Phong vị báo xuân xưa: Hồi ức tết và thơ xuân


Có hai mảng nội dung mang tính văn nghệ của báo xuân xưa có sức thu hút độc giả. Đó là hồi ức tết xưa và thơ.

 Bài trên báo Tiếng Chuông 1963


Bài trên báo Tiếng Chuông 1963

Người đọc xem báo xuân vẫn thường đọc được những hồi ức rất hay của một số tác giả viết về những cái tết ngày xưa. Người viết có thể là một nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, một người hoạt động chính trường, một họa sĩ… Họ kể về chính mình, một kỷ niệm đã trải qua ở một khoảng đời, một tuổi thơ xa lắc lơ, một cái tết đáng nhớ…

Nhà văn Mai Thảo, trong Khởi Hành số xuân Canh Tuất 1970 viết tùy bút Thăm nhà một buổithể hiện tâm trạng u hoài sau 16 năm gia đình ông di cư vào nam. Trong 16 năm, có những người già đã ra đi và những em bé trong dòng họ được khai sinh. Khi về Phú Nhuận thăm cha mẹ ở một căn chung cư, ông thấy ở đó bầu không khí lặng lẽ, tịch mịch như trong một tản văn của Alphonse Daudet viết về cõi của người già. Khi soi vào tấm gương mà gia đình mang từ miền Bắc vào, ông đã từng soi những ngày thơ, ông thấy bên kia gương “sự truyền tiếp vô hình mà rực rỡ… tự động, hiển hiện trên từng xó góc một”. Nhà văn – họa sĩ Tạ Tỵ cũng trong tờ báo này, có bài hồi ức Quê ngoại viết rất chi tiết, giọng văn chân thật. Ông kể về một dịp tết ngày còn bé, được mẹ đưa về thăm quê ngoại ở một vùng biển nghèo gần Yên Tử. Chuyện vất vả tàu xe ngày tết thuở xưa đi từ Hà Nội qua mấy chặng tàu lửa, tàu thủy, đi bộ dưới mưa rét mới đến quê.

Những ngày xuân ở quê nghèo vùng biển Bắc bộ, những đối đãi trong người thân ở gia đình ngày tết đọc sao mà xúc động, mà buồn cho những con người và một quê hương nghèo khó. Hoặc bài viết Cái tết cuối cùng trên đất Pháp của nghệ sĩ Kim Cương trong giai phẩm Sốngxuân con gà Tết Kỷ Dậu 1969. Bà kể chuyện trong thời gian sống bên Paris, một đêm giao thừa nghỉ diễn, bà cùng em gái là Kim Quang nắm tay nhau dạo chơi trong ánh đèn rực rỡ của kinh đô ánh sáng mà cảm thấy nhớ nhà da diết. Cả hai hướng về quê nhà, không chỉ nhớ má và em, nồi thịt kho dưa giá mà còn nhớ quê hương, sân khấu, khán giả. Khi hai chị em vào quán cà phê gọi hai tách trà nóng uống cho ấm bụng, lấy ra mấy thứ mứt mang theo để nhấm nháp thì cảnh quê hương trên máy truyền hình được bật lên với bom rơi đạn nổ khiến cả hai vội vã ra về, lòng đau xót. Về tới nhà, nằm nghe khúc dân ca lại trào nước mắt và bà thấy một niềm thương dâng trào như men say, như sóng ngầm, xao động từ trong sâu kín của tâm hồn. Sau đó bà đánh điện xin má cho trở về ngay và lòng nguyện gắn bó không bao giờ rời bỏ quê hương.

Mảng thơ trên báo xuân, có bài nằm trong trang mục hẳn hoi, có bài được đệm vào chỗ trống của trang. Đọc báo xuân xưa, thường nhặt được những bài thơ hay, nhiều câu thơ hàm súc, cảm động. Thơ của các tác giả như Tạ Ký, Viễn Châu, Lê Minh Ngọc, Thanh Nam, Đinh Hùng, Kiên Giang (Hà Huy Hà), Hoàng Hương Trang… luôn buồn, cái buồn man mác trước một mùa xuân đẹp khi con người còn nặng nỗi hoài hương, thương xót cho quê nhà đang cảnh chiến tranh hay nhớ về cảnh sum họp đã không còn. Xin trích dẫn vài khổ thơ hay: “Lòng riêng nào những xuân hay tết/Dứt áo ra đi một chuyến này/Những chuyện tâm tình không tỏ được/Hoa đào trước cửa lả lơi bay…” (Xuân về thương nhớ với ai đây – Tạ Ký. Đời Mới – xuân 1955); “Tôi vẫn lái cuộc đời tôi trên những con đường quen thuộc/không mây/Dù mùa lá rụng hay dù tiếng kèn nửa đêm có căng buồm thổi/đến Honolulu nhiều gió/Xa rồi Việt Nam Đà Lạt và cà phê Tùng cuối năm/ Anh gục đầu trong hầm cà phê Figaro Nữu Ước/Chuyến ô-tô-buýt của đời tôi vẫn chạy hoài/ Trên những con đường Mỹ châu trống rỗng”… (New York, tháng 11, 1965 – Phạm Công Thiện. Văn – xuân 1966); “Ngõ hẹp đêm nay trên gác trống/Nhớ vô cùng nhớ tuổi hai mươi!/Dây nào kéo được thời gian lại/Để tóc này xanh miệng ấy tươi?” (Gửi nhau tâm sự – Hà Thượng Nhân. Tiền Tuyến – xuân 1972)…

Hầu hết những bài này được viết bằng giọng văn rất chân thành, đầy cảm xúc nên càng đọc càng thấm. Các cây bút nổi tiếng thường viết cho báo xuân miền Nam trước đây có: Vương Hồng Sển, Tùng Lâm, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Bà Tùng Long, Việt Tha, Tô Nguyệt Đình, Song Thao, Ngọa Long… Các báo Tự Do, Sáng Dội Miền Nam, Tiền Tuyến… có nhiều bài vở của các cây bút gốc bắc. Một số cây bút thường thấy xuất hiện trên báo xuân thập niên 1970 như Trường Kỳ chuyên viết về nhạc trẻ và đời sống giới trẻ, Trần Trọng Thức viết về kinh tế và bình luận thời cuộc…

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: