Vào đầu thế kỷ XX, chung quanh chợ Bến Thành có nhiều nhà hàng khách sạn phục vụ khách Sài Gòn và lục tỉnh. Nếu nhà hàng khách sạn Cửu Long góc đường Aviateur Roland Garros (nay là Thủ Khoa Huân) và rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn) gần chợ Bến Thành là nơi tụ họp của giới văn nghệ sĩ, nhà báo, trí thức thì nhà hàng Nam-Kin ở khu tài chính trên đường Lefèbre (Nguyễn Công Trứ) là nơi tụ tập của các doanh nhân, kỹ nghệ gia, điền chủ. Cả hai nơi này các ban nhạc đờn ca tài tử từng đến trình diễn trong những năm đầu khi cải lương thành hình và bắt đầu phát triển. Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Đại lộ Charner – Nguyễn Huệ, chốn cực phẩm phong lưu Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Bà bầu bất cần đời và phòng trà đại gia Ban đầu cơ sở của nhà hàng Nam-Kin do ông Simon Gẫm mướn và quản lý bắt đầu từ 14.9.1923. Vị trí nhà hàng nằm gần các cơ sở thương mại lớn dọc bến Chương Dương như Ngân hàng Đông Dương, Ngân hàng Hong Kong – Shanghai, các văn phòng thương mại bảo hiểm hàng hải, các công ty xay xát lúa gạo, xuất nhập cảng và những cửa hàng buôn bán Pháp, Hoa, Việt. Vì thế khách đến nhà hàng thường là các thương gia, doanh nghiệp. Trước cửa nhà hàng có bảng ghi giá lúa, gạo, hàng hóa hối suất tiền tệ mỗi ngày do phòng thương mãi công bố. Nhà hàng có các báo hàng ngày cho khách hàng đọc. Nhà hàng Nam-Kin đường Lefèbre, khu các ngân hàng (nguồn: flickr Manhai) Ông Simon Gẫm có lời cáo bạch đăng trên tờ Écho Annamite (16.4.1924) như sau: “Nhà hàng hiệu “NAM-KIN” ở đường Lefèbre 11 et 13, tôi đã mướn lại rồi. Kể từ ngày 14 Septembre mở cửa buôn bán luôn luôn. Những người nấu ăn ròng là người khi trước có nấu cho nhà hàng Ollivier, thiện nghệ; nên quí ông quí bà có tiệc dầu gần, dầu xa, hoặc ít, hoặc nhiều, tôi cũng dám lảnh và sẽ ráng làm cho toàn vẹn. Có thợ riêng làm các thứ bánh mỗi ngày: quí ông quí bà muốn đặt thứ bánh nào cũng có và bất kỳ là bao nhiêu tùy thích. Nhà hàng “Nam-Kin” mở cửa bán luôn cả ngày. Có phòng ăn riêng cho quí khách muốn đặt đồ ăn theo ý mình (menu spécial). Trước cửa nhà hàng có dán tờ thông báo hằng ngày của phòng thương mải nói về giá bạc giá lúa, hàng hóa nhập cản (sic), xuất cản (sic), vân vân. Có để đủ các thứ nhựt trình tùy ý quí khách xem chơi. Simon GẪM, Directeur du Restaurant” Như vậy trước khi ông Simon Gẫm mướn lại, chủ nhân đầu tiên của nhà hàng Tàu Nam-Kin chắc là Hoa kiều. Ông Simon Gẫm nay lại phục vụ thức ăn Tây mà đầu bếp là từ nhà hàng nổi tiếng Ollivier trên đường rue Vannier (Ngô Đức Kế ngày nay). Khi khách đông và nhà hàng phát đạt, “ngày đêm quí khách tới lui đông đảo, nhiều khi không đủ chổ hầu tiếp”, ông Simon Gẫm mở rộng ở tầng trên và mỗi thứ Bảy và Chủ nhật có đờn ca tài tử giúp vui khách. “… Bởi vậy nên nay tôi mới mở rộng thêm từng lầu trên, sửa sang dọn dẹp lại từng dưới phân biệt có nơi để dùng tiểu tiệc, có chỗ để bày đại yến, đặng hầu tiếp quí khách khi chén rượu tiễng (sic) biệt, lúc bữa ăn tẩy trần cho xứng đáng. Mỗi tuần thứ bảy va Chúa-nhựt có tài tử giai nhân đờn ca để trợ hứng cho quí khách nữa…” (Écho Annamite, 7.11.1924). Ông Simon Gẫm hoạt động gần hai năm thì giữa năm 1925, chủ nhà hàng là ông Trần Tú Oai. Theo thông cáo của tòa án thương mại Sài Gòn đăng trên tờ Écho Annamite (4.11.1925) thì ông Simon Gẫm bị phá sản và tịch biên sau khi không trả được nợ, ngày phá sản tạm định là 15.10.1925 khi nợ ngưng trả và tất cả tài sản niêm phong. Ông Simon Gẫm cũng bị giam. Trong quảng cáo nhà hàng Nam-Kim (Écho Annamite 27.8.1925), ông Trần Tú Oai có cho biết để giúp vui trong những bữa tiệc có trình diễn đờn ca tài tử và trong tiệc lớn có trình diễn cải lương do gánh hát được mời đến. Một mẩu quảng cáo của nhà hàng Nam-Kin trên Écho Annamite số ra ngày 27.8.1925 Nhân dịp luật sư tiến bộ người Pháp Paul Monin về Pháp nghỉ dưỡng một thời gian vào đầu tháng 3.1926, những người Việt chống thực dân Pháp đã tổ chức một buổi tiệc tiễn ông Monin ngày 27.2.1926, trong đó có các luật sư Phan Văn Trường – chủ nhiệm tờ La Cloche Fêlée (thay Nguyễn An Ninh), Nguyễn Kim Định – chủ nhiệm tờ Đông Pháp Thời Báo, Nguyễn Phan Long – nghị viện Hội đồng Quản hạt và Hội đồng Thành phố, Trương Văn Bền – nhà doanh nghiệp, Nguyễn Tấn Dược, bác sĩ Trần Văn Đôn, Dejean de la Bâtie – chủ bút Écho Annamite… Mỗi người góp 2 đồng gởi đến nhà hàng Nam-Kin để cung cấp thức ăn cho buổi tiễn biệt tổ chức tại vườn xoài nhà bà đốc phủ Tài, đường Lanzarotte. Đây cũng là nơi mà một tháng sau vào ngày 21.3.1926, Nguyễn An Ninh đã có buổi diễn thuyết nổi tiếng. Cũng vì cuộc diễn thuyết này mà Nguyễn An Ninh cùng với Dejean de la Bâtie bị bắt. Trong lịch sử kịch nghệ và cải lương ở giai đoạn thành lập thì nhà hát Đức Hoàng Hội ở đường Colonel Grimmaud (nay là Phạm Ngũ Lão) do Jacques Duc, Anthony Hoang và Paul Hội thành lập, đóng một vai trò quan trọng. Nhà hát Đức Hoàng Hội là nơi trình diễn kịch Pháp và Việt, nhạc, cải lương. Sài Gòn 1925, bên trái là tòa nhà chi nhánh ngân hàng Hong Kong & Shanghai- Banking Corporation, bên phải là ngân hàng Pháp – Hoa (Banque Franco – Chinoise, BFC). Nguồn: L’Association des amis du vieux Huế, www.aavh.org/?p=4199 từ bộ sưu tập của Công ty Denis-Frères, một trong nhiều công ty ở Sài Gòn buôn bán lúa gạo và xuất nhập khẩu Ngày khai trương nhà hát (15.10.1927), đại diện Thống đốc Nam Kỳ Blamchard de la Brosse cùng đông đảo quan khách Việt đến dự. Nhà hàng Nam-Kin được đảm nhận phục vụ nước uống và làm thức ăn buffet cho mọi người (Écho Annamite 13.10.1927). “… Khi mọi người đã ngồi vào chỗ, ông Jacques Lê Văn Đức, một trong những người chủ chưng nhiều năng động nhất của gánh hát nghệ thuật này, bước lên sân khấu, để đọc diễn văn mà chúng tôi đăng lại ở trang 3 số báo này, được sự vỗ tay nồng nhiệt của khán thính giả. Kế đó, đến phiên ông Hoàng đọc một bài diễn văn tiếng Việt, cũng được tán thưởng tương tự. Sau cùng, ba ông Đức – Hoàng – Hội đứng ra và một sự tán thưởng nồng nhiệt không diễn tả được từ công chúng, và kế tiếp là một tràng pháo nổ dài và điếc tai trong rạp. Mọi người sau đó được một bửa ăn buffet miễn phí, do nhà hàng Nam-Kin phục vụ, danh tiếng nhà hàng này thì chúng ta khỏi cần phải nói. Những bồi người Hoa phục vụ không ngưng nghĩ, mệt mỏi, những bánh, sandwich, rượu săm-banh, v.v… trong sự vui vẽ, thỏa chí đầy thức ăn ngon. Đúng là quá tốt khẩu vị cho tất cả mọi người Giờ thì đến phiên cho nhãn quan và thính quan. Đội kèn “Jeune Lyre” từ Tân Định, có nhiệm vụ làm người ta quên đi những tiếng pháo nổ ầm ỉ bằng những làn sóng nhạc dễ chịu và giai điệu quyến rũ rót vào tai khán giả, trong lúc các nhân viên của nhà hàng Nam-Kin rót uống rượu săm-banh, bia, nước ngọt li-mô-nát, rượu Martell và Perrier, tùy theo khẩu vị và yêu cầu hay mong muốn của khách! Gánh hát tài tử Đức Hoàng Hộ sau đó cũng trình diễn một vài đoạn trong các tuồng của họ…” (Écho Annamite 17.10.1927). Đến đầu thập niên 1930 thì không còn thấy tư liệu gì về nhà hàng Nam-Kin ở khu tài chính của thành phố Sài Gòn. Ta đoán là thời kỳ kinh tế khủng hoảng thế giới (1929-1935), hoạt động kinh tế trì trệ khắp Nam Kỳ và Đông Dương với giá lúa, cao su, nông sản xuống trầm trọng làm phá sản nhiều công ty, doanh nghiệp và các nhà điền chủ, doanh nhân lúa gạo như Quách Đàm. Nhà hàng Nam-Kin ở ngay trung tâm khu giao dịch kinh tế Nam Kỳ chắc cũng phải chịu chung số phận. Tuy vậy nhà hàng Nam-Kin đã đóng một vai trò biểu tượng của thập niên 1920 sung túc về sự phát triển văn hóa và kinh tế của người Việt trong tư tưởng và nhận thức khi đờn ca tài tử, cải lương ra công chúng và doanh nghiệp người Việt phát huy ở thương trường phá vỡ tư tưởng cựu trào về sĩ nông công thương và xướng ca vô loài. Theo nguoidothi