ở đầu phải khâu nhiều mũi, từ đó bà bị đau đầu không ngồi dậy mà đi lại được. Cả nhà rong ruổi cùng nhau đi bán vé số, sáng đi tối lại về. Ngày trước ông bà thường ngủ nhờ ở nhà đại lý, lâu dần không muốn làm phiền đến mọi người nên ba người dọn ra đường sống, chiếc xe trở thành “nhà” ở của ba con người. Vì không có nhà nên gia đình phải tắm rửa vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng, ăn uống thì trên xe, ông Tâm nhường vợ con ngủ trên xe còn mình ngủ trên chiếc ghế xếp cũ kĩ. Bé Nam rất thương mẹ, ngày nào em cũng ôm mẹ và giúp bố bán vé số. Mỗi khi nhớ nhà, ông lại dẫn vợ con về quê nhưng cuộc sống ở quê khó khăn, việc làm cũng không ổn định nến cả nhà lại khăn gói quay lại Sài Gòn. Người dân xung quanh ai cũng thương hoàn cảnh vất vả, ngày nào cũng mua vé số ủng hộ gia đình. Họ cũng là dân lao động, đầu tắt mặt tối kiếm miếng cơm manh áo nên dù chỉ là mua ủng hộ một tờ vé số nhưng ông bà cũng rất cảm kích. Bé Nam hào hứng khoe vở tập viết của mình. “Mọi người ủng hộ nhiều quá nên tôi cũng thấy ngại lắm, mình cũng đi làm như người ta mà không giúp đỡ gì được cho ai, tôi chỉ mong ngày nào cũng bán được hết vé số, đủ tiền mua cơm cho vợ cho con. Vợ tôi bị bệnh đau ốm thường xuyên nên các bác sĩ ở trong bệnh viện cũng hay giúp đỡ tiền thuốc, như vậy là cảm kích lắm rồi”. Bé Nam năm nay đã 8 tuổi nhưng không được đi học vì hoàn cảnh gia đình không cho phép. Thấy con ham học, thích được viết chữ, được đọc sách nên ông Tâm cũnng cố gắng để xin học cho con. Thế nhưng đi trường nào cũng không xin được vì có trường yêu cầu nhiều giấy tờ, trường thì đông quá nên không nhận thêm học sinh. “Vừa rồi tôi có qua bên trường tình thương ở đường Tú Xương để xin học cho con nhưng vì muộn quá nên họ hẹn tới năm sau. Bố mẹ nào cũng mong cho con được học hành đàng hoàng, dù khó khăn đến mấy chú cũng cố gắng đi làm rồi vay mượn để có đủ tiền để đóng học phí cho con”. Chiếc xe đẩy cũ kĩ của cả gia đình ông Tâm Mỗi ngày đi bán vé số với bố mẹ, bé Nam luôn mang sách vở ra để học, em tự mình viết chữ rồi học thuộc bảng chữ cái. Gia tài học tập của em là một chiếc balo, một quyển sách tập đọc và mấy quyển vở. “Con muốn đi học lắm, muốn được đi học lớp ba với bạn bè nhưng bây giờ con mới đọc được sách lớp một thôi. Sau này lớn lên con muốn được đi làm ở trong công ty, kiếm thật nhiều tiền để nuôi bố mẹ”, bé Nam tâm sự. Cuộc sống cực khổ nên ông Tâm bao giờ cũng lo cho vợ cho con trước rồi mới đến lượt mình. Nhìn cách ông chăm vợ lúc đau ốm, ân cần dạy chữ cho con khiến ai cũng phải cảm động. Dù cực khổ nhưng ông Tâm nói, ở đâu có đủ 3 người, thì đó là nhà. Do vậy dù khó khăn cũng phải cùng nhau vượt qua và giữ tinh thần lạc quan nhất có thể. Mơ ước đến cuối đời của ông là bé Nam được đi học cho bằng bạn bằng bè, được có một ngôi nhà đàng hoàng cho vợ và con sinh sống. Theo Hà Ngân / Trí Thức Trẻ